Ngành chăn nuôi còn tự phát chạy theo phong trào
- Cơ sở chăn nuôi quy mô 1.000 con heo xả thải ra môi trường
- Ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt và chăn nuôi lợn tại Hương Khê, Hà Tĩnh
- Giá thịt lợn vẫn tăng hàng ngày giữa “thủ phủ” chăn nuôi
Một số mục tiêu cụ thể: Mức tăng trưởng giá trị sản xuất: Giai đoạn 2021-2025 trung bình từ 4 đến 5%/năm; giai đoạn 2026-2030 trung bình từ 3 đến 4%/năm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tốc độ phát triển ngành chăn nuôi rất nhanh nhưng mất cân đối, thịt lợn chiếm tới 70% cơ cấu rổ thực phẩm. Trước đây là hợp lý nhưng bây giờ không hợp lý nữa.
Tại Hội nghị Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040, tổ chức tại Hà Nội sáng 15/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong giai đoạn 2008 – 2018, sản lượng thịt các loại tăng 1,5 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn); trứng tăng 2,3 lần, đạt 11,6 tỉ quả; sữa tươi tăng 3,6 lần lên 936,7 nghìn tấn; thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng 2,4 lần. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6-6,5 triệu hộ trong số 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn.
Chăn nuôi nước ta còn nhiều dư địa nhưng năng lực cạnh tranh thấp. |
Bên cạnh đó, trong 10 năm qua, chúng ta cũng đã hoàn thành khung pháp luật cho ngành chăn nuôi, cụ thể là đã ban hành Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, là cơ sở pháp lý vận hành ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn còn một số tồn tại. Trong đó vấn đề lưu ý nhất là 100 triệu tấn phế thải từ chăn nuôi, phải ra tiền chứ sao lại để ô nhiễm? Hướng đến mục tiêu xuất khẩu thì trước hết phải tự sửa làm thật tốt vấn đề này.
Thời gian vừa qua, tốc độ phát triển ngành chăn nuôi rất nhanh nhưng mất cân đối, thịt lợn chiếm tới 70% cơ cấu rổ thực phẩm. Trước đây là hợp lý nhưng bây giờ không hợp lý nữa, vì mức thu nhập bình quân người dân từ chỗ chỉ 400 USD/người/năm thì bây giờ tăng lên 3.000 USD/năm, đòi hỏi thực phẩm phải khác trước, tính toán lại.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, việc chăn nuôi phải đảm bảo ba khâu quan trọng nhất, đó là sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhưng bây giờ mới làm được khâu sản xuất, còn chế biến thì vẫn lõm bõm. Vẫn chủ yếu là lò giết mổ thủ công, tiêu thụ ở chợ truyền thống, các nhà máy hiện đại chế biến rất ít, kể cả chuỗi gà.
“Mục tiêu đưa chăn nuôi là ngành chính, nhưng xuất khẩu còn rất khiêm tốn. Soi kính hiển vi mới nhìn thấy một ít lợn sữa, trứng muối, thịt gà..., dù nước ta là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu. Trước những hạn chế đó, Bộ NN&PTNT đã báo cáo xây dựng một chiến lược chăn nuôi mới có tầm nhìn xa hơn” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, bên cạnh những chuyển biến, đóng góp quan trọng cho đất nước trong giai đoạn qua, ngành chăn nuôi vẫn còn tồn tại nhiều bất cập... Tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, theo quy mô hộ gia đình vẫn còn cao. Bên cạnh nhiều mặt tốt, điều này cũng khiến khâu kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, chất lượng, năng suất, hiệu quả chăn nuôi thấp… Khâu quản lý dịch bệnh, quản lý môi trường trong chăn nuôi vẫn còn nhiều tồn tại nhức nhối. Nơi nào chăn nuôi phát triển thì thường đi kèm với việc nơi ấy ô nhiễm.
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi nước ta nhìn chung còn yếu, trong bối cảnh cạnh tranh về giá cả, chất lượng sản phẩm chăn nuôi ngày càng cao trên thị trường quốc tế. Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch của ngành chăn nuôi mặc dù đã có, nhưng khâu thực hiện vẫn còn chưa triệt để, khiến ngành chăn nuôi vẫn còn tự phát, chạy theo phong trào. Điều này khiến cung - cầu về sản phẩm chăn nuôi thiếu ổn định, lúc thừa, lúc thiếu.
Điển hình cho tình trạng này đó là mặt hàng thịt lợn những năm gần đây liên tục biến động, có lúc dư thừa, Chính phủ phải kêu gọi “giải cứu” thịt lợn năm 2017, nhưng có lúc lại thiệt hại vì dịch bệnh, khan hiếm thịt lợn khiến giá thịt lợn quá cao suốt từ cuối năm 2019 đến nay, khiến Chính phủ phải kêu gọi giảm giá thịt lợn, mà nguyên nhân chính vẫn là mất cân đối về cung cầu, cung cầu bị lệch pha…
Theo Phó Thủ tướng, cơ hội của ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn còn lớn và có triển vọng lớn hướng tới xuất khẩu. Đây là nền móng quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển trong giai đoạn tới. Vì vậy, việc Bộ NN&PTNT xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 là yêu cầu cấp thiết để ngành chăn nuôi có định hướng, cơ sở phát triển. “Trên cơ sở các ý kiến của các bộ ngành, địa phương, các đại biểu tại hội nghị, đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.