Cảnh giác với hoạt động lừa đảo xuất cảnh sang Thái Lan

Thứ Bảy, 01/04/2023, 08:38

Thời gian qua, một số đối tượng tại Thái Lan và trong nước lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận quần chúng, nhất là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Chư Sê, Gia Lai để tổ chức lừa đảo, tổ chức xuất cảnh sang Thái Lan nhằm thu lợi bất chính 20-30 triệu đồng/người.

Các đối tượng sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube,… để gọi điện, liên lạc, tuyên truyền rằng xuất cảnh sang Thái Lan sẽ có công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao, sau đó sẽ được bảo lãnh đi định cư ở Mỹ, Canada, hưởng cuộc sống giàu sang, sung sướng. Khi nạn nhân mắc bẫy, chúng sẽ tổ chức cho họ xuất cảnh bất hợp pháp sang Thái Lan bằng đường tiểu ngạch hoặc qua đường hàng không, sau đó tổ chức trốn ở lại Thái Lan.

lua dao 1.jpg -0
Cảnh sát Thái Lan làm việc với các trường hợp người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nhập cư trái phép. Ảnh: CAH Chư Sê.

Tin theo lời dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng, một số người dân trên địa bàn huyện Chư Sê và các huyện khác trong tỉnh bán nhà cửa, ruộng vườn và các tài sản có giá trị, dẫn theo gia đình xuất cảnh sang Thái Lan. Khi đến Thái Lan, họ mới nhận ra đã bị lừa. Cuộc sống của những người này gặp nhiều khó khăn do không có công việc ổn định, chủ yếu đi làm thuê những việc nặng nhọc. Ngoài ra, do bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa; không có giấy tờ cư trú hợp pháp nên tâm trạng luôn lo lắng bị chính quyền Thái Lan bắt, xử lý; trẻ em không được đi học; khi đau ốm không có tiền chữa trị…

Nhớ lại, chị Siu Huin (SN 1983, trú tại thôn Tốt Biơch, TT. Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) cho biết: “Tháng 8/2022, tin theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, tôi bán hết tài sản, đem theo 3 con nhỏ xuất cảnh sang Thái Lan. Khi đến đó, tôi không dám đi ra khỏi nhà vì không có giấy tờ hợp pháp. Lạ nước, lạ cái, các con tôi thường xuyên đau ốm mà tôi không có tiền để đưa con đi bệnh viện, đành nương náu ở một nhà chùa”.

 Ân hận khi rời bỏ quê hương, đẩy các con vào hoàn cảnh ngặt nghèo, được sự vận động của chính quyền và lực lượng Công an, chị Huin đã tìm cách đưa 3 cháu nhỏ hồi hương. Ngày 31/10/2022, bốn mẹ con đã trở về Việt Nam an toàn. Đến nay, cuộc sống của gia đình chị đã ổn định, các con của chị tiếp tục được đến trường.

Còn anh Siu Phân (SN 1960, trú tại làng Sur A, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) luôn cảm thấy mình may mắn khi còn sống để trở về. Anh tâm sự: “Tháng 7/2015, nghe lời dụ dỗ của các đối tượng ở Mỹ, Thái Lan, tôi cùng với Rmah Anhuch (cùng trú tại làng Sur A, xã Ia Ko) trốn sang Campuchia, sau đó tiếp tục trốn sang Thái Lan. Tại Thái Lan, tôi và Rmah Anhuch phải thuê phòng trọ để ở và đi phụ hồ. Công việc không ổn định, mỗi tuần chỉ làm được 1 - 2 ngày, đồng lương rẻ mạt, có khi còn bị quỵt tiền. Cuộc sống bên đó hết sức khó khăn, cơm không đủ ăn. Sau gần 8 tháng ở Thái Lan, tôi và Anhuch đã tự nguyện trở về Việt Nam. Được cán bộ Công an, cán bộ xã thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, đến nay tôi đã ổn định tâm lý, chăm lo lao động sản xuất để lo cho gia đình. Cảm ơn cán bộ nhiều lắm!”.

Đối với các trường hợp vượt biên ra nước ngoài, vì cư trú bất hợp pháp nên các cơ quan Nhà nước gặp nhiều trở ngại trong việc bảo hộ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công dân như khi ở trong nước. Chính vì vậy, những người vượt biên ra nước ngoài sẽ gặp nhiều rủi ro, bất trắc như: bị bóc lột sức lao động; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ốm đau không được chữa trị kịp thời, bị Cảnh sát nước sở tại bắt giữ, hoặc có thể trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Thời gian qua, Công an huyện Chư Sê đã phối hợp chính quyền, gia đình các bị hại tuyên truyền, thức tỉnh những nạn nhân bị lừa đảo, lôi kéo vượt biên sang Thái Lan nhận thức thủ đoạn gian ác của các đối tượng xấu nhằm thu lợi bất chính, từ đó tự nguyện liên lạc với chính quyền để được hỗ trợ trở về Việt Nam. Ngày 21/2/2023, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê đã có thư vận động những trường hợp bị lừa đảo xuất cảnh sang Thái Lan hồi hương. Đồng thời, hiện nay, UBND huyện Chư Sê đã có nhiều văn bản đồng ý cho nhiều doanh nghiệp đến địa bàn huyện tuyển dụng lao động đi xuất khẩu lao động tại các nước. Vì vậy, những công dân có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài liên hệ với chính quyền các xã, thị trấn và Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện để được hướng dẫn về các thủ tục, hồ sơ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp khi xuất khẩu lao động đi các nước; tránh để kẻ gian lợi dụng, lôi kéo đi vào con đường sai trái.

Mọi thông tin tố giác tội phạm liên quan đến lừa đảo vượt biên hoặc khi cần hỗ trợ, đề nghị người dân liên hệ với cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn hoặc qua đường dây nóng của Công an huyện: 02693.851.115 để được hướng dẫn. Chính quyền sẽ khoan hồng với những người lầm lỗi biết ăn năn hối cải và sẽ không xử lý đối với các nạn nhân bị các đối tượng xấu lừa phỉnh vượt biên tự nguyện hồi hương, tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng, yên tâm làm ăn, lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tổ chức môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài trái phép theo quy định.

Thúy Trinh - Văn Thông - Văn Hợp
.
.
.