Đại diện Cục Chăn nuôi khẳng định không bất ngờ về giá thịt lợn tăng vùn vụt

Thứ Tư, 15/08/2018, 14:31
Giá lợn hơi xuất chuồng tại nhiều địa phương đã “leo” đến mức 55.000 đồng/kg và giá thịt tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội cũng đứng ở mức cao đến “xót ruột”, hầu hết các loại thịt đều có giá từ 100.000 đồng/kg trở lên.

Giá thịt lợn trong nước hiện vẫn đứng ở mức cao ngất ngưởng. Giá lợn hơi xuất chuồng tại nhiều địa phương đã “leo” đến mức 55.000 đồng/kg và giá thịt tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội cũng đứng ở mức cao đến “xót ruột”, hầu hết các loại thịt đều có giá từ 100.000 đồng/kg trở lên.

Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá thịt lợn vẫn đứng ở mức rất cao, khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy lo ngại. 

Theo đó, giá hầu hết các loại thịt như sườn, ba chỉ, nạc vai, nạc mông… đều từ 100.000 đồng/kg trở lên. Cụ thể như, tại chợ Thành Công, Ba Đình, Hà Nội, giá thịt lợn vào sáng 13-8 như sườn mức giá 130.000 đồng/kg, ba chỉ 110.000 đồng/kg, nạc vai 110.000 đồng/kg,… 

Chị Nguyễn Thị Lụa, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Kim Liên, Đống Đa (Hà Nội) cho hay: “Giá thịt lợn hiện vẫn rất cao, nhiều năm nay rồi, giá thịt lợn chưa có mức này. Cũng nhiều người thắc mắc lắm, nhưng chúng tôi cũng chỉ đi lấy lại về bán, mà cũng chưa biết khi nào giá thịt lợn mới xuống”. 

Chị Đặng Thúy Nga ở Khu tập thể Thành Công, Ba Đình (Hà Nội) lo ngại: “Giá thịt lợn tăng cao quá, đi chợ mua thịt lợn mà cứ ngỡ mua đặc sản. Mấy đứa trẻ nhà tôi thích ăn món sườn, nên hay phải mua sườn về chế biến. Mà sườn thì đắt quá, 130.000 đồng/kg, có khi mua được 3 dẻ sườn thì hết hơn trăm bạc”.

Giá thịt lợn vẫn đứng ở mức cao khiến người tiêu dùng lo ngại.

Trao đổi về thực trạng này, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, từ tháng 4-2018 giá thịt lợn bắt đầu đà phục hồi sau suốt quãng thời gian đi xuống. 

Hiện nay, giá lợn cả nước đang từ 50.000 –52.000 đồng/kg. Một số nơi giá lợn hơi tăng lên tới 55.000 - 56.000 đồng/kg nhưng đây chỉ là hiện tượng cục bộ, chủ yếu ở khu vực giết mổ nhỏ lẻ. Và thực tế đến thời điểm hiện tại thị trường cho thấy, không thiếu thịt lợn mà chỉ thiếu nguồn cung cục bộ. 

“Tôi cho rằng giá lợn đã đến ngưỡng, không thể tăng thêm. Giá lợn tháng 7 so với tháng 6 chỉ tăng 2%, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến CPI”, ông Dương nhận định, đồng thời cũng bày tỏ lo ngại, nếu giá thịt lợn bị đẩy lên cao quá sẽ gây bất ổn cho ngành chăn nuôi, có thể sẽ làm tăng lượng thịt nhập khẩu và thịt lợn thẩm lậu từ các nước xung quanh. Người chăn nuôi sẽ mất thị trường. 

Hơn nữa giá lợn cao sẽ  kích thích người chăn nuôi tăng đàn ồ ạt, sau chu kỳ chăn nuôi khoảng 1 năm rưỡi nữa sẽ có thể xảy ra rủi ro về giá như chúng ta đã trải qua trong năm 2017.

Trước lo ngại của người tiêu dùng cả nước, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng, thực tế đã tính toán được giá thịt lợn sẽ tăng trở lại nên không có bất ngờ. 

“Về cơ bản năm nay ngành chăn nuôi thắng lớn. Cụ thể, các chỉ tiêu về sản lượng, giá cả của ngành đều tăng. Giá lợn chỉ có quý 1 là thấp, còn các quý 2, 3, 4 được dự báo tiếp tục tăng”, ông Dương cho hay. 

Tuy nhiên, trước đề cập của phóng viên về việc, giá thịt lợn tăng mạnh thời gian qua, nông dân không được hưởng lợi nhiều nhưng hàng chục triệu người tiêu dùng phải ăn thịt giá cao, ông Dương cho rằng, đây là bất cập của kinh tế thị trường. 

Chăn nuôi nhỏ lẻ, không biết bán cho ai, chăn nuôi theo thói quen cũ thì rất khó. Vì vậy từ bài học giá thịt lợn xuống đáy đến thực trạng, giá thịt lợn tăng cao như hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên chuyển sang nghề khác. Còn với những hộ chuyên nghiệp, cũng phải thay đổi về cách quản trị, bổ sung kiến thức, tìm hiểu thị trường… mới mong phát triển bền vững.

Đề cập đến các giải pháp điều hành giá thịt lợn theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ mới đây, ông Dương thông tin, Cục Chăn nuôi đã đưa ra 4 giải pháp điều hành sản xuất thịt lợn. 

Thứ nhất, các địa phương cần khẩn trương thống kê quy mô đàn lợn nái hiện có và đầu lợn, sản lượng lợn thịt dự kiến trong từng tháng từ nay đến tháng 2-2019; Thứ hai, thông tin thường xuyên và đầy đủ về giá cả thị trường; tuyên truyền để người chăn nuôi và thương lái biết để cùng có trách nhiệm ổn định thị trường; Thứ ba, triển khai các biện pháp bình ổn giá thịt lợn, khuyến cáo người tiêu dùng chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng thực phẩm phù hợp hơn với nguồn cung thực phẩm trong nước; Thứ tư, kiểm tra kỹ và có biện pháp kịp thời hỗ trợ công tác phòng dịch. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc lưu thông các loại gia súc, gia cầm, nhất là đối với mặt hàng thịt lợn.

Diệp Linh
.
.
.