Ngăn chặn thực phẩm “bẩn” đổ bộ về Thủ đô
- Chặn thực phẩm “bẩn” từ biên giới
- Nhiều kho tập kết thực phẩm "bẩn" hay bán tại cổng trường học
- Nỗ lực ngăn chặn thực phẩm “bẩn”
Đây thực sự là một cảnh báo đối với người tiêu dùng, cần cẩn trọng trong việc mua hàng hoá, thực phẩm tiêu dùng trong dịp Tết.
Phát hiện thực phẩm “bẩn” số lượng lớn
Chiều 30-12, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) kiểm tra kho lạnh An Việt thuộc khu công nghiệp Quang Minh, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh (Hà Nội) và phát hiện 25 tấn đùi gà hun khói xuất xứ Hàn Quốc, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Đặc biệt, trong đó có 12 tấn đã hết hạn sử dụng từ ngày 9-3-2019, đang được chủ cơ sở gia hạn thêm thời gian sử dụng đến ngày 1-3-2020 để trong các thùng carton chảy nước, có mùi hôi thối.
Theo khai nhận của chủ hàng, toàn bộ sản phẩm trong kho đều không có giấy tờ nhập khẩu chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp; các giấy tờ được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm lưu thông trên thị trường.
Khi thấy sản phẩm sắp hết hạn sử dụng, chủ cơ sở đã tự ý thay đổi bằng cách gia hạn thêm thời gian sử dụng. Toàn bộ lô hàng có giá trị khoảng 5 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã tiến hành tịch thu toàn bộ sản phẩm, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan làm rõ địa chỉ mà cơ sở phân phối để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày 30-12-2019, Đội QLTT số 11 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội kiểm tra 2 xe container chở hàng thực phẩm đông lạnh nhập lậu tại khu vực sân siêu thị MM Mega Market, đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều thùng xốp chứa hàng tấn lưỡi vịt, trứng non và nầm lợn đông lạnh có tem nhãn Trung Quốc, không có hóa đơn chứng từ.
Trước đó, ngày 29-12, Đội QLTT số 15 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Công an quận Hoàng Mai cũng phát hiện và thu giữ hơn 1 tấn hàng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, trong đó, chủ yếu là bánh kẹo và thịt cấp đông tại một điểm tập kết trên phố Linh Đường, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. Số hàng hóa này được thu gom từ các tỉnh biên giới về tập kết tại Hà Nội để phân phối bán lẻ ra các cơ sở kinh doanh, hàng ăn.
Bên cạnh đó, tại các địa phương khác trong cả nước như Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Tĩnh…, lực lượng chức năng cũng liên tục chặn đứng nhiều vụ vận chuyển hàng thực phẩm lậu, không có nguồn gốc.
Cụ thể, trong sáng 31-12-2019, tại quốc lộ 1A (Bắc Giang - Hà Nội) thuộc địa phận phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động Phòng chống dịch động vật tỉnh Bắc Giang phối hợp với Đội QLTT số 3 - Cục QLTT tỉnh Bắc Giang và Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra xe ôtô BKS 12C - 041.59 do ông Đào Văn Đỉnh là lái xe điều khiển phương tiện kiêm chủ sở hữu số hàng hóa trên xe; địa chỉ tại xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe có vận chuyển 450 kg sản phẩm động vật (chân giò, nầm lợn, xương lợn, lòng lợn) không rõ nguồn gốc xuất xứ và ông Đào Văn Đỉnh không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến số hàng hóa đó.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đào Văn Đỉnh về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với số tiền 8.000.000 đồng; đồng thời, buộc tiêu hủy 450 kg sản phẩm động vật nêu trên có trị giá 18.900.000 đồng.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm
Nhằm đảm bảo toàn bộ số thực phẩm vi phạm trên không đến tay người tiêu dùng, các sản phẩm vi phạm đều được các cơ quan chức năng tiêu hủy toàn bộ.
Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, từ giờ đến Tết Nguyên đán, lực lượng QLTT Hà Nội tiếp tục tập trung thanh tra, kiểm tra những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như bánh kẹo, mứt, bia, rượu, nước giải khát…, nhất là các loại thực phẩm thịt cá, trứng, sữa, các loại trái cây và các dịch vụ ăn uống, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi lưu thông hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc; các tổ chức, cá nhân cố tình, lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết để tạo khan hiếm giả tạo, đầu cơ găm hàng, tăng giá…