Việt Nam cần tăng khả năng chống chọi với cú sốc bên ngoài

Thứ Tư, 15/05/2019, 17:50
Ngày 15-5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đã tổ chức Hội nghị: “Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp”.

Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động như căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn như Mỹ- Trung Quốc, Mỹ- EU; sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới và các nước lớn…song nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những điểm sáng tích cực như tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%- mức cao nhất trong vòng 11 năm qua. 

Tuy nhiên, nội tại nền kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức làm gia tăng khả năng dễ bị “tổn thương” như năng suất lao động còn thấp, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn ở mức thấp so với khu vực và thế giới. 

Cùng với đó, hoạt động của khu vực doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, theo thống kê 4 tháng đầu năm nay chỉ tăng 4,87 về số doanh nghiệp và 31,66% về vốn đăng ký, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể có những giai đoạn tăng mạnh trên 30-40% so với cùng kỳ. Tái cơ cấu kinh tế còn chậm và chưa có nhiều chuyển biến về chất...

Việt Nam là nền kinh tế rất mở, trong bối cảnh hiện nay rủi ro bên ngoài rất nhiều. Trong khi đó, nội tại, thể lực của kinh tế Việt Nam có tốt lên nhưng cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết căn cơ, tận gốc. 

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính - tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cho biết, Việt Nam là nền kinh tế rất mở, trong bối cảnh hiện nay rủi ro bên ngoài rất nhiều. Trong khi đó, nội tại, thể lực của kinh tế Việt Nam có tốt lên nhưng cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết căn cơ, tận gốc. 

Theo ông Lực, bối cảnh thương mại thế giới đang phức tạp, Việt Nam cần tăng khả năng chống chọi với cú sốc bên ngoài để tăng khả năng chống chịu trong tương lai như hiện tại là cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động lớn đến Việt Nam. 

“Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nếu Việt Nam không xây dựng, sử dụng kịp thời các chính sách để hạn chế, xử lý rủi ro và củng cố các “bộ đệm” phù hợp thì khả năng chống chịu rủi ro và ổn định kinh tế vĩ mô trong trung dài hạn sẽ ngày càng bị hạn chế”, TS. Lực nhấn mạnh.

 Vì vậy, để ổn định kinh tế và nâng cao cạnh tranh doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý cần theo dõi sát sao, đánh giá tác động của những diễn biến căng thẳng thương mại, tình hình địa chính trị thế giới; chủ động da dạng hóa quan hệ với các thị trường mới, tập trung cải cách nổi tại và phát triển thị trường trong nước; ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách; thúc đẩy tăng năng suất lao động; chủ động tiếp cận áp dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, các doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào chuỗi giá trị, đóng góp tích cực vào chuỗi giá trị. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp phải cạnh tranh lành mạnh, ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị cho sản phẩm.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, cần tăng tính liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước để các cơ quan chức năng hiểu rõ hơn các vấn đề các doanh nghiệp gặp phải để có hỗ trợ hoặc tạo khung pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Đồng thời các doanh nghiệp phải tăng cường sự chia sẻ, cập nhật thông tin trao đổi với nhau. 

Bên cạnh đó, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, để có sự chuẩn bị tốt nhất, các doanh nghiệp cần có kế hoạch ứng xử tốt, chủ động đón đường các thuận lợi, thách thức đem lại như chủ động đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực hội nhập. Đặc biệt là tăng khả năng chống chịu đối với cú sốc bên ngoài của bản thân doanh nghiệp.


Lưu Hiệp
.
.
.