Tín hiệu lạc quan từ thị trường lao động

Thứ Bảy, 27/02/2021, 11:29
Thông thường, sau Tết thị trường lao động sẽ sôi động do nhu cầu tuyển dụng đầu năm của các doanh nghiệp tăng. Tuy vậy, do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần 3 bùng phát đã ảnh hưởng đến thị trường lao động. Về cơ bản, biến động cung - cầu nhân lực không nhiều mà chỉ có biến động lao động đầu năm.

Theo các chuyên gia lao động, thị trường lao động sẽ “sáng” dần trong thời gian tới khi dịch bệnh dần được khống chế và đặc biệt, sự có mặt của vaccine sẽ là cú hích lớn để kích thích nền kinh tế và thị trường lao động.

Nhu cầu tuyển dụng có xu hướng tăng

Không như thị trường lao động phía Nam với nhu cầu tuyển dụng lớn ở một số doanh nghiệp, thị trường lao động Hà Nội dù không có nhiều biến động nhưng vẫn có xu hướng tuyển dụng tăng nhẹ ở một vài nhóm ngành so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, nhóm ngành sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại chiếm tới hơn 50% nhu cầu tuyển dụng. Cụ thể, theo số liệu thống kê tại hệ thống Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng lao động và tìm kiếm việc làm sau Tết Nguyên đán năm 2021 (từ ngày 17 đến 22/2), tuần đầu tiên trở lại đi làm sau Tết, đã có 86 doanh nghiệp đăng ký giao dịch qua trung tâm với tổng nhu cầu tuyển dụng là hơn 3,6 nghìn chỉ tiêu.

Đáng lưu ý, nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại, chiếm trên 50%; tiếp đến là lĩnh vực dệt may, cơ khí, thương mại - dịch vụ với các vị trí tuyển dụng như công nhân may, thu ngân, bán hàng, thợ hàn…

Người lao động đăng ký tìm kiếm việc làm ngay sau Tết.

Trong khi đó, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong tháng 1, thị trường lao động ghi nhận những tín hiệu lạc quan hơn, nhu cầu tuyển dụng có xu hướng tăng. Trong tháng 1, thành phố giải quyết việc làm cho trên 10,3 nghìn lao động. Với việc tổ chức thành công 13 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 192 doanh nghiệp tham gia và hơn 1,1 nghìn lao động được phỏng vấn, kết quả có khoảng 350 người được tuyển dụng sau khi kết thúc phiên giao dịch, tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 5,9 nghìn người.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Tính từ ngày 17-2 (tức mùng 6 Tết) khi Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trở lại công việc, ước tính trung bình một ngày có khoảng 600 - 800 người đến đăng ký thực hiện các dịch vụ giao dịch. Tính chung cả các địa điểm vệ tinh của đơn vị, trung bình một ngày tiếp nhận khoảng 1.700 lao động, có thời điểm tiếp nhận đến 2.000 lao động”. Xu hướng tăng so với năm 2020 này theo ông Thành là do nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị phương án, kế hoạch dự phòng cho việc bùng phát trở lại của dịch COVID-19 nên đã không bị ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngay trước Tết Nguyên đán, dịch COVID-19 bùng phát trở lại nên nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các biện pháp giữ chân người lao động ở lại thành phố ăn Tết và triển khai sớm công việc trong những ngày đầu năm mới, điều này đã giúp cho các hoạt động của doanh nghiệp tương đối ổn định.

Thị trường sẽ “ấm lên” trong ngắn hạn

Theo bà Lê Thị Kim, Giám đốc Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động miền Bắc, ManpowerGroup Việt Nam chia sẻ, Việt Nam vẫn còn rất nhiều lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, chế biến, lắp ráp cho đến thực phẩm, kho bãi…, nhờ nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, sẵn sàng thích ứng với nhu cầu đa dạng của nhà tuyển dụng. Bà Kim cho rằng, hiện mức thu nhập trung bình của người lao động Việt Nam đã tăng lên 321 USD/tháng (tăng 38,6% so với 2020), tạo điều kiện thuận lợi để người lao động phổ thông yên tâm làm việc và gắn bó với doanh nghiệp. Trong một khảo sát vừa được ManpowerGroup thực hiện tháng 1-2021, kết quả cho thấy một tín hiệu tích cực chính là nhu cầu tuyển dụng đang dần phục hồi và quay trở lại mức trước COVID-19.

Cụ thể, 66% doanh nghiệp dự báo hoạt động tuyển dụng của họ sẽ trở lại mức trước COVID-19 trong vòng 3 tháng tới, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn mốc thời gian 6 tháng (22%). Trong dài hạn, chỉ có khoảng 3,2% doanh nghiệp dự đoán sẽ phải mất hơn 1 năm để hoạt động tuyển dụng quay trở lại bình thường như trước COVID-19. Kế hoạch tuyển dụng trong 3 - 6 tháng tới thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực sản xuất và chế biến chế tạo, xây dựng, bán buôn, bán lẻ và thương mại, vận tải và hậu cần, công nghệ thông tin...

“Lĩnh vực chế biến và sản xuất có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, lĩnh vực xây dựng cũng trở lại mạnh mẽ nhờ vào tăng trưởng kinh tế trong năm qua. Cả hai lĩnh vực trên đều chiếm 19% trong số những doanh nghiệp kỳ vọng tuyển dụng phục hồi trong 3 - 6 tháng tới”, bà Kim nhận định.

Cũng lạc quan về thị trường lao động, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng, thị trường lao động cũng sẽ “ấm lên” trong ngắn hạn do kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng trong thời gian tới. “Bắt đầu vào quý 2, cả thế giới vào thời kỳ phục hồi khi các nước đều cơ bản kiểm soát được dịch, trong nước chúng ta cũng triển khai các đợt tiêm phòng... Chắc chắn Việt Nam sẽ trỗi dậy hậu COVID-19, đặc biệt lĩnh vực kinh tế số, xuất khẩu”, TS Nguyễn Thị Lan Hương đánh giá.

Phan Hoạt
.
.
.