Ngành dệt may trước nhiều thách thức

Thứ Bảy, 27/07/2019, 09:14
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết. Tuy nhiên, để ngành dệt may được hưởng ưu đãi từ các FTA mang lại thì phải đáp ứng nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ từ vải, sợi, trở đi.


Trong khi đó, nhà máy nguyên phụ liệu, dệt, nhuộm trong nước còn thiếu hụt, ngành dệt may chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ cũng đã tác động bất lợi đến ngành dệt may Việt Nam.

Tại diễn đàn “Đối đầu thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định thương mại tự do VN-EU” vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các doanh nghiệp (DN) trong ngành dệt sợi gần như không xuất khẩu sang Trung Quốc được, tỷ lệ xuất khẩu rất nhỏ so với mục tiêu đặt ra”.

Cụ thể, ngành sợi xuất khẩu trên 3 tỉ đô la Mỹ/năm và thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 2,4 tỉ đô la Mỹ, nhưng nay không xuất được. Nguyên nhân, Trung Quốc đang mua với giá rất thấp, nên DN không thể bán. Trong khi Việt Nam không thể xuất khẩu sợi sang Trung Quốc được thì Trung Quốc lại khuyến khích DN của họ xuất khẩu sợi ngược trở lại Việt Nam.

Các FTA mang lại nhiều cơ hội cho ngành dệt may.

Bởi, đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc không phá giá, nhưng ngược lại thuế VAT đầu vào của họ khá cao 17%, trong khi thuế VAT của Việt Nam chỉ 10%. Đây là mức chênh lệch DN Việt Nam không theo được. Chưa kể, do bị áp lực Mỹ đánh thuế 25% đối với sản phẩm dệt may Trung Quốc xuất sang Mỹ, nên thị trường Trung Quốc đòi hỏi DN Việt Nam phải giảm giá tối thiểu 15% họ mới mua. Chính vì những yêu cầu này mà ngành sợi của Việt Nam bị lao đao.

Một thách thức nữa, đó là hiện nay Việt Nam xuất khẩu 40 tỷ USD/năm, trong đó có đến 42% vào thị trường Mỹ nhưng khâu thanh toán hiện gặp nhiều áp lực. Ngoài ra, Mỹ cũng giám sát chặt chẽ hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ vì lo ngại việc chuyển tải hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam rồi xuất sang Mỹ.

Vì vậy, theo khuyến cáo của ông Vũ Đức Giang, có một số đối tác mua hàng ở Mỹ đưa ra đề nghị thanh toán 70% bằng hợp đồng chính thức, 30% còn lại yêu cầu chuyển qua tài khoản khác, mục đích là để họ đánh thuế chỉ 70% sản phẩm của đơn hàng đó. 30% chuyển qua tài khoản thì họ gộp với các nước khác để có mức thuế khác.

Với những trường hợp này, DN Việt Nam đừng bao giờ chấp nhận phương thức thanh toán này vì vô tình tiếp tay để né thuế Mỹ và DN Việt sẽ bị truy cho tới cùng, dẫn đến hậu quả rất khó lường.

 Mặc khác, với các FTA Việt Nam đã ký, các DN dệt may đặt rất nhiều kỳ vọng vì sẽ được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan. Trong đó, FTA với EU (Hiệp định EVFTA) vừa ký kết, được các DN dệt may trông đợi từ nhiều năm nay, vì đây là thị trường có giá trị gia tăng cao, sản phẩm có chất lượng, đa dạng hóa được mẫu mã, chủng loại và là thị trường truyền thống với mức tăng trưởng duy trì đều đặn hàng năm.

Bộ Công thương cũng đánh giá, ngành dệt may sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định EVFTA. Nhưng thực tế, sau khi Hiệp định được ký kết, DN dệt may Việt Nam xuất khẩu vào EU chưa thể hưởng được mức giảm thuế ngay, và theo lộ trình từ 3-7 năm, mức thuế sẽ giảm dần từ 12% về 0%. Trước mắt, DN chưa thấy hưởng lợi về thuế ưu đãi, nhưng khó khăn mà DN dệt may phải đối mặt đó là phải thực hiện nghiêm yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Theo đó, hàng dệt may khi xuất khẩu vào EU phải sử dụng vải sản xuất tại Việt Nam, việc cắt may phải được thực hiện bởi DN Việt Nam hoặc DN Châu Âu. EU chỉ cho phép sử dụng thêm vải sản xuất tại Hàn Quốc vì nước này đã có FTA song phương với EU.

Điều kiện này gây khó khăn cho DN dệt may trong việc nhận ưu đãi từ Hiệp định mang lại do DN trong nước chưa chủ động sản xuất sợi và vải. Nguồn nguyên liệu này chủ yếu nhập từ những quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có Hiệp định thương mại tự do với EU.

Tương tự, với Hiệp định CPTPP, ngành dệt may kỳ vọng nhiều nhất là thị trường Canada và Australia. Nếu như các FTA mà Việt Nam đã tham gia chỉ áp dụng nguyên tắc từ 1-2 công đoạn, thì với CPTPP áp dụng nguyên tắc ba công đoạn gồm tạo xơ, xe sợi; dệt và hoàn thiện vải; cắt may.

Các công đoạn này đều phải thực hiện ở các nước thành viên nằm trong Hiệp định CPTPP. Quy tắc xuất xứ từ vải trở đi cũng là khâu yếu nhất của ngành dệt may trong nước, khi phải nhập khẩu đến 80% vải. Trong đó, nhập gần 50% từ Trung Quốc, 18% từ Hàn Quốc, 15% từ Đài Loan. Trong khi đó, Trung Quốc không tham gia CPTPP.

Trước áp lực về quy tắc xuất xứ của EVFTA và CPTPP, để được hưởng lợi về thuế, buộc ngành dệt may trong nước phải đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu, dệt, nhuộm... để chủ động được nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đó là một số địa phương rất “dị ứng” với các ngành dệt may, đặc biệt hóa nhuộm, bởi nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nên không cấp phép để xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên liệu phục vụ cho ngành dệt may xuất khẩu.

Tuy nhiên, với lợi thế từ các FTA mà Việt Nam ký kết cùng với chính sách mở cửa của Chính phủ, hy vọng sẽ tạo lực hút cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đầu tư những công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại vào lĩnh vực đang còn thiếu hụt này của ngành dệt may.

T.Hà – N.Cẩm
.
.
.