Cơ hội việc làm sau dịch vẫn còn khó khăn

Thứ Sáu, 15/10/2021, 09:07

Diễn biến bất thường của dịch COVID- 19 đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến, với mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, khiến cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động càng khó khăn hơn.

Đây là vấn đề được ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) đưa ra tại buổi công bố báo cáo thống kê vừa diễn ra. Các số liệu được công bố cũng cho thấy hàng loạt khó khăn mà hàng triệu lao động đang phải đối mặt.

Thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm qua

Số liệu công bố cho thấy, tính riêng quý III/2021 vừa qua, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 như mất việc làm, giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…So với quý trước, số lao động chịu tác động xấu bởi dịch COVID-19 trong quý III tăng thêm 15,4 triệu người. Hầu hết những người bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 24 - 54 tuổi, chiếm 73,3% tổng số lao động bị ảnh hưởng.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là trong quý III, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động lên đến hơn 1,7 triệu người (tăng 532 nghìn người so với quý trước và tăng gần 445 nghìn người so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2021 là 3,98%, tăng 1,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%, tăng 2,18 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,60 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, quý II/2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây thì thu nhập bình quân tháng của lao động quý III/2021 chỉ là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong quý III/2021, hầu hết ngành kinh tế đều ghi nhận mức sụt giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng thu nhập nặng nề với mức bình quân tháng là 6,2 triệu đồng (giảm 1 triệu đồng so với quý trước).

Lao động ngành vận tải, kho bãi có thu nhập bình quân giảm 20,3%, tương ứng giảm 1,6 triệu đồng, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống có thu nhập bình quân giảm 21,2%, tương ứng giảm 1,2 triệu đồng so với quý trước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vốn là khu vực có nhiều yếu tố khởi sắc và ghi nhận tốc độ tăng trưởng ổn định về thu nhập bình quân người lao động trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, đến quý III năm 2021, thu nhập bình quân của người lao động chỉ là 3,4 triệu đồng (giảm 340 nghìn đồng, tương ứng giảm 9,2% so với quý trước).

“Diễn biến phức tạp của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã làm số người tham gia lực lượng lao động sụt giảm nghiêm trọng. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây, đồng thời đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến, vượt xa con số 2% như thường thấy ở mức 3,98% là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây”, ông Nam cho biết.

bao-hiem-xa-hoi-trun.jpg -0
Người lao động cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng chuyển đổi công việc để dễ tìm kiếm việc làm trong bối cảnh hiện nay.

Chỉ một số ngành có tín hiệu khả quan

Theo các chuyên gia lao động, các kịch bản phục hồi của thị trường lao động hiện phải dựa vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, đà phục hồi của nền kinh tế không chỉ trong nước mà còn phụ thuộc vào cả nhiều thị trường trên thế giới bởi hàng hóa xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn. Mặc dù chưa thể đưa ra những nhận định cụ thể về thị trường lao động thời gian tới nhưng vẫn có một số lĩnh vực gia tăng tuyển dụng.

Theo bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Adecco Hà Nội (đơn vị cung cấp dịch vụ nguồn nhân lực) thì quý III/2021 vừa qua, mặc dù nhiều địa phương phải áp dụng Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch nhưng so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu từ Adecco Việt Nam cho thấy nhu cầu tuyển dụng tăng 10%, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ. Nhu cầu ở lĩnh vực này cao hơn 30% so với quý 3 năm ngoái, tập trung vào các vị trí cấp cao liên quan đến hỗ trợ công nghệ và vận hành thương mại điện tử.

“Thời gian tới, sẽ có nhiều kịch bản diễn ra tùy theo khả năng kiểm soát đại dịch. Tuy nhiên, bất kể tình hình như thế nào, một số lĩnh vực đã, đang và sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Việc nhân viên phải làm việc từ xa qua Internet khiến các công ty phải tăng cường nhân sự cho bộ phận quản trị mạng và cơ sở dữ liệu. Thêm vào đó, lưu trữ đám mây đang thúc đẩy quá trình số hóa tại các doanh nghiệp nhanh hơn bao giờ hết. Điều này dẫn đến nhu cầu về kỹ sư công nghệ thông tin sẽ tăng trưởng mạnh mẽ ”, bà Nguyễn Thu Hà cho biết.

Trong khi đó, một báo cáo mới đây được phân tích dựa trên ý kiến của 400 doanh nghiệp và 1.200 người tìm việc tham gia khảo sát của Tập đoàn Navigos (đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự) thì khi quay trở lại hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”, có 56,7% doanh nghiệp sẽ tuyển dụng sau khi trở lại hoạt động bình thường. Đáng chú ý, có 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ tuyển nhân viên hoàn toàn mới. Các vị trí được tuyển dụng nhiều nhất thuộc các lĩnh vực là kinh doanh, bán hàng, công nghệ thông tin, marketing, chăm sóc khách hàng, tài chính kế toán.

Đáng chú ý, công nghệ thông tin là ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất. Mức độ tăng trưởng về tuyển dụng tại các doanh nghiệp trong thời gian này tại Hà Nội có tỷ lệ cao hơn TP Hồ Chí Minh, lần lượt là 50% và 45,2%. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin có quy mô từ 101- 300 nhân lực có sự tăng trưởng lớn nhất về tuyển dụng nhân sự. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tại Hà Nội có quy mô 10 - 50 nhân lực và 101 - 300 nhân lực còn chú trọng tăng tuyển nhân sự cho các vị trí kinh doanh, bán hàng.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho biết, khả năng phục hồi của thị trường lao động sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, công tác tiêm vaccine cho người dân và hiệu quả của các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế. Với kịch bản thành phố nới lỏng một số hoạt động kinh tế, sản xuất kinh doanh quan trọng trong trạng thái bình thường mới, thì tình trạng thiếu việc làm sẽ được cải thiện.

“Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, Trung tâm dịch vụ việc làm luôn chuẩn bị các biện pháp ứng phó với các tình huống dịch bệnh diễn ra để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp phục hồi vượt qua dịch bệnh. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai linh hoạt các biện pháp xây dựng phương án hỗ trợ người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, khai báo thông tin tìm kiếm việc làm dưới hình thức gián tiếp. Quan trọng nhất là dự báo kịp thời về tình hình lao động việc làm trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để có phương án kết nối cung cầu phù hợp với bối cảnh”, ông Thành cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.