Ngành chế biến nông sản, thực phẩm hấp dẫn nhà đầu tư

Thứ Ba, 05/12/2017, 07:45
Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, những năm gần đây, kim ngạch XK Việt Nam ngày càng tăng và đặc biệt, kim ngạch nông lâm thủy sản tăng mạnh. Dự kiến, năm 2017, tổng kim ngạch XK khả năng đạt 35-36 tỷ USD - tăng gấp 2,5 - 3 lần so với cách đây 5-10 năm, chứng tỏ tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh...


Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam thời gian qua có mức tăng trưởng vượt bậc, với mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình đạt 6,94%/năm đối thực phẩm chế biến.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường thực phẩm Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, thể hiện ở nhiều khía cạnh như vùng nguyên liệu chất lượng cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn, xu hướng gia tăng các sản phẩm chế biến, sự hỗ trợ của thủ tục pháp lý, chi phí sản xuất tại Việt Nam cạnh tranh hơn nhiều nước châu Á khác...

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam khoảng 15%/năm GDP cả nước và 5 năm gần đây, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến tăng trung bình 9,68%/năm, tiêu thụ đồ uống tăng trung bình 6,66%/năm.

Theo báo cáo của Tổ chức nghiên cứu Bussiness Monitor International, dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến thực phẩm tăng trưởng cao, duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm là 10,9% cho giai đoạn 2017-2019, thu nhập cải thiện và xu hướng tiêu dùng đối với các sản phẩm...

Tổ chức này còn dự báo tăng trưởng của ngành sữa khoảng 10%, bánh kẹo khoảng 10% và đồ uống có cồn 11,1%, nhóm hàng tiêu dùng sẽ tập trung vào nhóm thực phẩm và thực phẩm thiết yếu. Còn tại thị trường xuất khẩu (XK), Việt Nam luôn là nước XK gạo, cà phê, hạt điều thuộc những quốc gia lớn nhất thế giới. Các mặt hàng nông sản Việt XK sang hơn 100 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới và điều đáng phấn khởi là có rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Nhiều loại nông sản Việt đã đáp ứng được các yêu cầu này.

“Như cà phê Việt Nam, hiện Starbucks đang sử dụng cà phê Arabica xuất xứ Đà Lạt - Việt Nam và đặc biệt là Starbucks có hơn 21.500 cửa hàng tại 56 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong khi đó, chỉ có 3% cà phê trên thế giới đáp ứng được tiêu chuẩn của Starbucks. Điều đó chứng tỏ nguồn nguyên liệu thực phẩm của Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng của các hãng uy tín trên thế giới”, ông Đỗ Thắng Hải dẫn chứng.

Nông sản Việt ngày càng được tiêu thụ mạnh trên thị trường.

Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, những năm gần đây, kim ngạch XK Việt Nam ngày càng tăng và đặc biệt, kim ngạch nông lâm thủy sản tăng mạnh. Dự kiến, năm 2017, tổng kim ngạch XK khả năng đạt 35-36 tỷ USD - tăng gấp 2,5 - 3 lần so với cách đây 5-10 năm, chứng tỏ tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh. Để đạt tăng trưởng XK rất mạnh này – theo ông Đô, tiềm năng trong nước rất lớn.

Chẳng hạn như gạo, Việt Nam có 38 triệu ha đất canh tác và diện tích gieo trồng một năm khoảng 7,6 đến 7,9 triệu ha, thu hoạch một năm khoảng 45 triệu tấn thóc, trong đó tiêu dùng trong nước 29-30 triệu tấn, còn 15-16 triệu tấn XK. Trước đây, Việt Nam sản xuất các loại gạo trung bình thì từ năm 2015 trở đi ta nâng dần sản lượng gạo chất lượng cao. Hay mặt hàng rau quả, sản lượng rau của cả nước đạt khoảng 15 triệu tấn và hoa quả đạt sản lượng 7 triệu tấn.

“Nếu như trước 2010 Việt Nam XK chỉ có 300 triệu USD, nhưng đã tăng đột biến từ năm 2016 với kim ngạch XK 2,5 tỷ USD. Trong 9 tháng 2017 XK đạt 2,6 tỷ USD, dự kiến cả năm 2017 XK xấp xỉ 3 tỷ USD. Điều đó chứng tỏ tiềm năng về nông sản của Việt Nam rất lớn. Về chính sách đầu tư cho DN nước ngoài (FDI) và DN trong nước cũng rất cởi mở. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng cho rằng ít chính sách nào cởi mở như chính sách Việt Nam. Do các chính sách cởi mở như vậy nên XK tăng 10-20% hàng năm”, ông Võ Thành Đô cho biết.

Mặc dù kim ngạch XK cao nhưng thực tế giá trị gia tăng vẫn còn thấp. Ông Nguyễn Phi Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) khẳng định: “Tất cả các nền kinh tế khi tham gia thị trường thì bắt đầu sản phẩm có sẵn nên có giá trị thấp. Với giá trị XK tăng mạnh như năm qua thì dự báo nông sản sẽ không tăng thấp.

Trên thực tế, cơ cấu XK của ta trong những năm gần đây đã thay đổi rất mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều sản phẩm XK có giá trị gia tăng cao. Được biết, nhiều DN Việt Nam và nhiều DN FDI đã XK sản phẩm chế biến chuyên sâu, có thương hiệu tới nước ngoài”.

Là DN hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm, ông Vũ Cường, thành viên HĐQT Pan Group, Chủ tịch HĐQT Lafooco khẳng định: “Việt Nam có diện tích lớn về nông nghiệp như hàng chục triệu hécta trồng lúa, 600 ngàn hécta trồng cà phê, 300 ngàn hécta trồng điều... chúng tôi luôn trăn trở là làm sao có được nguồn nguyên liệu tốt và ổn định. Bởi vì không có nguồn nguyên liệu tốt và ổn định thì việc chế biến rất khó để đảm bảo chất lượng”.

Theo ông Cường, Tập đoàn Pan có hai mảng kinh doanh chính gồm Farm và Food, với nhóm các công ty con Vinaseed, Pan - Saladbowl và Bibica, Lafooco, thủy sản 584 Nha Trang, Aquatex Bến Tre. Với Lafooco, doanh số hàng năm vào khoảng 1.200 tỷ đồng.

Từ năm 2013, Lafooco chuyển hướng từ chế biến nguyên liệu thô sang đa dạng hình thức như sản phẩm thô, chế biến hạt nhân xuất đi châu Âu, châu Mỹ và làm sản phẩm giá trị gia tăng”. Đi đầu trong việc sử dụng công nghệ, coi trọng chất lượng sản phẩm và xây dựng các giá trị thương hiệu, Pan Group đã nhận được sự quan tâm và đầu tư của khá nhiều quỹ ngoại.

Thúy Hà
.
.
.