Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong tận dụng CPTPP

Thứ Năm, 02/05/2019, 22:57
Tại Hội thảo chuyên đề “Chủ động và khai thác có hiệu quả CPTPP để phát triển bứt phá” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân diễn ra ngày 2-5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, nhà nước sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng sự chủ động của doanh nghiệp là cần thiết, yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trong Hiệp định CPTPP”.


CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14-1-2019. Mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt, tuy nhiên, để tận dụng tốt hơn những cơ hội đó bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, thời gian tới cần nhiều hơn sự chủ động từ phía doanh nghiệp. 

Từ góc độ doanh nghiệp, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho rằng: “Chúng ta nên tận dụng ngay lợi thế ưu đãi thuế quan. Trong thời gian tới, điểm mạnh, tập trung của May 10 là vào Canada. Ngay trong tháng 5 này, sau 10 ngày nữa, chúng tôi sẽ trực tiếp gặp gỡ các khách hàng của Canada. Hiện, để tận dụng được cơ hội từ CPTPP các doanh nghiệp phải tự nghiên cứu, chủ động tìm hiểu, không nên chờ sự hỗ trợ của Chính phủ”.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, Việt Nam vừa trải qua 3 tháng đầu tiên thực thi CPTPP cho thấy cơ hội nhiều, thách thức cũng lớn. Với CPTPP, ngành sản xuất có vượt qua được các trở ngại quá khứ hay không, câu trả lời có được khi chúng ta nhận diện được những cản trở của doanh nghiệp Việt Nam để hiện thực hoá các nguyện vọng. 

Đề cập hai câu chuyện nổi cộm đang cản trở các doanh nghiệp ông Lộc cho rằng, một là khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn; hai là vượt qua các rào cản về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ông Lộc, các cơ quan Nhà nước đã nỗ lực nhưng chưa đủ, đâu đó còn tình trạng tự làm khó mình với hàng xuất khẩu, tồn tại những hiện tượng bất hợp lý, độc quyền, hay tiền kiểm hàng xuất khẩu.

Doanh nghiệp chưa nhận được thông tin đầy đủ, vẫn loay hoay tự tìm hiểu. Còn nhiều câu chuyện khác như cơ sở yếu kém, thủ tục hành chính cải thiện nhưng chuyển biến còn mờ nhạt... Do vậy, chúng ta  cần “bắt đúng bệnh” để các doanh nghiệp tư nhân bứt phá từ CPTPP.

Phân tích từ góc độ ngành hàng nông sản, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, Việt Nam chủ yếu gặp rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng ta xuất khẩu rau quả mà như đem rau ra chợ huyện. Cách coi thị trường thế giới là chợ huyện cần phải xem lại. Thị trường thế giới đặt ra các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, cần tem nhãn, xuất xứ hàng hoá... 

Đây không phải là rào cản mà là nhu cầu của người tiêu dùng. Chúng ta cần phải thay đổi để nắm bắt được cơ hội. Theo ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam đang tuân thủ CPTPP nhưng cách tiếp cận chưa có sự đồng bộ, thống nhất. Hiện nay, các bộ, ngành xây dựng tiêu chuẩn là chính còn doanh nghiệp chưa có sự quan tâm. Do đó, song song với việc bộ, ngành đưa ra định hướng tiêu chuẩn cốt lõi, các doanh nghiệp cũng cần sát cánh. 

“Các cơ quan quản lý không thể nắm hết và không phản ánh được tiếng nói của doanh nghiệp nên cần có sự cộng sinh, phối hợp hữu cơ từ phía doanh nghiệp. Việc tham gia giữa bộ, ngành và các doanh nghiệp ngay từ những khâu ban đầu sẽ áp đặt được những mong muốn chung về tiêu chuẩn trong ngành…”, ông Hải cho hay.

Lưu Hiệp
.
.
.