Ngành Dệt may Việt Nam: Tận dụng cơ hội, đổi mới công nghệ để cạnh tranh

Chủ Nhật, 14/04/2019, 01:23
Xuất khẩu dệt may trong năm 2018 đạt hơn 36 tỷ USD, đứng vị trí tốp 3 thế giới. Ngay những ngày đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng đã “chốt” được đơn hàng cho 6 tháng hoặc gần cả năm 2019 và cùng với đó là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực... là những điều kiện thuận lợi cho ngành dệt may xuất khẩu.

Dự kiến, năm 2019 xuất khẩu dệt may sẽ bứt phá, đạt mốc 40 tỷ USD... Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành dệt may Việt Nam đang hấp dẫn khách hàng chủ yếu là chất lượng, dịch vụ, giá cả và cùng với đó là các hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký.

Tuy nhiên, đó mới chỉ nhìn một mặt của vấn đề. Theo nhận định của ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2018 đạt hơn 36 tỷ USD, con số rất ấn tượng, nhưng thị trường dệt may thế giới ngày càng thách thức hơn khi tình hình căng thẳng thương mại gia tăng, khiến ảnh hưởng tới giá dịch vụ, cũng như nhu cầu của khách hàng.

Ngành dệt may phụ thuộc phần lớn nguyên liệu nhập khẩu nên chưa tận dụng hết ưu đãi từ CPTPP.

Bên cạnh đó, các nước xuất khẩu mạnh cũng coi Việt Nam là đối thủ cần kiềm chế. Vì vậy, để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của DN trong năm 2019 và tương lai gần, thì ngành dệt may cần phải đổi mới để cạnh tranh.

Đại diện của Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, dù khá thuận lợi với đơn hàng cũng như thị trường xuất khẩu, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khá lớn với các nước trong khu vực về giá nhân công. Lý do, chi phí nhân công tiếp tục có xu hướng tăng và các chi phí đầu vào khác cũng tăng, trong khi đơn giá sản phẩm vẫn ở mức thấp.

Ông Phan Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, chi phí sản xuất trong nước ở mức cao, nên khó cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Đây chính là nguyên nhân tại sao đơn hàng về không nhiều như kỳ vọng của DN. Theo thống kê, hiện chi phí sản xuất của ngành dệt may Việt Nam hơn khoảng 30% so với các nước như Campuchia, Banglades, Indonesia, Malaysia,… Đơn hàng số lượng lớn hoặc dễ làm đang có xu hướng chuyển sang các nước khác, thay vì vào Việt Nam.

Hiện cả nước có khoảng 6.000 DN dệt may, nhưng số lượng các DN gia công chiếm tới 85%, và DN vải, nhuộm, chỉ chiếm 13%. Điều đó cho thấy, trong thời gian qua ngành dệt may Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, đạt kim ngạch lớn, nhưng giá trị không cao và nhanh chóng bộc lộ những điểm yếu khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do.

Điển hình, Hiệp định CPTPP và EVFTA. Hai Hiệp định này đặt ra yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ, trong đó Hiệp định CPTPP quy định xuất xứ từ sợi và EVFTA quy định xuất xứ từ vải phải nhập từ các quốc gia thuộc CPTPP mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, ông Vương Đức Anh, trợ lý Tổng giám đốc Vinatex cho rằng, nguồn vải dệt may Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu, phần lớn là nhập khẩu từ các nước không thuộc CPTPP. Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) khẳng định: “Đó là điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam. Nếu không đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ thì DN cũng không thể tận dụng được tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do mang lại”.

Khi gia nhập CPTPP, DN dệt may Việt Nam có cơ hội thâm nhập vào thị trường dệt may 83 tỷ USD. Hiện, hàng dệt may của Việt Nam xuất sang các nước thành viên CPTPP đạt 5,3 tỷ USD (chiếm 6,3%). Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản khoảng 4 tỷ USD (chiếm 10% thị trường Nhật Bản); Xuất khẩu sang Canada 5% trong khi nhu cầu của thị trường này 13-14 tỷ USD.

Xuất sang Australia và Mexico chỉ mới hơn 2%, trong khi nhu cầu của Australia 9 tỷ USD và Mexico 10 tỷ USD. Vì vậy, đây là thị trường rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù cánh cửa đã rộng mở, nhưng các DN dệt may Việt Nam vẫn chưa được hưởng nhiều ưu đãi từ thị trường này. Bởi, nguồn vải để sản xuất DN Việt nhập khẩu chủ yếu từ các nước ngoài CPTPP. Nhu cầu nhập khẩu vải sợi của Việt Nam khoảng 18 tỷ USD trong khi nguồn cung từ các nước CPTPP cũng chỉ khoảng 1,3 tỷ USD.

Ông Lê Tiến Trường cho rằng, để nâng cao cạnh tranh các DN dệt may không còn cách nào khác là phải sở hữu “bộ công cụ cạnh tranh” mới, bao gồm: tập trung đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, xanh hóa sản xuất, nâng cao năng suất yếu tố tổng hợp thông qua nhiều giải pháp, trong đó có năng suất lao động cá nhân bằng tự động hóa.

Ngoài ra, việc quan tâm công nghệ mới, liên kết các DN với nhau qua hệ thống sử dụng chung thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn cũng là những yếu tố bắt buộc trong lộ trình cạnh tranh những năm tới.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam: “Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2019 của Việt Nam dự kiến là 40 tỷ USD và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới, nếu các DN tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định thương mại đã được ký kết và nỗ lực đầu tư đổi mới công nghệ”.


T.Hà – T.Giang
.
.
.