Xúc tiến thương mại số - lựa chọn tối ưu của doanh nghiệp

Thứ Năm, 23/06/2022, 09:26

Thời gian qua, doanh nghiệp (DN) đã tiếp cận khá tốt trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Trên thực tế, với xu hướng số hoá thì việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà trở thành hướng đi bắt buộc đối với mọi tổ chức, DN để thích ứng và tận dụng những cơ hội mới nhằm duy trì và mở rộng thị trường.

Tại Hội nghị Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại (XTTM) do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Alibaba.com triển khai thực hiện với chủ đề "Hương vị Việt Nam thăng hoa thế giới", tập trung cho ngành hàng nông sản, thực phẩm và đồ uống tổ chức ngày 22/6 tại Hà Nội, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM, cho biết, hoạt động XTTM số đang không ngừng được đẩy mạnh, tăng cường và đổi mới nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình mới, góp phần hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xúc tiến xuất khẩu. Cục XTTM luôn tích cực, nhanh chóng và sáng tạo nhằm ứng dụng thực hiện các mô hình XTTM trực tuyến và Hybrid (trực tiếp kết hợp trực tuyến) tại Việt Nam.

1a-20220525104739.jpeg -0
Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại là lựa chọn tối ưu cho mỗi doanh nghiệp thích nghi với bối cảnh thương mại mới.

Theo ông Vũ Bá Phú, bước sang năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu đang từng bước tăng tốc, kinh tế và thương mại của Việt Nam đã có những bước khởi sắc đáng kể. Cùng với đó, việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023 và kể từ khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho DN xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm và đồ uống của Việt Nam vẫn được xúc tiến tiêu thụ ở dạng thô với giá còn thấp hơn các nước khác do nhiều nguyên nhân như thiếu thông tin thị trường, các hình thức XTTM còn hạn chế. Do đó, việc hỗ trợ DN tìm kiếm và đa dạng các kênh phát triển thị trường trong bối cảnh kinh tế hiện nay đang là ưu tiên hàng đầu đặt ra với các DN.

Theo đó, hội nghị sẽ tập trung vào nội dung hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa từng bước lập kế hoạch, thực hiện được kế hoạch chuyển đổi số trên cơ sở các nguồn lực hiện có, thay đổi nhận thức và tư duy về việc tận dụng các công cụ số. Đặc biệt, Cục XTTM chính thức khởi động chương trình hỗ trợ cho 10.000 DN về gói chuyển đổi số trọn gói. Với chương trình này, các DN sẽ được hướng dẫn và tư vấn thực địa cài đặt các nền tảng tiêu chuẩn, ứng dụng ngay được trong hoạt động kinh doanh của DN. Hơn nữa, các DN sẽ được phân chia theo các đối tượng như sản xuất, thương mại, xuất khẩu… để được tư vấn hiệu quả.

Ông Chu Trường Ân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh cũng cho rằng, những thông tin về chuyển đổi số và ứng dụng đưa sản phẩm lên sàn TMĐT đã giúp DN hiểu rõ hơn phương thức XTTM ứng dụng các công cụ số, tiếp cận sàn thương mại quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là thông tin về các hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến chuyển đổi số cho DN. Tuy nhiên, công ty cũng mong chờ về tính hiệu quả trên thực tế, những tư vấn, hướng dẫn dài hơi cho DN để quá trình tham gia và ứng dụng được thành công.

Ông Bùi Cao Học, Giám đốc điều hành Công ty OnlineCRM cho biết, để đạt được mục tiêu hỗ trợ 10 nghìn DN chuyển đổi số và chuyển đổi số hiệu quả từ 2022-2025, OnlineCRM rất cần sự chung tay của tất cả, từ cơ quan nhà nước, các hiệp hội ngành nghề cho tới các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cùng phối hợp và hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ. Hiện, OnlineCRM đã phối hợp và đồng hành cùng với Cục XTTM để hỗ trợ cho các DN SMEs chuyển đổi số và chuyển đổi số hiệu quả.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư kí Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội chia sẻ thêm, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM thời điểm hiện tại là lựa chọn tối ưu cho mỗi DN nhằm thích nghi với bối cảnh thương mại mới. "DN nên chuyển đổi số các hoạt động xuất khẩu gắn với từng thị trường cụ thể và thị trường truyền thống... tham gia tích cực các sàn TMĐT như Alibaba.com, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng về công nghệ thông tin, nhân sự sale, marketing, giỏi ngoại ngữ để đáp ứng công việc thương mại điện tử xuyên biên giới", ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Lưu Hiệp
.
.
.