Để sản xuất bền vững sau đại dịch
Dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát khiến kinh tế cả nước nói chung, châu thổ Cửu Long nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề. Số doanh nghiệp (DN) rút khỏi thị trường tăng kỷ lục; tình trạng thất nghiệp trầm trọng. Thực tế buộc các tỉnh, thành trong vùng phải mở cửa, tái khởi động sản xuất kinh doanh (SXKD), phục hồi kinh tế.
Đánh giá tại hội thảo trực tuyến “Bức tranh kinh tế Việt Nam và ÐBSCL: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022” vừa diễn ra cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021 cả nước có 85.000 DN được thành lập mới trong khi số DN rút khỏi thị trường trên 90.000 DN. Bình quân mỗi tháng có 10.000 DN rút khỏi thị trường gây nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế. Ngay cả các DN còn hoạt động thì phần lớn đang kiệt quệ, nhiều DN “chết lâm sàng”. Tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, 98% DN thiệt hại nặng nề.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử 2 thập kỷ qua, tăng trưởng GDP của Việt Nam quý III-2021 ước tính âm đến 6,17%, so với quý III-2020 – điều ít ai nghĩ tới. TP Hồ Chí Minh và một số địa phương là trung tâm dịch bệnh có thể âm sâu tới 2 con số. Và GDP dự báo tiếp tục âm sâu nếu tình hình không được cải thiện sớm.
“Rất may, với sự chuyển hướng kịp thời, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong 2 tuần qua, dịch bệnh được kiểm soát tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và các tỉnh, thành phố khác. Chúng ta đang đứng trước cơ hội tốt để nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế Ðại học Fulbright Việt Nam lưu ý: “Chúng ta cần tránh tình trạng “mở rồi lại đóng”, bởi như vậy chẳng những không phục hồi kinh tế được mà còn dẫn tới đổ vỡ nền kinh tế trong năm 2022. Nếu Việt Nam mở cửa từ đầu tháng 10/2021, có thể đến giữa tháng 10, nhiều DN đã quay lại SX. Và như thế, dự báo tăng trưởng của quý IV-2021 có thể tăng 3,5% so với quý trước, cả năm 2021 có khả năng tăng trưởng được 2,1%. Nếu mở cửa ngập ngừng thì quý IV-2021 tăng trưởng thấp hơn 2%, kéo theo cả năm chỉ tăng trưởng được 1%. Trường hợp không mở cửa được, tức quý IV không tăng trưởng, đương nhiên cả năm 2021 sẽ có mức tăng trưởng âm”.
UBND TP Cần Thơ vùa tổ chức đối thoại trực tiếp và trực tuyến với các DN về khôi phục hoạt động SX, mở lại hoạt động sau thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty Thủy sản Biển Đông (Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ) cho biết, công ty khởi động làm việc trở lại từ ngày 27/9 theo phương châm “3 tại chỗ” với số lượng công nhân ban đầu là 414 lao động (trong đó 333 người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 1; 81 người đã tiêm mũi 2). Đầu tháng 10, công ty đã có văn bản gửi BQL các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ xin bổ sung lao động vào tham gia “3 tại chỗ” với số lượng tăng thêm 438 người đã tiêm mũi 1. Bên cạnh đó, công ty dự kiến tăng tiếp công nhân tham gia làm việc sau khi có lượng công nhân được tiêm ngừa thêm.
Cũng theo ông Trường, thời gian qua với việc thành phố tạo điều kiện cho công nhân được tiêm vaccine cùng với nhiều chế độ hợp lý từ công ty nên có hàng trăm công nhân an tâm trở lại làm việc. Công ty đề nghị thành phố quy định không phải test SARS-CoV-2 đối đối với lao động được tiêm đủ 2 mũi (sau 14 ngày và không quá 12 tháng). Đồng thời, cho phép đơn vị chủ động test nhanh ngẫu nhiên 5-10% công nhân hằng tuần, cập nhật thường xuyên kết quả test nhanh này về Ban Quản lý khu công nghiệp.
Ông Trường cũng bày tỏ mong muốn được tổ chức xây dựng mô hình “Khu làng công nhân” tại quận Ô Môn với diện tích khoảng 10ha, nhằm tạo điều kiện tập trung công nhân ở nhiều địa phương lân cận an tâm làm việc, duy trì SX liên tục trong bối cảnh khắc nghiệt như hiện nay.
Chia sẻ với DN, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thành phố đang có kế hoạch ưu tiên phân bổ vaccine cho công nhân tham gia SX và mong muốn DN tích cực tuyên truyền, vận động để người lao động hiểu việc tiêm vaccine sớm nhất là vaccine bảo vệ tốt nhất.
Bên cạnh đó, trong điều kiện hiện nay thành phố xác định tuyến đầu là DN, nên chính quyền, chủ DN đồng hành lo cho công nhân, phải bảo vệ an toàn lực lượng tham gia SX. Người đứng đầu UBND thành phố đánh giá cao đề xuất xây dựng nhà ở cho công nhân gần DN đang hoạt động, điều này tạo tinh thần thoải mái để công nhân gắn bó lâu dài, cống hiến hết mình cho DN.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều chương trình và các giải pháp hỗ trợ DN ứng phó, phục hồi SX trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn. Nhờ vậy, hoạt động tín dụng từ đầu năm đến nay tuy bị ảnh hưởng, giảm doanh thu, lợi nhuận nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn đạt khá tốt.
Trong 9 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng tích cực huy động vốn đạt 23.800 tỷ đồng, tăng 1,7%. Tiến hành cho vay với tổng dư nợ đạt 31.800 tỷ đồng, tăng 5,59% so với cuối năm 2020. Trong đó, có nhiều ngân hàng tiên phong giảm lãi suất cho vay, thực hiện cơ cấu lại thời gian thanh toán nợ và miễn, giảm lãi suất…
Cùng với các giải pháp về tài chính, việc tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ khác dành cho DN là cần thiết, nhất là việc triển khai quyết liệt Nghị quyết 105 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19…
Thích ứng trong tình hình mới, hầu hết các công ty, xí nghiệp chế biến thuỷ sản ở tỉnh Cà Mau khi mở cửa hoạt động trở lại đã có giải pháp thay đổi phương thức SX cũng như trong việc phân phối, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Ðể đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch, các công ty chế biến thuỷ sản nơi đây tổ chức hoạt động theo quy trình khép kín tất cả các khâu một cách nghiêm ngặt, như: công nhân trước khi vào nhà máy phải khai báo y tế; đo thân nhiệt và test nhanh SARS-CoV-2 định kỳ.
Tổ chức SX theo từng khu vực, đồng thời phát huy tối đa dây chuyền công nghệ sản xuất để giảm bớt số lượng công nhân. Từ SX tập trung chuyển sang SX theo từng cụm, từng ca với số lượng hạn chế và các khâu sơ chế ban đầu đều được chế biến ngay tại các phân xưởng nhỏ lẻ…