Thích ứng các rào cản thương mại để mở rộng xuất khẩu
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản trong 9 tháng năm 2022 ước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nỗ lực cuả các doanh nghiệp (DN) XK tận dụng lợi thế cuả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và phát triển XK hàng hóa ra thị trường thế giới thông qua các nhà phân phối quốc tế…
Ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh khẳng định, phát triển XK hàng hóa ra thị trường thế giới thông qua các nhà phân phối quốc tế là định hướng chiến lược hướng về XK của Chính phủ cho các DN sản xuất hàng hóa tại Việt Nam. Hiện nay, hàng Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị lớn thuộc các hệ thống phân phối hiện đại ở nước ngoài. DN Việt Nam đã phát triển khá tốt phương thức XK hàng hóa thông qua các siêu thị lớn đang đầu tư tại Việt Nam.
Giá trị hàng hóa Việt Nam XK qua hệ thống phân phối hiện đại đang có mặt tại Việt Nam cũng tăng dần qua các năm. Chủng loại mặt hàng của sản phẩm Việt Nam đã có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng, hàng hóa được trưng bày có sự đa dạng về chủng loại và mẫu mã, với rất nhiều loại mặt hàng như nông sản, trái cây tươi (dừa, thanh long, chuối, vải…), hàng thực phẩm chế biến (mì, phở ăn liền, gia vị, đồ uống…), hàng may mặc, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ… Hàng Việt Nam được người tiêu dùng (NTD) của nhiều quốc gia ngày càng quan tâm và đón nhận.
Sản phẩm Việt Nam XK vào hệ thống phân phối hiện đại ở nước ngoài được đưa vào một số thị trường khó tính như Nhật Bản (tập đoàn Aeon), Mỹ (Walmart), Pháp và Thái Lan (Big C MM Mega Market), Ý (Central Retail)…Các sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt hiện đã có mặt tại nhiều nước của các khu vực thị trường thế giới, như tại châu Á có Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Trung Quốc; Tại châu Âu có Ý, Pháp, Anh; Tại châu Mỹ có Hoa Kỳ, Bắc Mỹ, và một số thị trường các quốc gia châu Phi.
“Hiện nay, đại diện các tập đoàn phân phối lớn trên thế giới đang có mặt ở Việt Nam như Walmart, Central Group, Aeon, Lotte, Decathlon,… sẵn sàng hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam tìm kiếm cơ hội XK những sản phẩm gốc Việt vào hệ thống phân phối của họ với những tiêu chuẩn tuyển chọn hàng hóa khắt khe về chất lượng, số lượng, giá cả, phản ứng của NTD…”, ông Lữ nói.
Kinh nghiệm trong XK hàng hóa đi các nước, ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch và CEO Công ty XK trái cây Vina T&T cho biết, muốn XK đi các quốc gia khó tính thì DN cần nắm rõ yêu cầu của từng thị trường. Như thị trường Mỹ thì cần có mã số vùng trồng do Bộ Nông Nghiệp Mỹ cấp, cần có mã số đơn vị đóng gói sản phẩm được Mỹ đánh giá. Nhập khẩu (NK) thông qua hình thức các lô hàng thương mại phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, hàng hóa cần thông qua đơn vị kiểm định của 2 nước. Còn với thị trường châu Âu phải có chứng nhận GlobalG.A.P., chứng nhận môi trường SMETA, ISO hay HACCP... Với tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, có những chất ở một số thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Australia... không cấm, nhưng châu Âu lại cấm.
Kể cả thị trường Trung Quốc, nếu như trước đây được xem là thị trường dễ tính và hàng hóa Việt Nam XK sang Trung Quốc phần lớn là tiểu ngạch, thì ngay từ đầu năm 2022, Trung Quốc đã trở thành thị trường khó tính khi đưa ra lệnh 248 và 249 về việc đăng ký VSATTP khi sản phẩm NK vào Trung Quốc. Từ đầu tháng 1/2022 đến 7/2022 Trung Quốc đã từ chối NK nhiều trường hợp không hợp lệ cả về mặt chất lượng cũng như hồ sơ gồm nhiều mặt hàng như: Thực phẩm, sản phẩm thủy sản, thịt, ngũ cốc, nước giải khát… Nguyên nhân, do vi phạm việc ghi nhãn, gian lận thương mại (hồ sơ và sản phẩm không khớp với nhau). Hiện, Trung Quốc cũng chỉ mới cho một số trái cây Việt Nam xuất vào nước họ với điều kiện khá khắt khe. Với nhiều loại thực phẩm, thị trường Trung Quốc yêu cầu DN ngoài đáp ứng được chất lượng VSATTP thì cần chú trọng đến việc ghi nhãn nhãn sản phẩm.
Với việc mở cửa thị trường hàng hóa, xóa bỏ thuế quan trong các FTA, các quốc gia NK ngày càng có xu hướng gia tăng sử dụng các rào cản phi thuế quan (NTM) như là công cụ hợp pháp để bảo vệ thị trường trong nước.
Để hỗ trợ DN khai thác hiệu quả thị trường XK, ông Huỳnh Lê Linh Vũ, Chuyên gia Nghiên cứu thị trường trong mạng lưới của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho rằng, trong hoạt động XNK mỗi quốc gia đều dựng rào cản nhằm bảo hộ sản xuất nội địa, các DN Việt Nam muốn XK phải tìm hiểu quy định, tiêu chuẩn của mỗi quốc gia mình hướng tới XK hàng hóa vào đó. Ví dụ châu Âu là xứ trồng cam, vì thế để bảo vệ người nông dân trồng cam trong nước, họ ra quy định rất khó cho chúng ta nếu muốn xuất loại trái cây này vào thị trường châu Âu.
Ông Vũ cũng lưu ý, châu Âu cho NK các loại trái cây của Việt Nam nhưng kèm theo đó là những quy định rất khắc khe. Một số loại trái cây như mãng cầu (trái na) trái chín dễ hóa giòi, nên khi mặt hàng này NK vào châu Âu là ngay lập tức họ sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra. Nếu phát hiện vi phạm thì ngoài bị phạt tiền, lô hàng cũng sẽ bị tiêu hủy. Vì vậy, để tránh rủi ro thì DN cần hạn chế XK những mặt hàng như vậy.
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao khẳng định, trong bối cảnh khá khó khăn hiện nay như ảnh hưởng của đại dịch, bất ổn thế giới cùng với lạm phát các nước tăng cao nên đòi hỏi chính DN cũng phải luôn thay đổi. Cơ hội sản xuất kinh doanh rất nhiều, phần còn lại thuộc về DN. DN phải nỗ lực để đưa hàng hóa vươn xa hơn vào thị trường các nước.