Thị trường lao động hứa hẹn nhiều “điểm sáng”

Thứ Năm, 28/01/2021, 09:03
Sau quãng thời gian khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thị trường lao động đã có nhiều tín hiệu tích cực hơn, đặc biệt là trong quý IV/2020. Nhiều doanh nghiệp đã thích nghi với trạng thái “bình thường mới” và tuyển dụng lao động trở lại, người lao động cũng có thêm nhiều lựa chọn việc làm.

Bước sang năm 2021, theo nhận định của các chuyên gia, thị trường sẽ hứa hẹn có nhiều điểm sáng khi nhiều giải pháp tạo việc làm đã được triển khai, đồng thời làn sóng thu hút đầu tư sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn nữa cho người lao động.

Những con số tích cực

Không nằm ngoài vòng xoáy bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thế nhưng theo con số của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2020, cả nước vẫn giải quyết được việc làm cho 1,27 triệu người. Những chuyển biến tích cực của thị trường lao động thể hiện rõ nét khi bắt đầu bước vào quý IV/2020. Thị trường lao động Việt Nam bắt đầu phục hồi, nhiều lĩnh vực, ngành nghề bị đứt chuỗi bị ngừng việc đã trở lại thị trường. 

Trong quý IV/2020, tỷ lệ lao động thiếu việc làm đã giảm xuống gần một nửa so với giai đoạn dịch bệnh ảnh hưởng mạnh nhất. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi giảm mạnh từ 3,08% trong quý II xuống còn 2,79% vào quý III và 1,89% trong quý IV. Theo đánh giá của Cục Việc làm, điều này chứng tỏ, mặc dù vẫn chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng thị trường lao động đã có những thay đổi tích cực. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm nhu cầu lao động tăng lên phục vụ yêu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ dịp lễ, Tết.

Thị trường lao động được dự báo sẽ có nhiều điểm sáng trong năm 2021.

Nhận định về bức tranh thị trường lao động trong năm 2021, ông Lê Quang Trung, Tổng giám đốc Liên minh hợp tác xã Việt Nam cũng cho rằng dù còn nhiều khó khăn song vẫn có những điểm sáng nhờ thu hút làn sóng đầu tư, trong bối cảnh dịch COVID-19 các doanh nghiệp đã tìm hướng sản xuất kinh doanh khác, hơn hết các biện pháp kiểm soát dịch đang phát huy hiệu quả. 

"Nhu cầu sản xuất, cung cấp hàng hóa nội địa sẽ tăng, xuất khẩu sẽ dần phục hồi. Do đó, cần rà soát chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Một số ngành gặp khó khăn cần có biện pháp hỗ trợ kịp thời để đơn vị này vượt qua khó khăn”, ông Trung nhận định.

TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, mảng xuất khẩu vẫn chưa được khơi thông, nhiều thị trường nước ngoài vẫn khó tiếp cận, do đó các doanh nghiệp sản xuất sẽ chú trọng hơn đến thị trường trong nước, tập trung hướng vào thị trường tiêu dùng nội địa. 

“Năm 2021, chắc chắn kinh tế nước ta sáng sủa hơn. Với nền kinh tế với gần 100 triệu dân trở lên phải hướng vào nội địa - thị trường tiêu dùng lớn. Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường này cũng đã tạo ra rất nhiều công việc mới. Bên cạnh đó, việc thu hút chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khiến thị trường lao động nước ta có nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động”, bà Hương đánh giá.

Nhiều nhóm ngành có cơ hội lớn

Theo phân tích của TS Nguyễn Thị Lan Hương, hiện nay thị trường chủ yếu chia thành 3 nhóm ngành nghề gồm: Nhóm ngành phục vụ nhu cầu nội địa; nhóm phục vụ liên doanh, liên kết và nhóm phục vụ thị trường quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, nhóm ngành phục vụ nhu cầu nội địa là nhóm có khả năng phục hồi ở mức nhanh hơn. 

Dù ảnh hưởng của dịch nhưng nền kinh tế Việt Nam thời gian qua vẫn trên đà tăng trưởng, nếu như được tiếp sức môi trường kinh tế tốt hơn thì nhiều ngành vẫn tăng được lao động như: Xây dựng, công nghiệp chế biến. Trong bối cảnh hiện nay, theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, yêu cầu quan trọng nhất vẫn là bảo đảm sức khỏe cho người lao động cũng như cộng đồng trước nguy cơ dịch bệnh. Để giúp người lao động dễ dàng tìm kiếm việc làm hơn cần hỗ trợ về thông tin việc làm và các loại hình lao động có sẵn trên thị trường.

 “Cơ quan quản lý nên có lộ trình phát triển để cập nhật thường xuyên dữ liệu về lao động, việc làm. Các giải pháp đang được thực hiện như cho doanh nghiệp vay vốn mở rộng cơ hội việc làm, giữ chân người lao động cần được đẩy mạnh hơn nữa. Khi thị trường hồi phục, cần có những giải pháp đồng bộ trong công tác định hướng kỹ năng chuyển đổi ngành nghề cho người lao động, đào tạo những kỹ năng mới, bảo đảm họ có năng lực đáp ứng yêu cầu trong công việc mới”, TS Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho rằng, thời gian tới nhiều ngành nghề phục vụ nội địa cũng sẽ có những tín hiệu tốt hơn. Trong đó, xu hướng tuyển dụng lao động thuộc nhóm lĩnh vực như thương mại dịch vụ, bán hàng, kinh doanh… sẽ tăng lên. 

Bên cạnh đó, theo ông Thành trong thời gian vừa qua, nhóm ngành nghề thương mại điện tử, công nghệ thông tin tiếp tục tăng nhu cầu tuyển dụng và dự kiến sẽ bùng nổ hơn trong thời gian tới. “Những lao động mới tham gia thị trường lao động cần tiếp tục nâng cao kiến thức chuyên môn, đặc biệt là thích ứng với những yêu cầu công việc mới trong mọi tình huống. Với nhóm lao động đã có quá trình tham gia thị trường lao động, cũng cần bổ sung kỹ năng để sẵn sàng dịch chuyển việc làm”, ông Thành khuyến nghị.

Phan Hoạt
.
.
.