Cần ưu tiên xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng

Thứ Bảy, 24/10/2015, 01:42
Đây là một trong những đề xuất trong Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2015 vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố ngày 23/10 tại Hà Nội.


Theo nhận định của CIEM, bức tranh kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2015 có khá nhiều chuyển biến tích cực. CIEM đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP quý IV/2015 sẽ là 6,83% và cả năm có thể tăng 6,61% so với cùng kỳ năm 2014. Ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng Ban Kinh tế vĩ mô CIEM, cho biết đà phục hồi tăng trưởng kinh tế vững chắc hơn. GDP tăng 6,81% trong quý III/2015 và GDP 9 tháng đầu năm 2015 tăng 6,5%, nếu tiếp tục đà cải cách kinh tế trong các quý tới, khả năng tăng trưởng vượt mức 7% là hoàn toàn khả thi.

Niềm tin của doanh nghiệp (DN) đối với triển vọng kinh doanh được cải thiện rõ nét trong quý III. Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy 36,6% số DN đánh giá tình hình khả quan hơn; 43,5% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Về triển vọng quý IV so với quý III, có 46,8% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 38,8% số DN cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định. Các DN nước ngoài cũng đánh giá tích cực về triển vọng môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Tái cơ cấu “chơi vơi” vì thiếu tiền.

Nói về vấn đề lạm phát thấp, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng lạm phát tương đối thấp trong quý III do một số nguyên nhân chính là giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới giảm; kỳ vọng lạm phát có dấu hiệu giảm; tổng phương tiện thanh toán được điều hành khá thận trọng, trong bối cảnh sự chi phối của chính sách tài khóa có phần giảm bớt; và đặc biệt Chính phủ đã lưu tâm hơn đến ổn định lạm phát.

Bên cạnh đó, những điều chỉnh đối với chính sách tỷ giá VND/USD trong tháng 8 chưa gây nhiều xáo trộn đáng kể đối với ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát còn hiện hữu, gắn với công tác điều hành trong trung và dài hạn gồm: áp lực dồn tụ từ thâm hụt ngân sách và nợ công; gia tăng thâm hụt thương mại đi kèm với đà phục hồi tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh quá trình tái cơ cấu kinh tế chưa nhanh như kỳ vọng; cơ chế điều hành giá một số mặt hàng và dịch vụ còn thiếu minh bạch và khả năng giải trình; việc thực hiện lộ trình tăng lương chủ yếu mang tính chính trị - xã hội, ít dựa trên nền tảng tăng năng suất lao động.

Số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm. Đến 30-9-2015, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại cơ bản đã về dưới 3%. Trong 9 tháng đầu năm, Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đã mua được hơn 91,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu gốc với giá mua gần 81,2 nghìn tỷ đồng (vượt kế hoạch đề ra cho cả năm là 80 nghìn tỷ đồng).

Song, ông Nguyễn Anh Dương cũng lưu ý, nếu chỉ nhìn những số liệu báo cáo, có thể coi là điểm phục hồi, nhưng cũng có thể là những điểm sáng nhất thời và khó có tính bền vững, nếu không có những cải cách thực sự. Do vậy, theo kiến nghị của CIEM, cần ưu tiên cao nhất cho tái cơ cấu NHTM trong đó tập trung vào xử lý nợ xấu. Tuy nhiên cũng cần thông điệp sớm về điều hành tỷ giá trong năm 2016; cần cân nhắc kỹ các quyết định truyền thông đặc biệt là các nội dung ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ (như Hoa Kỳ cân nhắc tăng lãi suất, hay hoàn trả khoản vay 30.000 tỷ đồng cho NSNN từ Ngân hàng Nhà nước).

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ và sự tương tác của chính sách này với chính sách tài khóa sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chất lượng của các cải cách môi trường kinh doanh - nhằm thực thi các luật quan trọng (như: Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi...), tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh (theo Nghị quyết 19) và giảm bớt đối xử phân biệt và khác biệt ảnh hưởng đến cạnh tranh – cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến niềm tin và hoạt động đầu tư của DN, không chỉ trong quý IV, mà còn cả các năm tiếp theo.

Lưu Hiệp
.
.
.