Đa dạng xúc tiến thương mại để hỗ trợ xuất khẩu

Thứ Sáu, 05/03/2021, 06:36
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) đã có những thay đổi cách thức đáng kể đặc biệt là đẩy mạnh XTTM trực tuyến. Đây được coi là đòn bẩy cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp (DN), ngành hàng và địa phương trong việc kết nối, xây dựng quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng tại các thị trường xuất khẩu (XK) trọng điểm, mở rộng thị trường.


Thời gian qua, dịch COVID-19 buộc các nền kinh tế lớn, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ... phải thực hiện các biện pháp mạnh nhằm hạn chế sự lây lan, khiến hoạt động XTTM của DN Việt Nam tại các thị trường quốc tế không thể diễn ra như kế hoạch.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đại diện thương mại tại nước ngoài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương thức XTTM, quảng bá thương hiệu hàng Việt Nam thông qua các nền tảng công nghệ số. Đây được xem là biện pháp phù hợp trong bối cảnh hạn chế di chuyển, đồng thời là giải pháp lâu dài nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả.

Các hội nghị giao thương trực tuyến đã mang lại hiệu quả tích cực cho các doanh nghiệp trong việc hợp tác, mở rộng thị trường.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, các hoạt động xúc tiến XK, giao thương trực tuyến và những hình thức hội nghị hybrid (hội nghị trực tiếp và trực tuyến) được thực hiện rất hiệu quả trong năm qua là nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào XTTM.

Trong năm 2020, Cục XTTM đã phối hợp với các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước, các cơ quan XTTM nước ngoài tổ chức trên 500 hội nghị quốc tế trực tuyến. “Kết quả, có hơn 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm nghìn DN Việt Nam được hỗ trợ XTTM với các đối tác nước ngoài. Hình thức XTTM mới này đã giúp DN XK tiết kiệm chi phí mà vẫn phát triển tốt quan hệ với đối tác nước ngoài, bao gồm 55 thị trường XK của Việt Nam.

Trong đó có cả các thị trường lớn, truyền thống như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU... đến các thị trường tiềm năng ở xa như Chille, Mexico, Trung Đông, Nam Á, châu Phi. Hoạt động giao thương trực tuyến cũng đã kịp thời hỗ trợ các địa phương có nông sản phụ thuộc mùa vụ cao như Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La, Cà Mau, Đắk Lắk..., góp phần tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân đồng thời thu hút đầu tư vào chế biến, sản xuất nông sản tại địa phương”, ông Vũ Bá Phú cho hay.

Mới đây, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Áo kiêm nhiệm Slovenia và Phòng Thương mại và Công nghiệp Slovenia tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến DN Việt Nam – Slovenia 2021.

Sự kiện thuộc Chương trình Cấp quốc gia về XTTM năm 2021, nhằm thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực cơ khí giữa các DN Việt Nam và Slovenia. Tại sự kiện, 21 DN Việt Nam đã giao thương trực tuyến với 12 DN Slovenia để tìm hiểu thị trường, đối tác và giới thiệu sản phẩm, năng lực DN, qua đó tạo tiền đề để thiết lập quan hệ hợp tác trong tương lai.

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), ưu điểm vượt trội của kênh XTTM trực tuyến là rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và DN. DN có thể tiếp thị toàn cầu, truy cập lấy thông tin cũng như giao dịch với khách hàng 24/7. Đặc biệt, XTTM trực tuyến chi phí chỉ bằng 1/10 so với XTTM trực tiếp nhưng đem lại hiệu quả gấp nhiều lần.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện thương mại điện tử xuyên biên giới đã thay đổi hoàn toàn xu hướng kinh doanh, hợp tác với nhiều DN, trong đó các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa có cơ hội bình đẳng vươn tới thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội từ XTTM trực tuyến, tìm kiếm bạn hàng và ký kết được hợp đồng thì trước hết các DN cần trang bị đầy đủ những điều kiện cần và đủ.

Theo đó, DN cần có sản phẩm đủ khả năng, tiềm năng XK với giá thành cạnh tranh; có nhân sự chuyên trách và gian hàng quảng bá chuyên nghiệp; tích cực nâng cao thứ hạng gian hàng, tăng khả năng quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, do tính cạnh tranh trong thương mại điện tử rất  khốc liệt nên DN cần số hóa tất cả điểm tiếp xúc để tương tác với người mua hàng, qua đó hỗ trợ tốt cho các khâu từ marketing đến bán hàng, chăm sóc khách hàng...

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện các hình thức xúc tiến hiện đại còn hạn chế; quy mô hoạt động còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Hoạt động XTTM chưa có sự liên kết thành một hệ sinh thái giữa DN XK, hiệp hội ngành hàng, tổ chức XTTM với nhà cung cấp dịch vụ chuyên ngành. Nếu khắc phục những hạn chế này thì hiệu quả mang lại sẽ lớn hơn rất nhiều.

Để hỗ trợ DN, trong năm 2021, Bộ Công Thương sẽ đa dạng hóa các hình thức XTTM, trước mắt ưu tiên triển khai các đề án XTTM quốc gia, các hoạt động với những thị trường sớm khôi phục sau dịch COVID-19. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh XTTM đối với các thị trường trọng điểm, thị trường có thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ…

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, năm 2021, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp và thuận lợi để các tổ chức, DN trong nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động XTTM, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, trong năm 2021 sẽ đưa vào triển khai và khai thác thêm nhiều ứng dụng số nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động XTTM như ứng dụng (App) trên web và điện thoại thông minh cơ sở dữ liệu dùng chung quản lý khách hàng (CRM), để kết nối các đơn vị hỗ trợ XTTM bao gồm các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức XTTM trong và ngoài nước, các DN xuất-nhập khẩu.

Bên cạnh đó, "Cục XTTM sẽ đưa vào triển khai nền tảng đào tạo XTTM trực tuyến (E-learning) nhằm giúp các DN Việt Nam dễ dàng tiếp cận, tham gia các khóa đào tạo trực tuyến để nâng cao kiến thức, kỹ năng XTTM mà không phải đến các lớp học trực tiếp do bận công tác hay khoảng cách địa lý xa xôi", ông Phú cho biết thêm.

Lưu Hiệp
.
.
.