Công an các địa phương nỗ lực ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi

Thứ Năm, 14/03/2019, 09:56
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an nhiều tỉnh, thành phía Nam đã phân công lực lượng tham gia ứng trực tại các trạm kiểm dịch trên các tuyến giao thông cửa ngõ ra vào địa phương.

Đồng thời tổ chức tuần tra, chốt chặn tại các ngõ và đường tránh trong khu dân cư nhằm phát hiện và kịp thời phối hợp với lực lượng thú y kiểm tra, xử lý các trường hợp vận chuyển lợn sống hoặc thịt thành phẩm né trạm kiểm soát...

Theo Công an tỉnh Bình Dương, ngay từ cuối năm 2018, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Bình Dương ban hành kế hoạch hành động ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nội dung kế hoạch đưa ra các hành động cụ thể, ứng với 2 tình huống là chưa xảy ra và đã xảy ra lây nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Bình Dương. Việc này đã giúp các lực lượng phối hợp chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với nguy cơ xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn.

Do đó, ngay khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại một số tỉnh phía Bắc, Công an Bình Dương đã phối hợp cùng các cơ quan khác tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch, theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh đến các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn.

Cảnh sát giao thông cùng cán bộ Thú y và Quản lý thị trường kiểm tra tại trạm kiểm dịch đặt trên quốc lộ 1A, đoạn thuộc huyện Xuân Lộc.

Đội kiểm tra liên ngành gồm lực lượng Cảnh sát kinh tế, Quản lý thị trường, Thú y tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh triệt để. Công an Bình Dương cũng phân công cán bộ nắm tình hình tại các địa bàn giáp ranh với TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai để kịp thời phát hiện các nguồn lợn thịt không đảm bảo “tuồn” vào Bình Dương.

Tại Tây Ninh, trước nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi, Công an tỉnh đã phối hợp cùng các ngành chức năng triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh trên địa bàn với mục tiêu chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với dịch bệnh.

Trong đó, Công an Tây Ninh phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, các huyện thị, các xã biên giới để phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển lợn sống hoặc sản phẩm từ lợn qua biên giới. Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh.

Đối với các địa phương giáp ranh khu vực biên giới và địa bàn có tổng đàn lợn với số lượng lớn hoặc các trang trại chăn nuôi, Công an tham gia phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bắt buộc các biện pháp an toàn sinh học. Theo Công an tỉnh Tây Ninh, UBND tỉnh này cũng đã ban hành quyết định về việc thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật tạm thời, chốt chặn 24/24 giờ tại các cửa ngõ vào địa bàn Tây Ninh.

Lực lượng tham gia các chốt kiểm dịch gồm CSGT, Thú y, Quản lý thị trường và Dân quân tự vệ. Ngoài 4 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên, tuỳ theo điều kiện thực tế, UBND các huyện, thành phố sẽ lập thêm các chốt kiểm dịch động vật tạm thời hoặc các đội kiểm tra liên ngành để kiểm soát hoạt động vận chuyển lợn sống, sản phẩm từ lợn lưu thông trên địa bàn.

Đồng Nai được xem là cửa ngõ kiểm soát việc đưa lợn thịt từ miền Bắc vào Nam tiêu thụ. Do đó, địa phương này có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi lây lan vào khu vực phía Nam. Đây cũng là “thủ phủ” nuôi của cả nước với tổng đàn trên 2,5 triệu con nên công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh lây lan vào Đồng Nai càng quan trọng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, những ngày qua, Trạm Kiểm dịch Ông Đồn, huyện Xuân Lộc đã được tăng cường lực lượng CSGT phối hợp với cán bộ thú y và quản lý thị trường trực chốt, tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ đối với tất cả các xe chở lợn thịt và các sản phẩm từ lợn đi qua cửa ngõ này.

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, sự có mặt của các tổ CSGT thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai và Đội CSGT Công an huyện Xuân Lộc tại Trạm kiểm dịch này đã hỗ trợ khá tốt cho lực lượng thú y và quản lý thị trường trong việc theo dõi, ra hiệu lệnh cho các xe tải chở lợn thịt chấp hành vào trạm kiểm dịch. Ngay cả những xe tải, xe khách nghi có dấu hiệu chở lợn thịt đi tiêu thụ hoặc chở thịt lợn thành phẩm từ phía Bắc vào miền Nam cũng đã bị CSGT phát hiện.

Để không bị “lọt” những xe chở lợn sống hoặc thịt lợn thành phầm từ miền Bắc vào Nam qua cửa ngõ này, Công an tỉnh Đồng Nai và huyện Xuân Lộc còn bố trí các tổ tuần tra, chốt chặn tại các ngõ và đường tránh trong khu dân cư nhằm phát hiện và kịp thời phối hợp với lực lượng thú y kiểm tra, xử lý các trường hợp vận chuyển lợn sống hoặc thịt thành phẩm né trạm kiểm soát.

Tuy vậy đến nay, lực lượng chức năng tại Trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào chở lợn chết, lợn mắc bệnh lưu thông qua trạm và cũng như chưa phát hiện trường hợp nào chở lợn sống hay thịt lợn chưa qua kiểm dịch né trạm...

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng đã tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, chủ trang trại và gửi kiến nghị lên UBND tỉnh Đồng Nai và bộ, ngành liên quan, kiến nghị 2 vấn đề chính, gồm tạm thời cấm việc vận chuyển lợn thịt từ các tỉnh miền Bắc vào Nam tiêu thụ trong thời gian miền Bắc đang có dịch; cấm nhập khẩu các sản phẩm bột thịt, xương và các phụ phẩm của lợn từ các nước có dịch…

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, dù Chính phủ rất quan tâm nhưng mức độ quan tâm của các ban, ngành địa phương chưa đúng tầm với mức độ thiệt hại của dịch tả lợn châu Phi.

Nhất là khi dịch đã vào Việt Nam và không phải diễn tiến theo tuần mà biến động từng giờ. Dù mức độ lây lan rất chậm nhưng thiệt hại sẽ rất khủng khiếp. Đặc biệt, vấn đề lây lan trực tiếp là con đường lây lan nhanh nhất và nguy hiểm nhất, thông qua việc vận chuyển lợn thịt từ vùng có dịch đến các địa phương khác tiêu thụ.

Để người dân vừa phòng chống dịch vừa không dấu dịch, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng đang tập trung các giải pháp từ tuyên truyền đến việc kiểm tra sát sao số lượng đàn lợn tại các huyện. Theo ông Nguyễn Trí Công, khi xảy ra dịch với quy mô lớn, sẽ không thể cân từng con mà nên áp dụng biện pháp đếm số lượng đầu con cho dễ kiểm soát.

Trường hợp không áp dụng giải pháp đếm đầu con mà phải cân, thì giá hỗ trợ cho người dân thấp nhất cần ở mức 38 ngàn đồng/kg. Cần công khai minh bạch và giám sát cụ thể việc chi trả tiền hỗ trợ, người chăn nuôi phải được nhận tiền hỗ trợ trong 15 ngày tại kho bạc địa phương. Từ đó, người chăn nuôi sẽ mạnh dạn khai báo, không giấu dịch, tránh tình trạng gian lận gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Thời điểm này, dù các ngành chức năng đang cố gắng khống chế dịch lây lan nhưng nhiều người chăn nuôi ở Đồng Nai cũng đang đứng ngồi không yên khi dịch vẫn lan rộng từng ngày. Nhiều chủ trang trại và hộ chăn nuôi như đang ngồi trên đống lửa vì vừa lo dịch bệnh lây lan, vừa sợ lợn thịt rớt giá sẽ cầm chắc chuyên lỗ nặng, thậm chí đến mức phải “treo” chuồng và treo cả số nợ ngân hàng.

Đ. Mừng - Bảo Sơn
.
.