Hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm xuất khẩu

Thứ Sáu, 07/10/2022, 07:47

Ngày 6/10, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) và Công ty Eurofins Sắc ký Hải Đăng tổ chức tập huấn: “Tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng” cho hơn 200 doanh nghiệp (DN).

Theo Bộ Công Thương, đến nay Việt Nam đã hoàn thành ký kết và thực thị 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các FTA đã và đang mở rộng “cánh cửa” thị trường cho hàng xuất khẩu (XK) của Việt Nam. Đây là cơ hội để hàng Việt Nam kết nối tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

xk.jpg -0
Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu.

Ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc phụ trách ITPC cho biết, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các FTA đã tiếp sức cho hàng hóa Việt Nam vươn tới nhiều thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc và nâng cao khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng như: EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia…

Theo số liệu thống kê, tổng hàng hóa XNK trong 9 tháng của năm 2022 đã vượt mốc 500 tỷ USD và ước đạt trên 558 tỷ USD (tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước). Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu là trên 6 tỷ USD, trong đó kim ngạch XK của nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 23 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,2% tổng kim ngạch XNK và trở thành điểm sáng trong XK chung của cả nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang có biến chuyển, chính sách của các nước thị trường XK lớn thay đổi nhanh chóng, những FTA có hiệu lực đi liền với xu hướng gia tăng hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan, hàng rào về tiêu chuẩn kỹ thuật lao động, bảo vệ môi trường tại nhiều khu vực.

Cùng với đó, NTD ngày càng yêu cầu tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm, đòi hỏi các DN phải liên tục cập nhật các thay đổi về tiêu chuẩn XK, xu hướng tiêu dùng thực phẩm trong tương lai để từ đó định hướng chiến lược đầu tư, thay đổi quy trình sản xuất, nghiên cứu đổi mới sản phẩm và nguồn nguyên liệu phù hợp để đáp ứng được yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng của nước NK hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Phượng Vỹ -Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng, Công ty TNHH Eurofins Sắc ký Hải Đăng cũng khuyên DN khi XK vào một thị trường nào đó thì DN phải biết rõ thị trường đó cần những tiêu chuẩn, quy chuẩn nào để sản xuất sản phẩm đạt các tiêu chuẩn đó. Như thị trường Mỹ, có 98% sản phẩm bị cảnh báo thì trong đó có hơn 50% sản phẩm vi phạm do thiếu khai báo nhãn hàng hóa.

Ngoài ra, thị trường Mỹ cũng rất quan tâm đến vi sinh. Với thị trường EU, trong 8 tháng đầu năm 2022 có 82 trường hợp hàng hóa DN Việt Nam bị EU cảnh báo. Hầu hết các mặt hàng bị cảnh báo đều vượt ngưỡng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Ngoài ra, thị trường EU cũng rất quan tâm đến việc ghi nhãn hàng hóa và quan tâm chất gây ô nhiễm. Từ ngày 1/1/2023, EU sẽ giảm mức quy định về độc tố gây nấm trong sản phẩm cà phê nên DN cần lưu ý, phải kiểm soát nghiêm ngặt nguồn nguyên liệu, sản phẩm để XK vào thị trường này.

Đặc biệt, thị trường Trung Quốc, đầu năm 2022, Trung Quốc đã đưa ra lệnh 248 và 249 về việc đăng ký VSATTP khi sản phẩm NK vào Trung Quốc và Trung Quốc cũng đã trở thành một thị trường khó tính. Từ đầu tháng 1/2022 đến 7/2022, Trung Quốc đã từ chối NK nhiều trường hợp không hợp lệ cả về mặt chất lượng cũng như hồ sơ gồm nhiều mặt hàng thực phẩm, sản phẩm thủy sản, thịt, ngũ cốc, nước giải khát…

Nguyên nhân, do vi phạm việc ghi nhãn, gian lận thương mại (hồ sơ và sản phẩm không khớp với nhau). “Khi XK sang các thị trường, DN cần lưu ý ngoài việc đáp ứng được chất lượng VSATTP thì việc ghi nhãn sản phẩm cũng hết sức quan trọng”, bà Phượng Vỹ nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) cho rằng, DN Việt Nam, đặc biệt là nông nghiệp nông sản hiện nay có lợi thế rất lớn trong XK, hàng loạt FTA đã mang lại lợi thế cạnh tranh rất lớn.

Theo cơ quan thống kê châu Âu, 4 tháng đầu năm 2022, EU chi 40 tỷ đôla NK rau quả nhưng Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,1% chủ yếu vào thị trường ngách cho người Việt và người châu Á. Thực tế đó cho thấy, XK rau quả chưa tương xứng với tiềm năng là do số DN đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh chất lượng của các nước còn rất khiêm tốn.

Vì vậy, để đạt hiệu quả trong XK các DN hãy đưa các tiêu chuẩn quốc tế áp dụng vào DN của mình, đầu tư ưu tiên cho việc đổi mới hệ thống quản lý, đào tạo lại đội ngũ, tổ chức lại và quản lý chuỗi sản xuất - tiêu thụ của mình để lấy được các chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sản phẩm của mình vượt qua các xét nghiệm gắt gao nhất tại các cửa khẩu, đạt tiêu chuẩn kiểm soát tốt chuỗi sản xuất chính là “chìa khóa” để bước vào thị trường thế giới rộng mở.

Thúy Hà
.
.
.