Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt cá tra giống

Thứ Sáu, 24/02/2017, 08:05
Mỗi năm, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần hơn 30 tỉ cá tra bột để phục vụ nhu cầu nuôi xuất khẩu, nhưng khâu này hiện nay còn yếu; chất lượng con giống chưa bảo đảm, ảnh hưởng đến sản phẩm xuất khẩu.

Theo các chuyên gia thủy sản, sản lượng cá tra bột toàn vùng ĐBSCL đã tăng vọt từ 500 triệu con vào năm 2000 lên hơn 30 tỉ con hiện nay, trong khi đó sản lượng cá tra giống hiện nay chỉ hơn 2 tỷ con. Điều này cho thấy sản lượng cá bột tăng nhưng cá giống không tăng, hay nói cách khác là tỷ lệ sống trong quá trình ươm nuôi cá tra giống đang giảm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết là do mật độ ươm quá cao nên thức ăn tự nhiên ban đầu cho cá bột không đủ, môi trường ao ươm không đảm bảo…

Theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN) chế biến, từ ngày mùng 6 Tết âm lịch đến nay giá cá tra nguyên liệu liên tục tăng từ 22.000 lên 23.500đ/kg nhưng cũng rất khó mua được với sản lượng lớn. Nhiều doanh nghiệp phải bắt cá dưới size (loại 700-800 gram) để duy trì sản xuất. 

Ngành nuôi trồng, chế biến cá tra ở ĐBSCL đang đứng trước tình trạng thiếu hụt cá tra giống.

Theo Công ty CP Gò Đàng (Tiền Giang), mỗi ngày công ty cần từ 130.000 đến 160.000 tấn nguyên liệu. Mặc dù công ty có vùng nuôi 200ha đủ đáp ứng 90% nguyên liệu, nhưng do năm nay thiếu con giống trầm trọng nên tiến độ thả nuôi chậm, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất. 

Còn ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, tình hình thiếu hụt cá tra nguyên liệu là do những tháng cuối năm giá cá tra giống sụt giảm mạnh nhiều trại ươm con giống ngưng sản xuất chờ giá, đến khi con giống tăng trở lại thì sản xuất không kịp bán. 

Hiện nay, giá con giống khoảng 25 con/kg (2cm) lên đến hơn 40.000đ/kg, cao gấp 3 lần trước đây nhưng không có để bán. Không chỉ sụt giảm sản lượng trầm trọng, tình hình ươm cá tra giống ở các tỉnh, thành ĐBSCL còn gặp bất lợi do mưa trái mùa khiến cho lượng bột (ươm giống) bị thiệt hại nặng, dẫn đến con giống cung ứng cho vụ nuôi mới năm 2017 thiếu và trễ.  

Làm phép so sánh giữa con cá tra và con tôm mới thấy con cá tra thật sự hiệu quả. Nếu như con tôm cần đến 700.000ha nuôi trồng mới cho kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD, thì con cá tra chỉ cần 6.000ha đã mang về gần 2 tỷ USD. Điều đó cho thấy con cá tra thật sự là một mặt hàng chiến lược của Việt Nam, một sản phẩm độc đáo của thiên nhiên ban tặng cho khu vực ĐBSCL. 

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của ngành hàng mũi nhọn này còn nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể, thị trường tiêu thụ không ổn định, thu nhập của người nuôi cá rất bấp bênh, nhiều hộ phải “buông tay” giữa chừng với con cá tra. Đó không phải là do con cá tra không có tiềm năng phát triển mà nguyên nhân chính là tổ chức sản xuất chưa hợp lý, mạnh ai nấy làm, phát triển rời rạc, cạnh tranh không lành mạnh…

GS-TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết: “Sản lượng cá tra bột toàn vùng ĐBSCL đã tăng vọt từ gần 500 triệu con vào năm 2000 lên hơn 30 tỷ cá tra bột hiện nay, trong khi đó sản lượng cá tra giống hiện nay chỉ hơn 2 tỷ con. Điều này cho thấy sản lượng cá bột tăng nhưng cá giống không tăng, hay nói cách khác là tỷ lệ sống trong quá trình ươm nuôi cá tra giống đang giảm”. 

Theo ông Phương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết là do mật độ ươm quá cao nên thức ăn tự nhiên ban đầu cho cá bột không đủ, môi trường ao ươm xấu… 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Dương Nghĩa Quốc, cho rằng chất lượng cá tra giống là yếu tố quan trọng giúp giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng thịt, từ đó góp phần phát triển bền vững ngành cá tra. Có thể nói khâu con giống là vấn đề cốt yếu của nghề nuôi cá tra nhưng lâu nay chưa được quan tâm đúng mức. Để giải quyết vấn đề này cần phải hoàn thiện quy trình kỹ thuật ươm giống, nâng cao năng lực quản lý, cần có sự hỗ trợ tích cực từ ngành chức năng và sự liên kết giữa nông dân và nhà khoa học.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hùng Vương cho rằng, một điểm yếu của ngành hàng cá tra này chưa được quan tâm nhiều là số lượng và chất lương con giống. Mỗi năm, ĐBSCL cần hơn 30 tỷ cá tra bột để ươm giống phục vụ nhu cầu nuôi xuất khẩu, nhưng khâu này chưa được quan tâm, dẫn đến mạnh ai nấy làm, chất lượng con giống không bảo đảm, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Ông Minh đề nghị Bộ NN&PTNT cần có chính sách đầu tư cơ sở sản xuất giống cá tra ứng dụng công nghệ cao ở những địa phương có nhiều thế mạnh về ngành hàng này. Ngoài ra, các nhà cung cấp thức ăn, thuốc thú y thủy sản cũng nên liên kết chặt hơn với doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá để phân phối lợi nhuận hợp lý và chia sẻ rủi ro trong chuỗi sản xuất…

ĐỨC VĂN – P.K
.
.
.