Bài toán việc làm trong trạng thái “bình thường mới”

Thứ Bảy, 18/09/2021, 07:31

Làn sóng dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 đến nay đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với mọi hoạt động của đời sống xã hội. Những tác động tiêu cực thể hiện rõ nhất qua việc hàng triệu lao động mất việc, phải giãn việc làm và giảm thu nhập.

Hiện nay, khi nhiều địa phương đã từng bước khống chế được dịch và chuẩn bị mở lại các hoạt động, phục hồi sản xuất trong trạng thái “bình thường mới”, là thời điểm cần phải có giải pháp để hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động.

2.jpg -0
Cần sớm có những giải pháp hỗ trợ việc làm cho người lao động trong trạng thái “bình thường mới”.

Doanh nghiệp đóng cửa, lao động mất việc làm

Đứng trước hàng loạt khó khăn phải đối mặt, ngày 17/9, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đã cùng 13 Hiệp hội doanh nghiệp khác ký đơn đồng gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, đề xuất chiến lược phòng, chống dịch bệnh theo Điểm và phục hồi sản xuất kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới.

Theo đơn kiến nghị, thời gian giãn cách xã hội, phong tỏa diện rộng của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 kéo dài từ 2-3 tháng khiến các cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và không thể tiếp tục “đóng cửa” được nữa. So với cùng kỳ năm 2020, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của TP Hồ Chí Minh tháng 8/2021 giảm 49,2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 59,4%. Khoảng 18% doanh nghiệp EU đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam.

“Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông - ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ. Tinh thần cao nhất của cộng đồng doanh nghiệp luôn chung tay với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cùng với cách tiếp cận chống dịch linh hoạt mới thì yêu cầu khởi động lại nền kinh tế là rất cấp bách”, các Hiệp hội doanh nghiệp trình bày.

Trong khi đó, báo cáo thị trường lao động của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội ngày 17/9 cũng cho biết, trong tháng 8/2021, thị trường lao động Hà Nội phải đối diện với nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất từ đầu năm đến nay. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động dưới 20 - 30% công suất do phải đảm bảo công tác giãn cách xã hội và không nằm trong các lĩnh vực thiết yếu. Chi phí sản xuất tăng cao trong khi việc cung ứng hàng hóa gặp nhiều hạn chế. Lao động có việc làm tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ rất cao phải nghỉ việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, không đảm bảo điều kiện làm việc... Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tiếp tục gia tăng kéo theo tình trạng suy giảm lực lượng lao động khi một bộ phận người lao động phải rời khỏi thị trường.

“Nhiều doanh nghiệp dù đã có những sự chuẩn bị và tính toán trước để ứng phó với tình hình dịch bệnh song vẫn gặp nhiều khó khăn và từ đó nhu cầu tuyển dụng cũng giảm xuống đáng kể. Nhu cầu tuyển dụng có xu hướng giảm ở ngành công nghiệp, gia công, lắp ráp hàng hóa, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và nhóm lao động giản đơn. Trong khi đó, các đợt giãn cách liên tiếp khiến hoạt động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.

Việc thực hiện sản xuất 3 tại chỗ khiến cho chi phí của doanh nghiệp tăng cao, cũng như đứng trước tình trạng thiếu hụt lao động do nhiều lao động nằm trong khu vực cách ly, phong tỏa. Từ đó nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng dưới 50% công suất, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường gia tăng”, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết.

Đẩy mạnh kết nối cung cầu

Nhận định về thị trường việc làm thời gian tới, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh nới lỏng một số hoạt động kinh tế, sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới thì thị trường lao động việc làm sẽ có những cải thiện. Khi đó, mỗi tháng Hà Nội sẽ có khoảng 1.800- 2.000 doanh nghiệp thành lập mới, trong khi đó, chỉ có khoảng 700-900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở khoảng  2 đến 2,2%, tình trạng thiếu việc làm được cải thiện. Số lao động bị ảnh hưởng như giảm giờ làm, ngừng việc, giảm thu nhập khoảng từ 1 đến 1,2 triệu lao động. Số lao động thất nghiệp khoảng từ 5-6 nghìn lao động.

Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên gia lao động, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội thì để khôi phục thị trường lao động, cần thực hiện khai báo tình trạng việc làm, đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động tại các trung tâm dịch vụ việc làm, đặc biệt cần sử dụng hiệu quả quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ lao động và đào tạo nghề cho lao động.

Bà Hương cho rằng, khi bước vào trạng thái “bình thường mới” sẽ có những khu vực phục hồi nhanh. Ví dụ như ở Bắc Ninh, Bắc Giang, sau khi kiểm soát được dịch chỉ một vài tháng là đáp ứng được 95% nhu cầu lao động. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp xuất khẩu và hiện giờ thế giới đã mở cửa. Những ngành nghề tham gia xuất khẩu nhiều sẽ dễ phục hồi và phát triển hơn. Thứ hai là những nhóm ngành nghề sử dụng lao động lao động kỹ thuật. Sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp sẽ thay đổi về mô hình tổ chức sản xuất cũng như là mô hình tổ chức lao động.

“Hiện nay chúng ta chưa có một bức tranh tổng thể về những nhóm lao động bị tác động do đại dịch COVID. Ngay cả những chính sách hỗ trợ cũng có nhóm hỗ trợ chính xác, nhưng cũng có những nhóm chưa chính xác. Theo tôi, hiện nay trong quá trình mở cửa, các Sở LĐ-TBXH cần vào cuộc, có thể làm phiếu khai báo về lao động. Dựa trên khai báo về lao động đó, khớp nối và song song đó là có khai báo về nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Dựa vào đó giao cho hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm, Sở LĐ-TBXH hỗ trợ người lao động. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc kết nối thị trường lao động, tăng cường vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm.

Hiện nay chúng ta đã làm tốt việc chi trả quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động mất việc trong mùa dịch. Tuy nhiên, về lâu dài cần giúp người lao động có việc làm bền vững. Để đạt được điều đó, cần sử dụng có hiệu quả hơn nữa nguồn ngân sách từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lao động, giúp người lao động tiếp cận được với những cơ hội việc làm tốt hơn. Tôi nhấn mạnh lại rằng việc huy động hiệu quả quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian này để phục hồi thị trường lao động là rất quan trọng”, TS Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.