Tăng cường kiểm soát các tuyến giao thông dịch tả lợn châu Phi

Thứ Bảy, 16/03/2019, 00:07
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi (ASF) đang tiếp tục lan rộng ra nhiều tỉnh thành, chiều 14-3, tỉnh Đồng Nai – địa phương hiện có tổng đàn lợn khoảng 2,5 triệu con, lớn nhất nước, đã tổ chức họp khẩn với Chi cục Thú y vùng IV, lãnh đạo các địa phương, sở ngành, các đơn vị chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn… nhằm triển khai các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn ASF lây lan vào địa bàn.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai không giấu được sự lo lắng, cho biết, 75% đàn lợn thịt trong tỉnh được nuôi theo quy mô trang trại, phần còn lại được nuôi với quy mô nhỏ lẻ của các hộ gia đình. Trong khi đó, ASF đang lây lan ở các tỉnh phía Bắc đã khiến giá lợn thịt tại Đồng Nai giảm mạnh hai tuần gần đây, từ 52.000 đồng/kg, hiện chỉ còn giá 42.000 đồng, nhiều nơi thương lái đã ép giá lợn thịt xuống chỉ còn 36.000 đồng/kg. Tuy ngành chức năng đã khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, nhưng do người tiêu dùng e dè trước thông tin dịch bệnh càng khiến giá lợn hơi giảm mạnh.

Ngoài ra, tình trạng người chăn nuôi bán tháo để chạy giá, chạy dịch cũng là nguyên nhân khiến giá lợn thịt giảm. Với tình hình hiện nay, ông Đoán dự báo giá lợn thịt có thể còn tiếp tục giảm trong những ngày tới.

Xe chở lợn thịt vào kiểm tra tại trạm kiểm dịch động vật trên quốc lộ 1 ở huyện Xuân Lộc.

Theo Chi cục Chăn nuôi -Thú y Đồng Nai, những ngày qua lượng lợn thịt từ miền Bắc chuyển vào phía Nam đã giảm rất mạnh. Số lượng lợn thịt vận chuyển qua trạm kiểm dịch Ông Đồn trên quốc lộ 1 thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc chỉ còn khoảng 400 con/ngày. Lý do, giá lợn thịt giữa hai miền đã không còn chêch lệch nhiều.

Đại diện Chi Cục chăn nuôi - Thú y Đồng Nai cũng nêu lên thực trạng, dù công điện của Bộ NN&PTNT chỉ đạo về công tác phòng chống, kiểm soát dịch yêu cầu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch âm tính với bệnh ASF mới cho vận chuyển, nhưng hầu hết xe chở lợn thịt vào miền Nam qua Đồng Nai đều không có chứng nhận này. Tuy vậy, do không có quy định nào để chế tài, nên những xe vận chuyển lợn thịt không giấy kiểm dịch trên vẫn được cho đi.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường đã nhấn mạnh, với số lượng tổng đàn lớn nhất cả nước, lại có nhiều trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn và hệ thống giao thông huyết mạch với các tỉnh, các vùng… nguy cơ lây lan dịch bệnh vào Đồng Nai là rất cao và hậu quả nghiêm trọng nếu để xảy ra dịch.

Xác định thời điểm này công tác phòng chống dịch bệnh lây lan vào Đồng Nai là vô cùng cấp bách, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu UBND tỉnh phải thành lập ngay ban chỉ đạo 3 cấp để xử lý phòng dịch. Đồng thời tiếp tục thành lập thêm nhiều tổ liên ngành kiểm dịch động vật để tuần tra lưu động và chốt chặn theo tinh thần triệt để, không để xe chở lợn thịt vượt trạm, né trạm.

Thời gian qua, Đồng Nai đã thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp như hiện nay, lãnh đạo tỉnh đề nghị cần xem xét thành lập thêm một số trạm nữa. “Tại Dầu Giây, có thể thành lập thêm 2 trạm để kiểm soát, phòng nguy cơ các xe chở heo vượt trạm trên quốc lộ  20 và quốc lộ 1. Còn khu vực giáp với Bà Rịa - Vũng Tàu hiện cũng có nhiều trại heo lớn nên các ngành chức năng của tỉnh xem xét có thể lập thêm chốt trên quốc lộ 51 và Quốc lộ 56.”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường chỉ đạo.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường cũng yêu cầu các lực lượng phối hợp liên ngành khi phát hiện xe vượt trạm phải xử phạt nặng. Ngoài kiểm soát vận chuyển heo còn phải kiểm soát luôn việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi nhằm tránh nguy cơ thức ăn từ vùng dịch vận chuyển qua địa bàn tỉnh.

Các tổ kiểm dịch phải tiến hành kiểm tra gắt gao với các trạm trung chuyển lợn thịt. Những tài xế, chủ hàng có hành vi chống đối phải xử lý theo pháp luật. Với các lò mổ không giấy phép, các tổ kiểm dịch cần làm mạnh tay hơn, đóng cửa ngay. Ở các chợ, nếu phát hiện thịt lợn không rõ nguồn gốc cần xử lý tiêu hủy.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng đồng ý với phương án trích ngân sách tỉnh mua vôi bột, máy móc hỗ trợ công tác tiêu độc khử trùng. “Chi phí mua cũng lớn, theo dự toán hơn mười mấy tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính mức hỗ trợ 38.000 đồng/kg, bình quân mỗi con heo sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng thì nếu dịch xảy ra chỉ cần 1 triệu con heo mắc bệnh chúng ta tốn đến 2.000 tỷ đồng. Như vậy, phòng bệnh tốt và chi phí thấp hơn nhiều”, Bí thư Tỉnh ủy phân tích.

Theo ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, sau chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các địa phương đang khẩn trương hoàn tất các văn bản tham mưu cho việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch ASF cấp huyện, xã để ngày thứ hai tới (18-3), trình văn bản cho UBND tỉnh. Sở NN&PTNT, Sở Công thương và Công an tỉnh cũng xem xét tham mưu UBND tỉnh về việc thành lập thêm các chốt kiểm dịch mới; ban hành quy chế hoạt động của các chốt kiểm dịch này...

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VI Bạch Đức Lưu, Đồng Nai là tỉnh có nhiều điểm trung chuyển nên cần tăng cường giám sát việc vận chuyển heo. Chi cục Thú y vùng VI cũng đã lấy 635 mẫu phẩm gồm thức ăn chăn nuôi, thịt heo, các sản phẩm chế biến từ thịt heo tại các tỉnh khu vực phía Nam cũng như mẫu phẩm nhập từ nước ngoài xét nghiệm thì ghi nhận khu vực miền Nam chưa xuất hiện ổ dịch ASF. Tuy nhiên, với tốc độ lây lan khá nhanh như hiện nay, ông Lưu cho rằng nguy cơ ASF xâm nhiễm vào các tỉnh phía Nam, trong đó có Đồng Nai là rất lớn.

Theo ông Lưu, về nguyên lý, ASF lây lan không nhanh, tuy nhiên chỉ trong hơn một tháng qua mà dịch đã xuất hiện tại 17 tỉnh phía Bắc thì chứng tỏ diễn biến dịch rất phức tạp. So sánh với các dịch bệnh gia súc, gia cầm đã từng xảy ra như cúm gia cầm, lở mồm long móng, heo tai xanh thì ASF phức tạp hơn nhiều...

Bảo Sơn – CTV
.
.
.