Nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu đang “gom” tại VAMC
- Nỗi lo nợ xấu và trăn trở bài toán nợ công
- Cần ưu tiên xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng
- Nợ xấu 'tăng dần đều', nhưng 'giảm thực chất'
Theo yêu cầu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có báo cáo bổ sung một số nội dung, trong đó có tình hình xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Theo đó, dù đã mua hơn 21 nghìn khoản nợ với tổng trị giá hơn 210 nghìn tỷ đồng, thì đến nay VAMC mới chỉ xử lý được hơn 13.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 6,3%. Các khoản nợ xấu còn lại mới được gom vào một chỗ, chứ chưa có khả năng xử lý. Thực tế này đã làm nhiều đại biểu lo ngại.
Báo cáo của NHNN cho biết, tính từ 2013 đến 15/9/2015, VAMC đã thực hiện mua được 21.295 khoản nợ tương ứng với 210.717 tỷ đồng dư nợ gốc, giá mua là 177.724 tỷ đồng của 39 tổ chức tín dụng. Cũng trong thời gian này, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi nợ được 13.320 tỷ đồng (bao gồm thu từ bán nợ/bán tài sản bảo đảm…). Con số liệt kê chi tiết có một số điểm rất đáng chú ý như năm 2014, VAMC bán nợ được 1.773 tỷ đồng, nhưng sang đến 2015 chỉ còn được 108 tỷ đồng. Ngoài ra, việc bán tài sản bảo đảm cũng giúp thu về khoảng 1.108 tỷ đồng và uỷ quyền cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ được 10.331 tỷ đồng.
VAMC đang tắc trong xử lý các khoản nợ đã mua lại. |
Bên cạnh đó, VAMC đã phối hợp với tổ chức tín dụng thực hiện điều chỉnh lãi suất 28 khoản nợ của 9 khách hàng với tổng dư nợ gốc là 367 tỷ đồng. Miễn, giảm lãi/phí 40 khoản nợ của 17 khách hàng với giá trị miễn giảm là 65,9 tỷ đồng. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ 31 khoản nợ của 11 khách hàng với tổng dư nợ là 446 tỷ đồng. Phối hợp với tổ chức tín dụng tiếp tục cấp hạn mức 950 tỷ đồng cho 2 khách hàng để hoàn thiện 2 dự án, đến nay đã giải ngân được 425 tỷ đồng. Việc phân loại danh mục khoản nợ và tài sản đảm bảo theo từng đối tượng cho thấy tài sản đảm bảo là bất động sản lên đến 60-70%.
Tại báo cáo này, NHNN cũng nhận định: So với thực trạng nợ xấu, tốc độ xử lý nợ xấu còn chậm, kết quả bán nợ, tài sản đảm bảo còn rất khiêm tốn. Việc tiến hành cơ cấu nợ, miễn giảm lãi còn nhiều hạn chế, do nhiều nguyên nhân. Có thể kể đến các tổ chức tín dụng không muốn xem xét miễn giảm lãi, cơ cấu khoản nợ cho khách hàng, nhiều đơn từ phía khách hàng không được đáp ứng, vì khách hàng không có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả và khoản nợ có tài sản đảm bảo giá trị kém.
Hàng loạt khó khăn, vướng mắc được chỉ ra như: Tổ chức tín dụng phối hợp với VAMC tiến hành thu giữ, phát mại tài sản đảm bảo của khách hàng, nhưng khách hàng không đồng ý bàn giao tài sản, không có mặt hoặc có nhiều trường hợp rời khỏi địa phương... gây khó khăn cho việc thu giữ. Kể cả khi đã thu giữ được thì việc bán đấu giá cũng gặp khó khăn do khách hàng không hợp tác trong thỏa thuận giá khởi điểm hoặc thuê tổ chức định giá... dẫn đến không thể xử lý để thu hồi nợ. Một số trường hợp sau khi thu giữ để tiến hành phát mại thì khách hàng khởi kiện tài sản có tranh chấp từ trước khi bán nợ cho VAMC, đưa VAMC vào tình thế phải trả lại khoản nợ cho tổ chức tín dụng (TCTD).
Cơ chế hiện nay cũng đưa đến một tình trạng dở khóc dở cười là dù VAMC đã mua lại nợ của các TCTD, nhưng các TCTD vẫn phải chịu mọi rủi ro đối với khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt đó. Tuy nhiên, khi VAMC đã mua lại nợ, khách hàng lập tức không hợp tác với TCTD vì cho rằng đó không còn là chủ nợ của mình, thậm chí có yêu cầu VAMC thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi dù không có phương án kinh doanh khả thi, khiến việc thu hồi nợ thông qua uỷ quyền cho các TCTD.
Do vẫn phải chịu trách nhiệm trích dự phòng rủi ro, thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo, thậm chí gánh chịu hậu quả nếu xảy ra thất thoát, nên dù có “bán” được nợ cho VAMC, TCTD vẫn lo ngay ngáy, vẫn xác định quyền chủ nợ của họ sau 5 năm sẽ thu hồi, dẫn đến sự hợp tác không chặt chẽ, thậm chí không cần VAMC xử lý nợ xấu đã bán. Về phía VAMC lại không có quyền chủ động để xử lý những khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt, cũng không được chủ động tiến hành cơ cấu nợ, miễn giảm lãi khi TCTD chưa thống nhất, bởi việc quyết định miễn giảm lãi ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình tài chính của các TCTD, và họ vẫn phải chịu mọi rủi ro đối với khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt, do vậy, trên danh nghĩa TCTD vẫn có quyền quyết định đối với tài sản thế chấp của khoản nợ, VAMC không có nhiều vai trò định đoạt tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu đã mua.
VAMC cũng rơi vào thế “tắc”, chỉ có thể thông qua bán tài sản đảm bảo (vốn cũng vô cùng bế tắc) để thu hồi nợ, vì Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ xấu, VAMC mua nợ xấu về không thể bán cho ai. Việc định giá khoản nợ đến nay chưa có quy định cụ thể, cơ sở đánh giá rất phức tạp. Trong khi khả năng của VAMC trong giai đoạn này chưa thể tự định giá để mua bán được khoản nợ. Vì vậy, VAMC sẽ rất khó thực hiện việc bán khoản nợ đảm bảo tiêu chí công khai minh bạch.
Cũng theo NHNN, trong thời gian qua, rất nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc với VAMC để tìm hiểu. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hệ thống pháp luật tại Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến mua bán và xử lý nợ, về sở hữu đất đai,về tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò còn hạn chế của VAMC trong việc quyết định các vấn đề về bán nợ, bán tài sản đảm bảo... các nhà đầu tư chỉ mới tiếp cận để tìm hiểu bước đầu mà chưa chính thức đặt vấn đề cụ thể.