Tăng thuế thuốc lá góp phần hạn chế sử dụng thuốc lá
- Việt Nam cần tăng thuế thuốc lá để giảm tác hại
- Bị truy tố bởi vận chuyển thuê thuốc lá lậu
- Tăng thuế thuốc lá có giảm được người hút?
Theo Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), tăng thuế thuốc lá sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thanh thiếu niên và người nghèo. Thuế thuốc lá ở mức cao làm tăng giá thuốc lá, khiến người nghiện nhiều thì muốn bỏ thuốc, người chưa hút sẽ không bắt đầu hút, người nghiện thuốc lá sẽ giảm số lượng điếu hút. Về lâu dài, tăng thuế thuốc lá sẽ góp phần giảm gánh nặng bệnh tật và kinh tế do hút thuốc gây ra.
Các quốc gia trên thế giới đều có kế hoạch tăng thuế thuốc lá liên tiếp. Tại Thái Lan, từ năm 1994 đến năm 2012, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện 10 lần tăng thuế thuốc lá (từ 65% lên 87%). Ở nước này, tác động của việc tăng thuế thuốc lá đến giá thuốc lá là giá thuốc lá tăng từ 15 baht/bao lên 65 baht/bao.
Cơ quan chức năng xử lý thuốc lá lậu. |
Những năm qua, tác động của tăng thuế thuốc lá khiến người tiêu dùng thuốc lá tại Thái Lan đã giảm rõ rệt. Cụ thể, tỷ lệ người hút thuốc ở nam giới giảm từ 59% năm 1991 xuống còn 41% năm 2011. Ước tính số ca tử vong sớm tránh được từ việc áp dụng chính sách thuế của nước này trong giai đoạn 1991-2006 là hơn 31.000 người.
Nguồn thu từ thuế một năm của Thái Lan (1.843.170 triệu USD) nhiều gấp đôi nguồn thu từ thuế thuốc lá của Việt Nam (16.965 tỷ đồng năm 2013, tương đương 809.523 USD), trong khi đó sản lượng thuốc lá một năm của Thái Lan (2,1 tỷ bao) chỉ bằng một nửa sản lượng thuốc của Việt Nam (4,3 tỷ bao).
Nếu so sánh Thái Lan với Việt Nam có thể thấy, mặc dù tổng sản lượng tiêu thụ thuốc lá của họ bằng nửa của Việt Nam, nhưng doanh thu thuế thuốc lá của nước này cao hơn nhiều lần.
Điều đó cho thấy, việc đánh thuế thuốc lá ở Việt Nam còn rất thấp, nếu tăng thuế thì nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên đáng kể. Tại Việt Nam, thực tế nguồn thu từ thuế thuốc lá năm 2008 (sau khi áp dụng mức thuế mới 65%- tăng 10% so với mức thuế 55% năm 2007) là hơn 7.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2007.
Tăng thuế thuốc lá sẽ giúp người tiêu dùng hạn chế sử dụng. |
Tại cuộc họp báo tháng 8-2017, Bộ Tài chính đã dẫn nguồn từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Việt Nam hiện nằm ở nhóm 15 nước có người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ người hút thuốc ở Việt Nam cao là có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do giá bán lẻ thuốc lá còn thấp, thanh thiếu niên dễ tiếp cận.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, Việt Nam có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ ở mức 48%, thấp hơn nhiều các nước khác. Ví dụ, như tỷ lệ này ở Brunei là 81%, Thái Lan 70%, Singapore là 69%, Malaysia là 57%...
Để hạn chế thanh thiếu niên tiếp cận với thuốc lá, Bộ Tài chính đã đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp, bao gồm cả thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối.
Theo quy định, lộ trình thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá từ năm 2016 là 70%, từ năm 2019 là 75%. Với phương án này, ngoài tỷ lệ thuế trên, cơ quan chức năng đề nghị bổ sung mức thu tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/điếu xì gà.
Quy định này được đề nghị áp dụng từ năm 2020. Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 5 tỷ bao thuốc lá và tiêu thụ khoảng 4 tỷ bao. Vậy nên, nếu thu thêm mức 1.000 đồng/bao thì ngân sách có thêm khoảng 4.000 tỷ đồng.
Thời gian vừa qua các cơ quan chức năng đã tập trung đấu tranh triệt phá nhiều đường dây buôn lậu, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra phức tạp, làm thất thu ngân sách lớn bởi lợi nhuận cao. Thuốc lá là mặt hàng hạn chế tiêu dùng nên cần phải có chính sách giá. Bên cạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu và sợ những nguy hại do thuốc lá gây ra thì việc áp dụng mức thuế cao đối với thuốc lá cũng sẽ góp phần hạn chế sử dụng thuốc lá.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá là sản phẩm tiêu dùng hợp pháp duy nhất gây tử vong cho một nửa số người sử dụng nó cùng hàng trăm nghìn người không hút thuốc lá khác. Mỗi năm thế giới có khoảng 6 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá và 600.000 người chết do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động. Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá không được thực hiện thì đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên thành 8 triệu người/năm, trong đó 70% các ca tử vong là ở các nước phát triển. |