Hương trầm xứ trầm hương

Thứ Ba, 24/02/2015, 14:53
Khi thụ lãm hương trầm, người ta sẽ lắng đọng, những tham sân si lắng xuống nhường chỗ cho tình yêu thương. Từ đây người ta biết quan tâm, biết lắng nghe, sẻ chia và cảm thông đến mọi người, nhất là những người bất hạnh, thua kém mình.

Như mọi năm, Tết đến, ông Nguyễn Bôn, 64 tuổi, ngụ đường Phương Sài (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) lại xông trầm trên bàn thờ gia tiên. Sáng đầu xuân, tiết trời lành lạnh, bên ly rượu hồng đẳng sâm có xuất xứ tại núi rừng Tây Nguyên, giữa không gian đượm hương trầm nồng nàn, được những người con xứ trầm bật mí về mỹ tục đặc trưng ở xứ trầm hương, cảm giác thật nhẹ nhõm, dễ chịu!

Ông Bôn cho biết: “Năm hết Tết đến, hương trầm tỏa ra từ chùa chiền, đền miếu... đến nhiều nhà dân. Nếu như các chốn thờ tự xông trầm để tạo không khí thiêng linh, xem đó là cầu nối giữa người trần thế với thánh thần để mọi nguyện cầu, mong ước đến được bề trên, thì dân gian xông trầm với ý nghĩa khác. Gia đình tôi xông trầm để tỏ lòng thành với tổ tiên và người khuất mặt, cũng là cách để con cháu lắng lòng nhớ về những người thân đã khuất”.

Người xứ trầm còn xông trầm với niềm tin hương trầm tinh khôi thanh tẩy uế khí lẫn tà khí, giúp gia chủ được gặp nhiều may mắn trong chuyện làm ăn, buôn bán. Bà Bích Kiều, nhà trên đường Cửu Long (Nha Trang) cho biết, mỗi năm, gia đình bà khơi trầm từ đêm giao thừa, xông trầm đến hết mồng 10 Tết.

Một khối trầm được người Khánh Hòa xông hương vào dịp năm hết, Tết đến.

Sinh sống tại Đồng Nai nhưng là người gốc tỉnh Khánh Hòa nên lương y Nguyễn Trọng Bá (ngụ thị xã Xuân Lộc, Đồng Nai) rất am tường chuyện xông trầm ở xứ trầm. Theo lương y Bá, không ít gia đình ở thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và nhất là ở huyện Vạn Ninh (nơi phát triển mạnh nghề chế tác trầm mỹ nghệ - PV), đặc biệt là các gia đình trí thức, danh giá... xông trầm để “sảng khoái thần minh”. Lương y Bá mô tả, hương trầm có đủ vị cay - đắng - ngọt đặc trưng giúp người ngửi hương cảm giác sảng khoái, tinh thần thoái mái, dễ chịu, hưng phấn, từ đó giúp mọi bế tắc trong suy nghĩ, tâm tưởng được khơi thông.

Theo đánh giá của ông Bùi Văn Cứ (hội viên Hội trầm hương Việt Nam), nếu như trước đây, việc xông trầm chỉ dừng lại ở các gia đình danh giá vì trầm hương quá đắt đỏ, thì nay nhờ công nghiệp trồng dó cấy trầm phát triển, giá trầm hương mềm hơn rất nhiều, nên nhiều gia đình có điều kiện đã mua, tôn trí bàn thờ gia tiên và đốt xông trong những ngày Tết. Từ nghiên cứu, ông Cứ khẳng định: hương trầm còn có tác dụng... hướng thiện: “Khi thụ lãm hương trầm, người ta sẽ lắng đọng, những tham sân si lắng xuống nhường chỗ cho tình yêu thương. Từ đây người ta biết quan tâm, biết lắng nghe, sẻ chia và cảm thông đến mọi người, nhất là những người bất hạnh, thua kém mình”.

N.T.Dũng
.
.
.