Giải pháp để ngành dệt may tận dụng lợi thế từ CPTPP

Thứ Hai, 28/01/2019, 09:59
Theo các chuyên gia kinh tế, ngành dệt may và da giày là hai ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi thực thi CPTPP. Trong năm đầu tiên CPTPP có hiệu lực, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. 


Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, dệt may Việt Nam tận dụng lợi thế từ CPTPP như thế nào để đạt mục tiêu này?

Được tiếp cận nhiều thị trường mới

Theo TS. Trần Toàn Thắng- Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF- Bộ Kế hoạch & Đầu tư), dệt may và da giày có mức hưởng lợi cao nhất từ CPTPP. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may tăng thêm từ 8,3-10,8% nhờ sức cạnh tranh về giá lớn hơn ở các thị trường mới.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhìn nhận, dư địa tại các thị trường thành viên Hiệp định CPTPP vẫn còn nhiều khi kim ngạch mới chỉ đạt 5,3 tỉ USD. 

Năm 2019, ngành dệt may phấn đấu tăng xuất khẩu 1 tỷ USD tại hai thị trường tiềm năng là Australia và Canada, mỗi nước khoảng 500 triệu USD. Đây là 2 thị trường rất phát triển, quy mô sử dụng hàng dệt may khá lớn với khoảng 10 tỷ USD mỗi năm, trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam sang các thị trường này còn nhỏ, khoảng 500 triệu USD. Vì vậy, CPTPP tạo ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào 2 thị trường này và góp vào mục tiêu tăng trưởng trên 10% của ngành.

CPTPP sẽ giúp mở rộng thị phần xuất khẩu dệt may sang các thị trường đầy tiềm năng.

Bà Bùi Kim Thùy, nguyên thành viên đoàn đàm phán CPTPP của Việt Nam, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam khẳng định: “CPTPP là Hiệp định duy nhất Việt Nam tham gia có chương dệt may đứng riêng mà không chung với bất cứ chương nào khác và chưa bao giờ ngành này được ưu ái như vậy. CPTPP tác động tới ngành dệt may rất nhiều. Đã có những đánh giá dựa vào nguồn số liệu chính xác nhưng hiện nay những tác động này chưa được công bố. Do đó, dệt may được dự báo sẽ là ngành chịu tác động lớn nhất vì những quy định về xuất xứ hàng hóa trong CPTPP, trong đó có cả những rủi ro cũng như cơ hội”.

Báo cáo mới nhất của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, việc gia nhập CPTPP sẽ giúp mở rộng thị phần xuất khẩu dệt may sang các thị trường đầy tiềm năng như Canada, Mexico, New Zealand và Australia. Một số doanh nghiệp (DN) đã lấp đầy được đơn hàng. Các DN sản xuất sợi và DN dệt may sở hữu chuỗi cung ứng khép kín như Sợi Thế Kỷ, Dệt may Thành Công, Tập đoàn Phong Phú sẽ hưởng lợi trực tiếp nhờ đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ các hiệp định thương mại.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” ở khâu dệt nhuộm, sản xuất vải

Dù có lợi thế như trên nhưng VDSC đưa ra cảnh báo điểm “nghẽn” của ngành dệt may nằm ở khâu dệt nhuộm. Nếu không đầu tư đúng mức để phát triển chuỗi cung ứng hoàn chỉnh thì Việt Nam vẫn chưa có đủ nguồn lực để tận dụng tốt cơ hội này. Lợi nhuận từ đó sẽ giảm sút dưới áp lực cạnh tranh.

Theo Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22-1-2019 quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP, “De Minimis trong CPTPP quy định tỷ lệ “linh hoạt” cho phép nguyên liệu không có xuất xứ không đáp ứng quy tắc “Chuyển đổi mã số hàng hóa” ở mức tối đa 10% so với trị giá của hàng hóa. 

Riêng đối với hàng dệt may, tỷ lệ “linh hoạt” này ở mức tối đa 10% trọng lượng của hàng hóa hoặc 10% trọng lượng của loại sợi hoặc vải quyết định phân loại mã số hàng hóa”, Thông tư nêu rõ.

Bà Bùi Kim Thùy cho biết, với CPTPP, các doanh nghiệp cần có ý thức tìm hiểu cụ thể và tuân thủ chặt chẽ các quy tắc xuất xứ để có thể xuất khẩu hàng hóa. 

Theo đó, quy tắc xuất xứ sẽ xác định hàng hóa nhập khẩu đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan hay không đồng thời đảm bảo sự cân bằng giữa “thuận lợi hóa thương mại” và “phòng tránh gian lận thương mại”.

Ông Nguyễn Quốc Lập, Giám đốc Công ty TNHH May Kuyng Việt cho biết, điểm yếu nhất của ngành dệt may Việt Nam hiện nay là dệt, vải. Trên thực tế là chưa có gì. Để được hưởng ưu đãi phải sử dụng nguyên liệu trong khối CPTPP trong khi đó Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, mà Trung Quốc lại không nằm trong khối CPTPP. 

Do đó, CPTPP sẽ đặt ra áp lực cho các DN đầu tư vào sản xuất nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là sợi và vải. Hiện, Việt Nam đã tham ra rất nhiều FTA, nên để hưởng lợi từ FTA nào thì các DN cần phải tìm hiểu thông tin cụ thể, và có sự cân đối giữa các thị trường. 

Trên thực tế, nhiều DN may đang thực hiện gia công cho nước ngoài, Kyung Việt cũng vậy. Hiện, công ty xuất hàng chủ yếu sang Mỹ và châu Âu nên tác động cũng không nhiều.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, dệt may hiện là ngành công nghiệp đứng đầu cả nước về thu dụng lao động với khoảng 2,7 triệu người, đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu sau điện thoại và linh kiện - năm 2018 đạt 36,1 tỷ USD, chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu cả nước. 

Trong gần 30 năm nay, dệt may Việt Nam đã phát triển từ con số 0. Năm 1990 mới xuất khẩu 52 triệu USD. Đến năm 2002 khi ký hiệp định song phương với Mỹ, đã xuất khẩu khoảng 2,75 tỷ USD, đến 2013 đã tăng lên 21 tỷ USD, và 2018 là 36,1 tỷ USD. 

Ông Trương Văn Cẩm cho rằng, muốn giải quyết điểm nghẽn, các DN mạnh phải liên kết với nhau, cần xây dựng chuỗi liên kết DN, nhất là trong nước và đầu tư nước ngoài. 

Liên quan đến vấn đề lao động, các DN cần đẩy mạnh vấn đề đào tạo. Đặc biệt, các DN phải hiểu về CPTTP, nắm kỹ thông tin về ngành dệt may, từ đó, biết chúng ta là ai, có thế mạnh gì và thị trường trong CPTTP có đặc điểm gì để đánh đúng thị trường. 

Bên cạnh đó, cần có sự chung tay của nhà nước, địa phương. Nhà nước cần có chính sách phát triển trong 10-15 năm tới để tận dụng hiệp định này. Hiện, một số địa phương quay lại với dệt may, đặc biệt là dệt nhuộm nhưng nhiều dự án của các nhà đầu tư danh tiếng, có đầy đủ yêu cầu thì lại không được cấp phép. 

Vì vậy, Chính phủ cần quy hoạch các khu công nghiệp, xử lý nước thải để tạo điều kiện cho các DN. Các địa phương liền kề cần phối hợp để địa điểm các khu công nghiệp thu hút nhiều lao động không cùng đặt tại các vùng giáp ranh.

Lưu Hiệp
.
.
.