Mở tín dụng ngoại tệ, tỷ giá “dậy sóng”?
- Mở tín dụng ngoại tệ, điều chỉnh lãi suất USD để “cứu” doanh nghiệp
- Tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng cao
Trước khi “van” tín dụng ngoại tệ được mở 2 ngày, thị trường ngân hàng đã chứng kiến cơn sóng tỷ giá dâng mạnh.
Cụ thể, ngày đầu tuần, 30-5, tỷ giá đã vọt lên mức cao nhất tính từ đầu năm, niêm yết ở mức 22.390-22.460 đồng/USD. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, USD đã tăng giá 100 đồng/USD và đứng ở mức cao nhất tính từ nửa cuối tháng 1-2016. Ngày cuối cùng của tháng 5, tỷ giá tiếp tục được neo ở mức cao, khi NHNN nâng tỷ giá trung tâm lên thêm 12 đồng.
Diễn biến tăng tiếp tục được ghi nhận, sau 1 ngày hạ nhiệt, sáng 2-6, các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tăng mạnh giá mua – bán USD thêm 20-60 đồng. Hiện giá bán cao nhất đang thuộc về Techcombank, ở mức 22.500 đồng/USD.
Cụ thể, Vietcombank niêm yết ở mức 22.400/22.470 đồng/USD (mua vào-bán ra). Tương tự, VietinBank nâng giá mua bán lên 22.410/22.490 đồng/USD. Trong khi đó, BIDVcũng tăng mạnh ở cả 2 chiều mua vào – bán ra, hiện đang ở mức 22.420/22.490 đồng/USD, còn Agribank tăng giá mua lên 22.405 đồng/USD, giá bán ở mức 22.480 đồng/USD…
Như vậy, giá mua vào thấp nhất trên thị trường ngày 2-6 là 22.380 đồng/USD, giá mua cao nhất là 22.420 đồng/USD. Trong khi giá bán ra thấp nhất trên thị trường là 22.470 đồng/USD, giá bán cao nhất là 22.500 đồng/USD. Diễn biến tăng này được các nhà băng niêm yết, bất chấp tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm 7 đồng xuống mức 21.939 đồng/USD.
Đã đến lúc xem xét điều chỉnh lãi suất huy động USD. |
Nhận định về những cơn sóng trên thị trường ngoại hối, các chuyên gia cho rằng sở dĩ tỷ giá trong nước tăng vọt là do những diễn biến mới trên thị trường ngoại hối quốc tế. Hai yếu tố tác động lớn nhất đến tỷ giá trong nước là Trung Quốc phá giá CNY và khả năng Fed tăng lãi suất USD đang diễn ra. Cụ thể, ngày 30-5, Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng CNY thêm 0,45%, đưa đồng CNY xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Trước đó vài ngày, Chủ tịch Fed khẳng định: “Việc nâng lãi suất trong những tháng tới sẽ là một động thái hợp lý”.
Và cho đến thời điểm này, mặc cho đồng USD vẫn tiếp tục suy yếu so với Euro và Yên Nhật trong sáng 2-6-2016 – giờ Việt Nam-bất chấp những dữ liệu tích cực của kinh tế Mỹ, hiện 1 USD đổi được 0,8925 EUR; 109,0100 JPY; 0,6934 GBP; 0,9972 CHF…, thì khả năng tăng lãi suất của Fed đã được giới phân tích cho rằng sẽ được thực hiện trong nửa đầu tháng 6. Chi tiêu tiêu dùng Mỹ đã ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn 6 năm qua trong tháng tư, khi các hộ gia đình đẩy mạnh mua xe ôtô, cho thấy khả năng tăng tốc trong tăng trưởng kinh tế có thể thuyết phục Fed sớm tăng lãi suất.
Fed tăng lãi suất, tất nhiên tỷ giá trong nước sẽ biến động theo. Song, điều khiến nhiều chuyên gia lo ngại là ngay cả nếu Fed lựa chọn kịch bản ngược lại, tức là chưa tăng lãi suất, thì USD sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. Lý giải về nhận định này, các chuyên gia đến từ BIDV cho rằng ngoài tác động từ Fed, từ đầu năm đến nay, việc NHNN liên tục mua vào để tăng dự trữ ngoại hối (NHNN đã mua vào khoảng 7 tỷ USD từ đầu năm đến nay) cũng góp phần khiến tỷ giá đi lên.
“Những thông tin bất lợi dồn dập kéo đến là nguyên nhân khiến tỷ giá trong nước vọt tăng phiên đầu tuần. Chưa kể, việc NHNN gia hạn cho vay ngoại tệ cũng khiến tỷ giá nhạy cảm hơn. Bởi khi tín dụng ngoại tệ tăng, nguồn cung ngoại tệ sẽ căng thẳng hơn, đẩy tỷ giá đi lên”, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Ngay trong dự báo dài hạn của mình, các chuyên gia đến từ Công ty chứng khoán Bảo Việt cho rằng (BVSC) đánh giá diễn biến tỷ giá trong năm nay vẫn rất khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xu hướng khó dự báo của các đồng tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY và đặc biệt là CNY sẽ là những yếu tố khách quan gây trở ngại không nhỏ cho các quyết định điều hành của NHNN.
Bởi vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thời gian tới, tỷ giá cần điều chỉnh linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, NHNN có thể xem xét điều chỉnh một số chính sách như lãi suất huy động USD, dự trữ bắt buộc, trạng thái ngoại hối… Đặc biệt với lãi suất USD, theo lộ trình chống đô la hóa từ trước đến nay, lãi suất huy động USD được kéo giảm từ 6% năm, xuống dần đến 2%, rồi 1%, sang năm 2015 chỉ còn 0,25% năm, và từ cuối năm 2015, lãi suất huy động USD đã chính thức về 0%.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chống đô la hóa là rất cần thiết, song ở thời điểm hiện nay, cần xem xét điều chỉnh chính sách lãi suất USD để giúp khơi thông một nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế.
Hiện nay, Chính phủ, doanh nghiệp và cả các ngân hàng vẫn phải vay nước ngoài hàng tỷ USD với lãi suất cao, trong khi trả lãi suất 0%/năm để huy động USD trong nước là thiệt thòi cho người gửi tiền, đồng thời sẽ làm chảy máu ngoại tệ. Việc các ngân hàng gửi tới 7,3 tỷ USD ra nước ngoài chỉ trong quý III/2015 là một tín hiệu cảnh báo.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, NHNN nên xem xét nâng lãi suất huy động lên mức 0,2-0,25%/năm, thay vì mức 0%/năm hiện nay…