Thị trường xuất khẩu nào “hot” trong năm 2023?

Thứ Ba, 31/01/2023, 20:35

Ngày 31/1, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trước những khó khăn thách thức của kinh tế, thương mại trong nước và quốc tế năm 2023, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2023 phê duyệt 76 đề án xúc tiến thương mại, phát triển ngoại thương bao gồm tổ chức tham gia hội chợ triển lãm có uy tín tại nước ngoài, tổ chức đoàn giao thương tại nước ngoài và đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam mua hàng, các hội nghị quốc tế ngành hàng, thông tin thương mại, đào tạo nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu...

Về thị trường, các hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp củng cố thị trường truyền thống, khai thác các cơ hội thì thị trường các nước FTA, tìm kiếm cơ hội thâm nhập nhiều hơn vào các khu vực thị trường mới như Trung Đông, Châu Phi, Mỹ Latinh..

Giữ vững thị trường và mặt hàng truyền thống, mở rộng thị trường và mặt hàng mới -0
Phải thực hiện được phương châm là giữ vững những thị trường truyền thống nhưng phải phát triển được các thị trường mới.

Cục tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại. Đặc biệt, tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác cung cấp thông tin, tư vấn thị trường xuất khẩu và kết nối thị trường cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp;

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả Chương trình Thương hiệu quốc gia thông qua các hoạt động nâng cao năng lực xúc tiến thương mại gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước thâm nhập sâu vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu;

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc thúc đẩy ký kết và triển khai các Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và đầu tư ngành Công Thương với các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại đối tác quốc tế.

Tại Hội nghị, đại diện Thương vụ Việt Nam tại nhiều thị trường đã cập nhật thông tin chính sách thương mại mới, những thay đổi quan trọng trong các quy định về xuất nhập khẩu.

Về thị trường Bỉ và EU, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại tại Bỉ và EU cho biết, năm 2023 thị trường EU được dự báo có nhiều thách thức, tuy nhiên theo lộ trình cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU. Năm nay nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang EU về được hưởng mức thứ 0%. Điều này là lợi thế cạnh tranh, cũng là động lực cho Việt Nam tăng xuất khẩu sang EU.

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại UAE, hàng Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang UAE do nhu cầu tiêu dùng cao, sản xuất nội địa chưa đáp ứng. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng được khuyến cáo: UAE là thị trường cạnh tranh rất khốc liệt về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là giá cả, do đó doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp cận phù hợp. Mặt khác, dân số của UAE phần lớn theo đạo Hồi, do vậy chứng nhận Hala cho mặt hàng lương thực, thực phẩm là cần thiết; tem mác trên bao bì sản phẩm nên được dịch sang tiếng Arab, ghi rõ và đầy đủ thông tin về sản phẩm…

Trước những thông tin mới được cập nhật, soi chiếu vào nhu cầu thực tế, đại diện Sở Công Thương Hải Dương, Đăk Lăk đề nghị Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường hỗ trợ kết nối giao thương, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại giúp địa phương tiêu thụ, nhất là xuất khẩu hàng hoá thế mạnh của tỉnh.

Đánh giá về vai trò của các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, hoạt động xúc tiến thương mại có vai trò hết sức quan trọng đóng góp rất lớn cho thành quả về mặt xuất nhập khẩu thời gian qua. Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng và các lãnh đạo Bộ hết sức quan tâm công tác này.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để vượt qua được những khó khăn, thách thức và tiếp tục tận dụng được thời cơ, phát huy được những thành tựu, kinh nghiệm mà Việt Nam đạt được trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2022, tôi đề nghị là các cơ quan chức năng của Bộ, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng như là các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn trước hết cần phải tổ chức nghiên cứu, quán triệt thật sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chiến lược, kế hoạch và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của năm 2023, từ đó có được những kế hoạch và có chương trình hành động một cách cụ thể, phù hợp.

Về tăng trưởng kinh tế của năm 2023 đạt từ 6,5% trở lên và trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thì cố gắng là đạt mức 6,5% trở lên. Vì vậy, cần phải đưa ra những kịch bản, nhiệm vụ, giải pháp thật cụ thể cho từng lĩnh vực. Đồng thời, phải thực hiện được phương châm là giữ vững những thị trường truyền thống nhưng phải phát triển được các thị trường mới, nhất là thị trường có những tiềm năng ở khu vực châu Á, nhất là Tây Á, Nam Á, châu Phi và Mỹ la tinh… Các thị trường như châu Âu và Mỹ đã có kinh nghiệm, địa bàn thì phải cố gắng duy trì và giữ vững.

Các cơ quan thương vụ phải tiếp tục chú trọng nắm bắt các chủ trương, chính sách mới của nước sở tại cả trong chính trị và kinh tế. Đồng thời chú ý phổ biến, lan tỏa chủ trương, chính sách cởi mở của Đảng và Nhà nước ta trong đầu tư và thu hút đầu tư, nhất là những ngành, lĩnh vực có tính chất nền tảng như: Công nghệ vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo, chế biến điện tử, hóa chất và năng lượng. Đây là những ngành mà Việt Nam đang khuyến khích để phát triển công nghiệp nền tảng để thúc đẩy nền xây dựng công nghiệp hóa đất nước.

Tiếp tục làm tốt công tác thu thập thông tin, kết nối thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Việt Nam và các châu lục, quốc gia, doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp trong nước điều chỉnh kịp thời những chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. 

Lưu Hiệp
.
.
.