Giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch

Thứ Hai, 06/09/2021, 08:55

Thời gian qua, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế đã làm cầu nối và trước mắt giải quyết hàng ngàn vị trí việc làm cho công dân trở về từ vùng có dịch. Trong đó, chủ yếu là làm việc trong lĩnh vực may công nghiệp, chế biến và chế tạo với trình độ lao động có tay nghề phổ thông…

Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có 25.160 công dân trong độ tuổi lao động trở về từ vùng dịch. Trong đó, có 16.198 lao động có nhu cầu học nghề và vay vốn tạo việc làm; 9.791 lao động có nhu cầu giới thiệu việc làm; 1.431 lao động có nhu cầu học nghề; 342 lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 4.618 lao động có nhu cầu vay vốn…

Thời gian qua, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế đã làm cầu nối và trước mắt giải quyết hàng ngàn vị trí việc làm cho công dân trở về từ vùng có dịch. Trong đó, chủ yếu là làm việc trong lĩnh vực may công nghiệp, chế biến và chế tạo với trình độ lao động có tay nghề phổ thông…

lao dong.jpg -0
Ngành may mặc ở Thừa Thiên-Huế đã tuyển dụng hàng ngàn lao động trở về từ vùng dịch.

Nhằm chia sẻ bài toán việc làm với chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế, chỉ trong thời gian ngắn, có 34 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã tuyển dụng 7.669 lao động, tập trung các doanh nghiệp tại khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN) như: Công ty May mặc Scavi Huế (tuyển 2.625 lao động); Công ty TNHH Công Nghệ Bảo Hộ Kanglongda Việt Nam (tuyển 852 lao động); Công ty CP Dệt May Phú Hòa An (tuyển 380 lao động); Chi Nhánh Huế- Công ty CP Vinatex Quốc Tế (tuyển 980 lao động); Công ty CP Dệt May Thiên An Phú (tuyển 1.125 lao động)…

Qua trao đổi của lãnh đạo một số DN may mặc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã có rất nhiều lao động về từ vùng dịch đã được nhận vào làm việc từ giữa tháng 8/2021.

“Chia sẻ với người lao động trở về từ tâm dịch và để giảm gánh nặng bài toán việc làm đối với địa phương; trước mắt DN tuyển dụng hơn 2.600 lao động và đến cuối năm, dự kiến sẽ tuyển hơn 3.000 lao động nữa”, ông Trần Văn Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty May mặc Scavi Huế bày tỏ.

Nhiều lao động đang trong thời gian cách ly ở khu vực phong tỏa cũng đã nhờ người thân đến nộp đơn trực tiếp, hoặc gọi điện xin việc qua điện thoại tại một số DN. Chị Nguyễn Thị Thu Sương (SN 1984, trú huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế), trở về từ tâm dịch chia sẻ: “Em và chồng vào miền Nam thuê nhà trọ và làm công nhân may mặc hơn 10 năm nay. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, vợ chồng em tìm hiểu thì biết được ngành may mặc ở Huế đang có nhu cầu tuyển dụng một lượng lớn lao động nên vợ chồng em quyết định bồng con trở về quê. Hiện, vợ chồng em đã xin việc tại một công ty may đóng ở KCN Phú Bài và ngày 5/9 sẽ đi làm”.

Theo ông Đặng Hữu Phúc, sau khi khảo sát, nắm tâm tư nguyện vọng của lao động về từ vùng dịch, Sở LĐ-TB&XH đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ việc làm cho công dân từ vùng dịch về địa phương như tăng cường kết nối cung cầu lao động; tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động; phối hợp với chính quyền địa phương giới thiệu việc làm tại chỗ thông qua các ngành nghề truyền thống, các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp giúp người lao động giải quyết việc làm tăng thêm thu nhập.

Đồng thời, Sở phối hợp với ngân hàng hỗ trợ chính sách vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động; cập nhật các chương trình, chính sách đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Là địa bàn trọng điểm trong số 9 huyên, thị của tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ đầu năm 2021 đến nay, đặc biệt là đợt cao điểm bùng phát dịch; TP Huế đã thông qua các chương trình dạy nghề giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động thông qua sàn giao dịch việc làm, các kênh vay vốn…; phối hợp hỗ trợ góp phần giải quyết việc làm cho hơn 5.900 lao động.

Trong đó, đi xuất khẩu lao động 63 lao động, thông qua các nguồn vốn vay 1.821 lao động, 4.024 lao động vào các DN làm việc. Điều đáng nói, có rất nhiều lao động trở về từ tâm dịch đã sớm tìm được việc làm.

Theo lãnh đạo UBND TP Huế, từ nay đến cuối năm 2021, thành phố sẽ đẩy mạnh việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó, đưa chỉ tiêu giải quyết việc làm mới lên 9.000 lao động.

Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn tăng cường công tác tư vấn, tuyển sinh lao động tham gia học các ngành nghề có nhu cầu trên thị trường, thực hiện các chính sách ưu đãi về đào tạo nghề cho lao động.

Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn cho người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc; thông qua các kênh vay vốn, chương trình dạy nghề, giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động tại các sàn giao dịch việc làm…để góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Về vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ các vùng có dịch, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan và 9 huyện, thị trên địa bàn tỉnh rà soát, thống kê, nắm lại tình hình về chất lượng, tay nghề, kinh nghiệm của người lao động, số lượng lao động làm việc ngoại tỉnh trở về; thông tin về nhu cầu làm việc, nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp tại đại phương.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ kết nối số lao động chưa có việc làm với các DN, kịp thời giới thiệu việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề sớm ổn định cuộc sống cho người lao động về từ vùng dịch.

Hải Lan
.
.
.