Giải “bài toán” việc làm cho người lao động hồi hương ở miền Tây Nam Bộ

Chủ Nhật, 24/10/2021, 09:12

Do chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, thời gian qua, đã có hàng trăm ngàn người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ hồi hương về miền Tây Nam Bộ. Qua khảo sát, đa phần người dân trở về lần này mong muốn được làm việc tại chính quê hương của mình…

Sống bám với cái nghề “con mắm, cá khô” từ nhỏ tại “rốn lũ” huyện đầu nguồn An Phú, tỉnh An Giang, vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Hiền (xã Khánh An) nhận thấy rằng nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng ít, cuộc sống quê nhà ngày càng khó khăn. Bàn với gia đình, gửi lại các con cho ông bà, vợ chồng chị Hiền rủ thêm vợ chồng chị Nguyễn Thị Diệu ở cùng xóm đi Bình Dương lao động.

Chỉ mới làm được một tháng thì dịch bệnh bùng phát. 4 con người xa quê, chỉ biết tằn tiện từng đồng từng cắc để duy trì cuộc sống, cầu mong mau hết dịch. 3 tháng ròng trôi qua, cầm cự không nổi, bán đi chỉ vàng mang theo phòng thân, 4 người trên 2 chiếc xe máy hồi hương. Trò chuyện cùng chúng tôi khi vừa hoàn thành việc cách ly tại nhà, chị Hiền chia sẻ mong muốn được làm việc tại quê nhà.

“Trên địa bàn huyện thì nhu cầu sử dụng lao động tại các công ty, doanh nghiệp không nhiều nên phải đi xa. Chứ có ai muốn xa con cái, xa quê hương đâu. Còn về thu nhập chỉ cần bằng khoảng 60-70% so với mức thu nhập tại các thành phố lớn là được rồi”, chị Hiền chia sẻ.

viec_lam-1635041561290.jpg
Các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ đang triển khai các giải pháp giúp người dân hồi hương có việc làm ổn định.

Ông Lê Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú cho biết, từ ngày 1/10 đến nay, trên địa bàn có hơn 6.000 người dân trở về quê. Qua nắm tình hình, bà con có mong muốn được lao động tại địa phương. Tuy nhiên, với đặc thù là sản xuất nông nghiệp, toàn huyện chỉ có 109 doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng khoảng 400 công nhân lao động. Huyện đang rất quan tâm đến vấn đề giải quyết nhu cầu việc làm của bà con nhằm sớm ổn định cuộc sống.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, cái khó ở đây là “độ khớp” giữa doanh nghiệp và người lao động còn chênh nhau. Những yêu cầu của người sử dụng lao động đưa ra, người lao động chưa đáp ứng được. “Tỉnh An Giang đang tính toán đến công tác đào tạo nghề nông thôn, hỗ trợ vốn nuôi trồng một số mô hình nông nghiệp, giúp bà con ổn định cuộc sống. Đa phần bà con đã thoát ly việc sản xuất nông nghiệp một thời gian lâu nên không muốn quay lại nghề nông nhưng mong muốn được làm việc tại địa phương”, ông Thư cho biết.

Hiện nay, An Giang đã đón khoảng 60.000 người dân hồi hương. Địa phương đang tập trung làm tốt công tác cách ly, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, đảm bảo an sinh cho người dân. Đồng thời, tiến hành rà soát, phân nhóm lao động theo ngành nghề, độ tuổi cũng như nguyện vọng của người dân về việc làm để có kế hoạch giới thiệu đến các doanh nghiệp. Trên địa bàn, các doanh nghiệp may mặc, giày da, chế biến xuất khẩu cá tra đều có nhu cầu sử dụng lao động từ 5.000-7.000 lao động/doanh nghiệp. Do đó, số lao động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần có thể cao hơn số người dân hồi hương…

Theo đánh giá, nguồn lao động trở về từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ chính là nguồn nhân lực có thể đáp ứng được yêu cầu về cả trình độ tay nghề lẫn kinh nghiệm. “Lâu nay, doanh nghiệp trên địa bàn An Giang cũng như các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ vẫn “khát” lao động có tay nghề, có kinh nghiệm nên cơ hội dành cho người lao động tại quê nhà là không thiếu. Cái cần là sự kết nối của các trung tâm việc làm ở các địa phương để giúp người lao động và doanh nghiệp tìm thấy nhau”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ.

Theo thống kê của UBND TP Bạc Liêu, địa phương có hơn 2.000 người ngoài tỉnh về địa bàn do ảnh hưởng của dịch bệnh, sau hoàn thành việc cách ly, những người này không có việc làm ổn định. Ông Trần Hồng Thái, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Bạc Liêu cho biết, qua kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, có khoảng 7 công ty, doanh nghiệp có quy mô lớn đang có nhu cầu tuyển dụng lao động ở lĩnh vực chế biến thủy sản và may mặc. Các công ty đề nghị địa phương chủ động nhận hồ sơ tại phường, xã. Sau khi có hồ sơ thì chuyển sang các doanh nghiệp sẽ tiến hành nhận người vào lao động. Tuy nhiên, vẫn còn một số công ty đang chờ tuyển dụng lao động theo nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để giải “bài toán” trên, bà Đỗ Ái Lam, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu cho biết, phải khảo sát nắm rõ nhu cầu, chuyên môn nghề nghiệp của người dân, sau đó chia thành nhóm nhỏ để phỏng vấn rồi mời các doanh nghiệp lại để tuyển dụng. Với những người lao động khó khăn thì việc hỗ trợ nhu yếu phẩm chỉ là giải quyết tạm thời cuộc sống. Tạo việc làm là hỗ trợ người lao động có “cần câu” để đảm bảo cuộc sống ổn định về lâu dài.

Theo Phó Chủ tịch TP Bạc Liêu, người lao động về quê đã có địa chỉ cụ thể thì các xã, phường tập trung chỉ đạo khóm, ấp, đoàn thể làm sao nắm được một số thông tin cơ bản như: có dự định quay lại địa phương trước đây làm việc không, có nguyện vọng muốn làm việc gì ở công ty, doanh nghiệp nào… Sau đó, có giải pháp cụ thể, giúp người dân có việc làm, các công ty, doanh nghiệp tuyển được lao động để sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Còn tại Hậu Giang có hơn 5.000 doanh nghiệp, trong đó có nhiều công ty đang có nhu cầu tuyển dụng lao động. Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, đã yêu cầu các địa phương gửi phiếu và lấy ý kiến cho công dân điền vào, từ đó thống kê, rà soát những trường hợp nào đang trong độ tuổi lao động và nhu cầu việc làm. Để từ đó làm căn cứ phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Trường hợp người không nằm trong tuổi lao động không có điều kiện đi làm trong các doanh nghiệp, muốn vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tỉnh cũng tạo điều kiện liên kết với các ngân hàng…

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ, vào ngày 29/10, 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ cùng TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương tổ chức Phiên giao dịch việc làm khu vực ĐBSCL (đợt 1). Phiên giao dịch việc làm khu vực ĐBSCL được tổ chứcbằng cả 2 hình thức là trực tiếp (tại trụ sở Trung tâm Dịch vụ việc làm của 15 đơn vị tỉnh, thành phố) và trực tuyến thông qua nền tảng công nghệ Zoom Meeting. Đây là hoạt động do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ khởi xướng, nhằm góp phần giải quyết bài toán việc làm hậu COVID-19. Đặc biệt là tại ĐBSCL vừa qua, mỗi địa phương đã tiếp nhận hàng chục ngàn lao động trở về quê do tác động của dịch COVID-19.

Trần Lĩnh
.
.
.