Xuất khẩu tháng 1 tăng kỷ lục

Thứ Bảy, 10/02/2018, 22:34
Tiếp đà thắng lợi trong xuất khẩu năm 2017, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2018, xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực khi kim ngạch gia tăng mạnh, đạt 20,22 tỷ USD, xuất siêu 181 triệu USD.

Kết quả trên đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong tháng đầu tiên của năm đạt hơn 40,26 tỷ USD, tăng 46,2%, tương ứng tăng 12,73 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 1 (từ 16 đến 31-1) đạt 21,54 tỷ USD, tăng 14,5%, tương ứng tăng 2,72 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong 15 ngày đầu tháng. 

Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch hơn 13,43 tỷ USD, tăng 8,3%, tương ứng tăng hơn 1,03 tỷ USD so với nửa đầu tháng 1. 

Kết quả trên đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong tháng đầu tiên của năm đạt hơn 40,26 tỷ USD, tăng 46,2%, tương ứng tăng 12,73 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong nửa cuối tháng 1, cán cân thương mại hàng hóa cả nước đạt mức thặng dư 411 triệu USD, qua đó đưa thặng dư thương mại trong tháng đầu tiên của năm đạt 181 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục đà tăng mạnh đầu năm 2018.

Tuy nhiên, đại diện Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT) cho rằng, mặc dù đạt kết quả khả quan nhưng trong XK, DN FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn. 

Dự báo, trong tháng 2, tình hình XK hàng hóa sẽ không có sự tăng trưởng khả quan như tháng 1 do rơi vào thời điểm Tết Nguyên đán. Các DN thường sẽ đẩy hàng hóa đi trước kỳ nghỉ. 

Ngoài phụ thuộc vào khối DN FDI, theo các chuyên gia, điểm đáng lưu ý trong XK hàng hóa của Việt Nam hiện nay là, phần lớn hàng hóa XK vẫn ở dạng thô, sơ chế. Và để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng XK, thúc đẩy chế biến là “bài toán” cần nhanh chóng giải quyết.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, tốc độ tăng trưởng XK không thể dựa mãi vào số lượng hàng hóa XK. DN Việt Nam cần phải tìm cách trở thành một “mắt xích” trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam. Muốn giải quyết vấn đề này, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất…

 Trong khi đó, PGS. TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Bộ Công Thương nhận định, dấu ấn về XK nông sản trong năm 2017 rất ấn tượng, do vậy trong năm 2018 dự báo kim ngạch sẽ tăng. 

Tuy nhiên, để đẩy mạnh chế biến rau quả XK với chất lượng, giá trị cao hơn không phải dễ dàng, phụ thuộc lớn vào quy mô của sản xuất nông nghiệp. Bởi thế, cần đẩy mạnh quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp để có được quy mô sản xuất hàng hóa lớn, từ đó kết hợp với xây dựng nhà máy chế biến cho phù hợp. 

Trên thực tế, có nhiều mặt hàng nông sản nói chung, rau quả nói riêng khi XK thô thì được, song khi chế biến lại chưa hẳn đã phù hợp với nhu cầu thị trường. Điều này đòi hỏi ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng phải thay đổi, xuất phát từ nhu cầu của một nền sản xuất lớn.

Trong năm 2018, để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng thông qua tập trung rà soát các dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất hàng XK, kịp thời tháo gỡ khó khăn, sớm đưa các dự án vào vận hành. 

Đồng thời, Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ NN&PTTN trong triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu…

Lưu Hiệp
.
.
.