Trung Quốc thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất: Mừng và lo

Thứ Năm, 11/05/2017, 07:08
Quý I-2017, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đứng đầu về kim ngạch, vượt qua thị trường Mỹ và EU. Tuy nhiên, nhiều lo ngại đặt ra khi thị trường Trung Quốc trước nay vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.


Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 3, giá trị xuất khẩu (XK) cá tra sang Mỹ đạt 61 triệu USD, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, có gần 15 DN tham gia XK sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, chỉ có 2-3 DN XK chính và thường xuyên sang thị trường này.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP cho biết lý do cá tra XK sang Mỹ giảm do thuế chống bán phá giá cao và hàng rào kỹ thuật của thị trường này. Đối với thị trường EU, XK cá tra sang đây trong 3 tháng đầu năm nay đạt 49,9 triệu USD, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Hoè cho rằng chiến dịch truyền thông bôi nhọ ở thị trường EU và biến động tỷ giá giữa đồng Euro và USD đã dẫn đến việc EU giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam.

Thị trường Trung Quốc trước nay vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, trong quý I-2017, việc phía Trung Quốc “ăn hàng” mạnh đã đưa nước này thành thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam và “cứu” được kim ngạch khi thị trường Mỹ và EU giảm sút. Trong 3 tháng đầu năm nay, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc đạt 69,7 triệu USD, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 2-2017, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, vượt qua Mỹ. Nhờ vậy, trong quý I, tổng giá trị XK cá tra đạt 371,3 triệu USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang, Trung Quốc có dân số đông nhờ có sự phân khúc sản phẩm ở thị trường này nên nguồn cá tra nguyên liệu của Việt Nam rất dễ tiêu thụ với số lượng lớn.

Trước thông tin Trung Quốc nhập nhiều cá tra, ông Lê Thanh Phương (ngụ phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cho rằng: “Tôi từng bán cá tra cho nhiều thương lái và họ mua xuất sang Trung Quốc. Theo kinh nghiệm của tôi, thì dù bán cá và XK tiểu ngạch cá tra cho phía Trung Quốc thủ tục rất dễ dàng nhưng giá cá không ổn định. Có thời gian, khi thị trường Trung Quốc có nhu cầu mua cá kích cỡ lớn khiến nông dân ồ ạt nuôi. Đến khi thu hoạch thì không thấy thương lái đến mua, chúng tôi phải bán tháo để có tiền trả nợ ngân hàng”.

Cụ thể, giữa năm 2016, thương lái Trung Quốc lùng sục tìm mua cá quá khổ thì đến cuối năm họ lại tìm mua cá non cỡ nhỏ từ 350-400 gram/con, trong khi cá đủ chuẩn XK phải đạt trọng lượng từ 800-900 gram/con. Để làm giá, họ mua giá cá nhỏ cao hơn giá cá lớn. Để tránh rủi ro khi XK sang thị trường này, nhiều chuyên gia cho rằng, DN Việt Nam nên XK theo đường chính ngạch, làm ăn với những DN Trung Quốc quy mô lớn, có uy tín và hợp đồng hẳn hoi.

Ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty Cỏ May, bày tỏ: “Hiện nay, cá tra được xuất sang Trung Quốc rất nhiều và dễ dàng, thậm chí khách hàng tìm đến nhà máy của tôi để mua tiền mặt. Thế nhưng, tôi đã yêu cầu công ty chế biến thủy sản là phải cơ cấu doanh số XK qua thị trường Trung Quốc, nằm ở mức giới hạn 30-40%, nhằm đề phòng trường hợp một lúc nào đó Trung Quốc không mua”.

Còn TS Võ Hùng Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam đề xuất cần nghiên cứu sâu hơn về thị trường Trung Quốc. “Trách nhiệm này thuộc về Bộ Công Thương, tham tán thương mại, Đại sứ quán… Cần cử những người có chuyên môn tìm hiểu về thị trường Trung Quốc và thông tin lại cho địa phương và nông dân dân biết rõ để có cách làm ăn với họ”, TS Dũng nói.

Văn Vĩnh – Minh Hào
.
.
.