Nhiều ngành sản xuất, chế biến nông sản gặp khó đầu năm

Thứ Sáu, 18/02/2011, 10:40
Tại hội thảo "Phát triển sản xuất cây mía và cây điều" vừa mới tổ chức tại TP HCM, các nhà khoa học cho rằng, do thiếu nguồn nguyên liệu nên giá đường trong những năm gần đây tăng đột biến. Trong đó, một lý do khiến chi phí sản xuất đường của các nhà máy tăng lên chính là do vấn đề quy hoạch vùng trồng mía chưa được quan tâm đúng mức, công nghệ sản xuất đường tại các nhà máy hầu hết còn lạc hậu …

Mặc dù giá trị xuất khẩu nhân điều năm 2010 đạt trên 1 tỉ USD, với sản lượng đạt 198.000 tấn (tăng 11,8% về lượng và 34% về trị giá so năm 2009), đứng đầu các quốc gia xuất khẩu điều. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thái Học - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), để đạt được kết quả trên, ngành điều đã đối mặt với không ít khó khăn.

Khó khăn đó là thiếu nguyên liệu đầu vào cho chế biến xuất khẩu (khoảng 54,3%), thiếu lao động khâu chế biến điều, sản phẩm chưa đa dạng, thị trường trong nước yếu, chi phí chế biến tăng (10% - khoảng 1.100 USD/tấn điều nhân), lãi suất ngân hàng ngày càng tăng (hơn 18%/năm), tình trạng thiếu điện, cắt điện, diễn ra nhiều đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa và thường cắt điện vào ngày thường dẫn đến việc tăng chi phí, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, giao hàng cho khách.

Điều xuất khẩu của Việt Nam luôn đứng ở vị trí cao trên thị trường thế giới. Ảnh: K.H..

Cũng với mục tiêu để ngành điều giữ ở vị trí số 1 về xuất khẩu điều của thế giới với kim ngạch đạt 1,4 -1,5 USD trong năm 2011 (tăng trưởng khoảng 32% so năm 2010), ông Nguyễn Thái Học cũng cho rằng, năm nay Việt Nam cần nhập khẩu 450.000 tấn điều thô nguyên liệu bằng 120% sản lượng điều trong nước trồng được (năm 2010, lượng điều thô nhập khẩu hơn 404.000 tấn, chiếm hơn 54,3% tổng lượng điều thô đưa vào chế biến). Theo Vinacas, đây là mục tiêu rất khó khăn, để thực hiện được, ngành điều rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành… và sự hỗ trợ của ngân hàng, sự đồng tình ủng hộ của các doanh nghiệp, thành viên Hiệp hội. 

Cũng tại hội thảo "Phát triển sản xuất cây mía và cây điều" vừa mới tổ chức tại TP HCM, các nhà khoa học cho rằng, do thiếu nguồn nguyên liệu nên giá đường trong những năm gần đây tăng đột biến. Trong đó, một lý do khiến chi phí sản xuất đường của các nhà máy tăng lên chính là do vấn đề quy hoạch vùng trồng mía chưa được quan tâm đúng mức, công nghệ sản xuất đường tại các nhà máy hầu hết còn lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm, thiếu nước tưới vào mùa khô…

Được biết, từ năm 2007 Chính phủ đã phê duyệt quyết định về quy hoạch phát triển mía đường. Theo đó, năm 2010 diện tích mía là 300.000 ha, năng suất mía bình quân 65 tấn/ha, sản lượng mía 19,5 triệu tấn và sản lượng đường là 1,5 triệu tấn. Tuy nhiên, theo T.S Hồ Cao Việt, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam thì: Mía nguyên liệu hiện chỉ cung cấp được khoảng 61% nhu cầu của các nhà máy, nhập khẩu hàng năm 300.000 - 400.000 tấn đường, trong khi diện tích trồng mía trong nước liên lục giảm qua các năm. Tính đến cuối năm 2010, diện tích mía cả nước chỉ đạt 266,3 ha, sản lượng mía chỉ đạt 15,947 triệu tấn, sản lượng đường ước đạt gần 1 triệu tấn.

T.S Cao Anh Đương - Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho rằng, thời gian tới chỉ có cách duy nhất là phải mở rộng diện tích trồng mía đạt khoảng trên 300.000ha, với năng suất mía bình quân như hiện nay là 60 tấn/ha thì chúng ta sẽ đáp ứng gần 95% nhu cầu nguyên liệu chế biến cho 40 nhà máy đường trên toàn quốc, sản xuất gần đủ nhu cầu tiêu thụ đường trong nước.

Cũng để giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn hàng, đại diện các nhà máy sản xuất đường kiến nghị Chính phủ cần quy hoạch vùng nguyên liệu mía hợp lý, có chính sách hỗ trợ người trồng mía… Các doanh nghiệp cho rằng, cần chấm dứt tình trạng một số doanh nghiệp trong cùng một Hiệp hội cố tình tranh mua tranh bán gây lộn xộn ở các vùng nguyên liệu như thời gian qua. Đặc biệt, Hiệp hội cần có tổ tư vấn quốc tế để giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc nắm bắt tình hình thị trường thế giới

K.Ngân
.
.
.