Nguồn cung dồi dào, giá thịt lợn vẫn liên tục tăng

Thứ Năm, 18/10/2018, 09:14
Giá lợn hơi tiếp tục tăng ở mức cao, đứng ngưỡng 53.000 – 55.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng. Nhiều DN thực hiện chương trình bình ổn thị trường hiện đang xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn hàng để cung ứng cho thị trường những tháng cuối năm, thị trường Tết...

Ngày 17-10, PV Báo CAND tìm đến nhiều siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng tiện lợi tại TP Hồ Chí Minh nhận thấy, giá thịt lợn đều được điều chỉnh tăng giá thêm 5.000 – 15.000 đồng/kg (tùy loại) so với nửa tháng trước. Theo đó, sườn non 150.000 - 160.000 đồng/kg, thịt ba rọi 110.000 - 120.000 đồng/kg, thịt đùi 100.000 - 110.000 đồng/kg,...

Chị Thu - bán thịt lợn tại chợ Phước Long (quận 7) cho biết, khoảng nửa tháng trước, lợn mảnh lấy vào giá 50.000 – 60.000 đồng/kg, nay tăng lên 70.000 – 75.000 đồng/kg. Giá thịt lợn bán lẻ tăng cao, nên khách mua lượng giảm hẳn. Ví dụ như trước đây họ mua 1 kg, nay chỉ mua vài lạng nên bán rất chậm.

Trước tình trạng thịt lợn trên thị trường liên tục tăng giá trong thời gian gần đây và chưa có dấu hiệu dừng, khiến các DN bán hàng bình ổn thị trường như “ngồi trên lửa”. Mới đây, Công ty Việt Nam kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cũng đã xin điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng thịt gia súc tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2018 và Tết Kỷ Hợi 2019.

Cụ thể, tăng giá thêm 22.000 đồng/kg (tăng 19,1% - 24,7%) với 8 mặt hàng thịt pha lóc gồm: Thịt đùi, vai, cốt lết, sườn già, ba rọi, thịt nạc (dăm, vai, đùi). Đồng thời, tăng 7.000 đồng/kg (tăng 4,1%) đối với mặt hàng thực phẩm chế biến (giò lụa không hàn the).

Tuy nhiên, đại diện Ban Vật giá, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết do giá lợn hơi liên tục tăng, căn cứ giá thành và theo tiêu chí của chương trình bình ổn thị trường (các mặt hàng thịt gia súc phải có giá thấp hơn giá thị trường 5-10%); đồng thời, cũng để đảm báo quyền lợi người tiêu dùng (NTD), người chăn nuôi và DN tham gia chương trình bình ổn thị trường, Ban Vật giá Sở Tài chính đề xuất mức giá điều chỉnh tăng chỉ từ 1.000 – 7.000 đồng/kg tùy mặt hàng và tăng 4.000 đồng/kg đối với mặt hàng giò lụa không hàn the.

Giá thịt lợn trên thị trường liên tục tăng trong thời gian gần đây.

Tại các hệ thống siêu thị không thuộc điểm bán hàng bình ổn như: Lotte, Aeon, MM Mega Market,... thì các mặt hàng thịt gia súc cũng được điều chỉnh tăng từ 5.000 -11.000 đồng/kg tùy loại (tăng 2-7% so với trước) và tăng từ 5.000 -15.000 đồng/kg tại các chợ truyền thống. Theo Chi cục Thú Y TP Hồ Chí Minh và thương nhân các chợ đầu mối, giá lợn hơi biến động trong thời gian qua là do bị tác động từ dịch tả Châu Phi và một phần do tình hình thu mua từ Trung Quốc.

Do đó, để ổn định thị trường vào những tháng cuối năm, đại diện Ban Vật giá, Sở Tài chính đề nghị những DN có kế họach dự trữ nguồn hàng, tiết chế chi phí kinh doanh để ổn định giá bán bình ổn. Bên cạnh đó, đề nghị Sở Công thương làm việc với các hệ thống phân phối xem xét điều chỉnh tỷ lệ chiết khấu đối với các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn từ đó cũng hỗ trợ các DN ổn định giá bán.

 Trước tình trạng giá thịt lợn liên tục tăng, không chỉ Sở Tài chính, Sở Công thương mà Bộ NN&PTNT đã có cuộc họp khẩn nhằm “kéo” giá lợn hơi xuống dưới mức 50.000 đồng/kg, bởi thực tế giá thành chăn nuôi chỉ 35.000 - 36.000 đồng/kg, trong khi giá bán ra thị trường vượt mức 50.000 đồng/kg, đây là mức giá quá cao.

Nhưng có điều nghịch lý là trong khi giá thịt lợn trên thị trường tăng “phi mã” trong thời gian qua, nhưng nguồn cung không hề khan hiếm. Cụ thể, theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tổng đàn lợn của Đồng Nai hiện đang tăng lên 2,5 triệu con (tăng 200.000 con so với tháng 4-2018 và tăng 800.000 con so với tháng 8-2017). Tại TP Hồ Chí Minh, thịt lợn ở các tỉnh đưa về chợ đầu mối Tân Xuân, Hóc Môn hiện vẫn ổn định quanh mức 5.000 - 5.300 con/ngày. Số liệu này cho thấy, nguồn cung không thiếu. Tình trạng khan hiếm, “cháy hàng” chỉ khi nào lượng hàng về chợ xuống dưới mức 4.700 – 4.800 con/ngày.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, thịt lợn đang bị “làm giá” mà đối tượng chính nằm trong diện nghi ngờ là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Họ “ém hàng”, cung ứng số lượng ít hơn nhu cầu của thị trường, tạo sự khan hiếm giả tạo, đẩy giá bán lên cao so với thực tế.

Khi giá heo trong nước cao, sẽ dễ dàng dẫn đến những hệ lụy: Thịt heo ngoại có cơ hội tràn thị trường nội địa và các DN trong nước khó cạnh tranh nổi về giá với thịt ngoại nhập có giá rẻ; Dịch tả Châu Phi tấn công ở các nước lân cận, nên tiềm ẩn nguy cơ thịt lợn nhập lậu vào thị trường trong nước... Khi đó, thiệt hại trực tiếp chính là DN trong nước, người chăn nuôi.

Thúy Hà
.
.
.