Nỗi lo nợ xấu và trăn trở bài toán nợ công

Thứ Ba, 03/11/2015, 07:58
Đánh giá cao một số thành tựu nhưng các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ nhiều băn khoăn về những mối lo chính từ sức cạnh tranh yếu của nền kinh tế, những bất ổn còn rình rập, đặc biệt nợ công, nợ xấu đang ở mức cao… 

Đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang) cho rằng, ngoài các thành tựu đã rõ, có thể kể đến là hiệu quả sử dụng vốn còn thấp, đầu tư còn dàn trải, thất thoát lãng phí còn xảy ra nhiều, cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát chưa hiệu quả, chế độ trách nhiệm chưa rõ ràng và chưa được đề cao. Tái cơ cấu nền kinh tế cũng chậm, chưa đạt kết quả khả quan, mô hình tăng trưởng còn chưa đủ rõ, cụ thể. Cơ cấu lại đầu tư công ở một số ngành, địa phương còn chưa đáp ứng được yêu cầu…

Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hóa vốn ở một số doanh nghiệp chưa đạt tiến độ, hiệu quả sản xuất kinh doanh ở nhiều doanh nghiệp Nhà nước thấp, chưa tương xứng với tài sản và nguồn lực, thất thoát lãng phí còn lớn doanh nghiệp Nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò chủ đạo trong kinh tế của Nhà nước.

Ðại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại hội trường trong phiên họp ngày 2/11. Ảnh - TTXVN.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) cũng đánh giá cao những thành tựu nổi bật, đặc biệt là đất nước giữ được tăng trưởng vững vàng dù bối cảnh thế giới nhiều bất ổn, mở rộng quan hệ quốc tế, giúp chúng ta tìm được một đối trọng đủ nặng để tái cân bằng cho quan hệ thương mại, giảm sự lệ thuộc vào thị trường Đông Á, Trung Quốc và ASEAN…

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại, cho thấy động lực cho tăng trưởng đã đạt mức bão hòa. Các nguồn lực phát triển cần phải được tạo ra những động lực mới. Trong đó đại biểu Hòa quan tâm tới động lực về cải cách thể chế và khoa học công nghệ để mở ra một chu kỳ mới phát triển về chiều sâu và phát triển bền vững.

Thứ hai, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp còn quá yếu, Việt Nam xếp thứ 56/140, là mức thấp so với các nước trong khu vực. Singapore xếp thứ 2, Malaysia thứ 18, Thái Lan thứ 32, Indonesia thứ 37, Philipines thứ 47…

Nợ xấu tiềm ẩn nhiều rủi ro với nền kinh tế. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

Đại biểu cho rằng cần có biện pháp mạnh mẽ kiên quyết để tinh giản bộ máy và rà soát hợp lý hóa các đầu mối, nghiên cứu hợp nhất các bộ phận, tránh chồng chéo để nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí bộ máy để có nguồn nâng cao thu nhập cho những người lao động làm việc có hiệu quả.

Theo đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa), trở lực lớn nhất cho sự phát triển của đất nước chính là tổ chức bộ máy, quản lý tài nguyên đất nước, quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước. “Bộ máy Nhà nước còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, thiếu cụ thể. Cải cách hành chính trên một số lĩnh vực còn chậm, thủ tục còn gây phiền hà cho doanh nghiệp, cho người dân. Thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội hiệu quả chưa cao, có nơi còn hình thức, hậu kiểm tra, giám sát còn bỏ ngỏ, kỷ cương, kỷ luật lỏng lẻo. Điều đáng nói là khuyết điểm, hạn chế này đã tồn tại trong nhiều năm nhưng vẫn chưa khắc phục được.

Theo đại biểu Tuân, vấn đề thể chế và xây dựng bộ máy phải được đặt lên hàng đầu để tiếp tục phát huy dân chủ xã hội, đồng thời để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng vững mạnh”, đại biểu kiến nghị. Đại biểu cũng nêu một thực tế, tâm tư, nguyện vọng của người dân gửi đến Quốc hội ngày càng nhiều, những kỳ họp trước chỉ có 1.000 – 2.000 ý kiến, kỳ họp thứ 10 này lên đến 4.900 ý kiến. Điều này cho thấy một phần các vấn đề xã hội đặt ra ngày càng cao, bên cạnh đó cũng vì những ý kiến, kiến nghị của cử tri đề xuất qua nhiều năm chưa được giải quyết một cách cụ thể. “Chúng ta thấy rất đau lòng khi tình hình khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện đông người ngày càng phức tạp. Hiện tượng này do nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, nguyên nhân khác sâu xa hơn là thái độ vô cảm của một bộ phận cán bộ, công chức khi thi hành công vụ, năng lực hạn chế, đạo đức yếu kém, giải quyết, hướng dẫn không đến nơi đến chốn, thái độ xa dân càng làm cho người dân bức xúc phải tìm đến những nơi mà người dân tin tưởng đó là công lý, là đạo đức”.

Đại biểu cũng chỉ ra vấn đề quản lý thu, chi ngân sách còn nhiều bất cập, nhất là bội chi ngân sách, nợ công tăng cao dẫn đến nhiều khó khăn cho đất nước, cơ cấu chi chưa hợp lý, chi thường xuyên chiếm tỷ lệ cao tăng lên trong khi chi đầu tư phát triển thấp, tăng trưởng chậm, tình trạng gian lận, trốn thuế vẫn đang là vấn đề phức tạp, khai thác nguồn thu còn yếu, ngân sách tập trung vào khai thác tài nguyên là điều bất ổn cho những năm tiếp theo. “Tôi đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu lại nợ, đảm bảo trong giới hạn an toàn, tránh nguy cơ đổ vỡ nền kinh tế; Xây dựng một bộ máy Nhà nước minh bạch, trong sáng, hệ thống pháp luật nghiêm minh với đội ngũ cán bộ, công chức công tâm quản lý nguồn vốn ngân sách và tài nguyên đất nước tốt là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của đất nước”.

Đại biểu Thân Văn Khoa: Về bản chất, nợ xấu mới chỉ được gom lại

Theo báo cáo gần đây nhất, số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại giảm còn 3,72% ở thời điểm tháng 6 năm 2015 so với 4,83% ở thời điểm tháng 12 năm 2014. Đến cuối tháng 9 năm 2015, số nợ xấu đã về dưới mức 3%. Nếu nhìn vào số lượng trên có thể thấy cứ tiến triển như vậy nợ xấu không còn là nỗi lo của chúng ta nhưng trong thực tế, nợ xấu được xử lý như thế nào?

Theo thông tin của Công ty Quản lý tài sản (VAMC), từ 1/10/2013 đến 25/10/2015, các tổ chức tín dụng đã bán cho VAMC 226.028 tỷ đồng dư nợ gốc với giá mua 191.006 tỷ, VAMC xử lý thu hồi bằng các hình thức được 16.277 tỷ đồng đạt tỷ lệ rất khiêm tốn, 8,5% so với giá mua. Như vậy, có thể khẳng định phần lớn số nợ mà VAMC mua hiện còn khoảng 175.529 tỷ đồng mới chỉ được gom lại, chưa được xử lý thu hồi giải quyết tận gốc. Về bản chất nợ xấu vẫn còn đó. Tôi đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để xử lý số nợ xấu.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Đừng ảo tưởng mua ngân hàng 0 đồng là giải quyết xong

Việc mua lại ngân hàng với giá 0 đồng chỉ không gây thiệt hại nếu trong vòng vài năm tới Ngân hàng Nhà nước làm được cái việc mà chính các ông chủ ngân hàng đó đã bất lực là tạo được thanh khoản, tạo được niềm tin và tạo được hiệu quả. Các ngân hàng này đang thua lỗ, muốn bù đắp thua lỗ chỉ còn cách là nó phải có lời. Với 3 ngân hàng vừa rồi thì tiền gửi của dân lên đến một vài tỷ USD, nợ xấu đó cứ âm ỉ như thế. Ngay cả khoản VAMC khi mua nợ xấu về cho đến nay cũng chỉ giải quyết được chưa đầy 10% và giải quyết nợ xấu không hề dễ dàng. Giải quyết không hiệu quả thì anh lấy gì bù đắp cho cái nợ anh gánh cho ngân hàng đó. Vì thế, giải pháp đó có thể có cơ sở pháp lý, có tính đúng đắn và được coi là giải pháp ban đầu nhưng nó chỉ bắt đầu một giai đoạn hết sức gian truân sau đó và không có gì hứa hẹn thành công cả. Đừng ngộ nhận rằng khi mua ngân hàng 0 đồng rồi bán năm sau tôi giải quyết mọi vấn đề.


Vũ Hân
.
.
.