Xuất khẩu lao động năm 2018: Cơ hội mới từ các thị trường cũ

Thứ Sáu, 26/01/2018, 08:46
Lần đầu tiên, xuất khẩu lao động Việt Nam đạt con số kỷ lục 135 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2017. Với việc các thị trường lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan vẫn đang thu hút ngày càng lớn lao động Việt Nam, bên cạnh đó với nhiều giải pháp chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động, ngành xuất khẩu lao động năm 2018 đang mở ra rất nhiều kỳ vọng.


Thêm nhiều cơ hội mới  

Theo đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước, thị trường Nhật Bản dự kiến sẽ là thị trường hấp dẫn nhất do năm 2018 sẽ thực hiện một số chính sách mới. Cụ thể, Nhật Bản sẽ cho phép lao động được ở lại làm việc 5 năm, cho phép một số ngành nghề đi làm việc lại lần 2, tăng mức lương cơ bản thêm từ 25- 30 yen/giờ làm.

Đáng chú ý, nếu như các năm trước Nhật Bản dành cơ hội cho những lao động phổ thông thì năm 2018 này sẽ có nhiều vị trí làm việc cho những lao động trí thức, tuyển dụng theo chương trình kỹ sư, kỹ thuật viên với nhiều ưu đãi đặc biệt. Đây là những điểm chính làm cho thị trường lao động Nhật Bản 2018 sẽ rất sôi động. Đối với những thị trường truyền thống như Malaysia, cũng đã có hoạt động xúc tiến để phát triển hơn trong năm 2018.

Mới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức hội thảo về các biện pháp duy trì và tăng cường đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Maylaysia. Hiện nay, có khoảng 30.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia. Các công ty sử dụng lao động Malaysia đánh giá cao lao động Việt Nam ở khả năng tiếp thu nhanh, chăm chỉ làm việc, khéo tay. Một số công ty sử dụng lao động là các công ty của nước ngoài đầu tư tại Malaysia khẳng định luôn coi trọng lao động Việt Nam là tốt nhất trong số lao động nước ngoài tại Maylaysia và sẽ luôn ưu tiên tuyển dụng lao động Việt Nam. Đây vẫn là thị trường rất phù hợp với những lao động nghèo, vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số…

Năm 2018 được kỳ vọng sẽ thiết lập kỷ lục mới về xuất khẩu lao động.

Với xu hướng ổn định thị trường truyền thống và mở rộng đưa lao động vào các thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Australia, tạo điều kiện phát triển việc làm an toàn, thu nhập cao cho lao động Việt Nam. Ngoài ra, một số thị trường như Thái Lan, Arab Saudi… cũng mở ra nhiều cơ hội mới với nhiều ưu đãi hấp dẫn cho lao động Việt Nam.

Xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo

4 năm liên tiếp xuất khẩu lao động đạt trên con số 100 nghìn người, tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đang diễn biến phức tạp. Cục Quản lý lao động ngoài nước thừa nhận việc một số doanh nghiệp vi phạm quy định về xuất khẩu lao động như: không trực tiếp tuyển dụng lao động, cho người khác sử dụng giấy phép, lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền trái phép, đưa lao động ra nước ngoài làm việc nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động… Vi phạm của các doanh nghiệp không chỉ xâm hại quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng tới uy tín của lao động Việt Nam với đối tác nước ngoài.

Mục tiêu được Bộ LĐ- TBXH đặt ra từ nay đến năm 2020, mỗi năm đưa được từ 100 nghìn đến 120 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 80% lao động được đào tạo. Để nâng chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐ- TBXH sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Để đạt mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ LĐ- TBXH Doãn Mậu Diệp cho biết, sẽ xây dựng những quy định và điều kiện chặt chẽ hơn nữa để chỉ những doanh nghiệp thực sự đáp ứng đủ và bảo đảm duy trì các điều kiện theo quy định của pháp luật mới được tham gia hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ được sửa đổi theo hướng: Quy định cấp giấy phép có thời hạn 3- 5 năm, hết thời hạn đó mà doanh nghiệp không đáp ứng đủ yêu cầu sẽ không được cấp lại giấy phép; cho phép tạo nguồn lao động để chuẩn bị cung ứng cho hợp đồng do những quy định về tuyển chọn lao động như hiện nay có thể khiến doanh nghiệp bỏ lỡ hợp đồng do không có nguồn lao động sẵn có để đối tác tuyển.

Ông Diệp cũng khẳng định, Bộ LĐ- TBXH sẽ kiên quyết xử lý các doanh nghiệp tuyển chọn lao động thông qua môi giới, cò mồi, thu phí vượt mức quy định hoặc thu tiền nhưng không đưa được lao động đi, không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Trường hợp phát hiện các doanh nghiệp không duy trì việc đáp ứng các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, Bộ LĐ- TBXH sẽ kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động.

Phan Hoạt
.
.
.