Mở tín dụng ngoại tệ, điều chỉnh lãi suất USD để “cứu” doanh nghiệp

Thứ Bảy, 28/05/2016, 06:09
Trong rất nhiều lời “kêu ca” về vốn, vấn đề vay ngoại tệ được các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu “kêu cứu” nhiều nhất. Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất USD 0% đang khiến cho dòng ngoại tệ “chảy” ra nước ngoài, nhiều nhà băng lách lãi suất, các chuyên gia cho rằng nên điều chỉnh lãi suất huy động USD để “chia lửa” với DN.

Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho vay ngoại tệ đối với DN xuất khẩu để giảm chi phí tài chính, tăng hiệu quả hoạt động giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động. 

Viện dẫn lý do, Hiệp hội này cho biết giai đoạn 2011-2015, nếu NHNN không cho vay xuất khẩu bằng ngoại tệ thì số DN xuất khẩu cả nước bị phá sản sẽ rất nhiều. 

Tăng lãi suất USD sẽ giúp DN thêm cơ hội tiếp cận tín dụng ngoại tệ.

Thực tế ở Sóc Trăng có hai DN do trước đây tình hình tài chính khó khăn vì không vay được ngoại tệ nhiều, mà chủ yếu trên 70% là vay VND- lãi gấp đôi ngoại tệ và phải thu hẹp sản xuất từ 2011 – 2015, hiện đang cơ cấu rất khó khăn, đã giảm gần 4.000 lao động (cuối năm 2015).

“Quý II/2016 này, nếu dừng chính sách cho vay ngoại tệ đối với DN xuất khẩu, thì DN không thể cạnh tranh được vì giá bán tăng, trong đó chi phí tài chính tăng từ lãi vay gấp đôi, nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng và đóng cửa sẽ đẩy người lao động đi tìm việc mới là cái kết được báo trước.

Hiệp hội tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ và NHNN xem xét lại từ thực tế để đảm bảo duy trì hoạt động, chưa nói đến phát triển vì nguyên liệu tăng cao và DN không chịu nổi chi phí tài chính tăng, không thể xuất khẩu tốt thì không thể giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó ngành thủy sản lao động nữ thường chiếm tỷ lệ khá cao”, Hiệp hội giải trình.

Cùng chung “nỗi niềm”, các DN xuất khẩu cà phê tại Đắk Lắk phản ánh: Quy định không được vay ngoại tệ của Thông tư 24 làm tăng chi phí kinh doanh cho DN do phải vay tiền đồng với lãi suất cao hơn, trước đây vay USD là 1,5-2%, bay giờ vay VND là 6-7%. Trong khi đó các DN FDI trên địa bàn vay vốn từ nước ngoài với lại suất từ 0,5-1%, thậm chí nhiều công ty là 0%, rất bất lợi trong cạnh tranh thu mua nông sản.

Cho rằng bối cảnh kinh tế 2016 tỷ giá đã ổn định dần, Công ty CP đông lạnh Quy Nhơn nhận định việc kéo dài cho DN xuất khẩu được vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ trong năm 2016 cũng không làm gia tăng các tác động tiêu cực.

Đa số DN Việt Nam tham gia sản xuất là DN vừa và nhỏ, gặp rất nhiều khó khăn trong vòng xoáy giảm giá xuất khẩu và tình trạng phá giá đồng tiền của các nước xuất khẩu cạnh tranh. Nếu DN không tiếp tục được NHNN cho vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ, phải chuyển sang vay vốn ngắn hạn bằng VND lãi suất cao hơn, sẽ khiến gia tăng giá thành sản xuất, tác động trực tiếp đến việc giảm cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, DN càng thêm khó khăn. 

Trước khó khăn của DN, mới đây, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN nghiên cứu mở lại việc cấp tín dụng bằng ngoại tệ cho DN, để tạo nguồn vốn giá rẻ hơn, hiệu quả hơn. TS. Nguyễn Đức Hưởng (Phó Chủ tịch LienViet Postbank) cho rằng sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xem xét mở lại tín dụng ngoại tệ, việc điều chỉnh trần lãi suất huy động USD cũng cần được cân nhắc, để có sự đối ứng phù hợp.

Ông Hưởng cho rằng tại thời điểm này, với thực trạng khó khăn chung của các DN, nhất là trong hoạt động xuất khẩu, yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay là cần thiết, và việc mở lại tín dụng ngoại tệ sẽ “chia lửa” cho lãi suất VND.

“Về sử dụng nguồn vốn, trong hàng chục năm qua, tín dụng ngoại tệ luôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đặc biệt, vào những giai đoạn lãi suất VND leo thang, đây là nguồn lực có chi phí thấp hơn, rất giá trị cho các DN vay vốn.

Hiện nay, ngay cả khi lãi suất 0%, lượng lớn ngoại tệ vẫn nằm trong dân cư, thậm chí chuyển và gửi ra nước ngoài như “chảy máu”. Tranh thủ nguồn lực này là cần thiết, nhất là khi các điều kiện và bối cảnh để buộc phải áp trần 0% đã thay đổi. Tất nhiên, chúng ta có thể dự tính việc mở lại tín dụng ngoại tệ sẽ chỉ tập trung cho các DN xuất khẩu. 

Nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu, xuất khẩu gắn với đời sống kinh tế của nhiều hộ dân tạo nguyên liệu đầu vào, như nông, lâm, thủy sản… Cho nên, giá trị của việc mở lại này có sức lan tỏa rộng, chứ không chỉ riêng với các DN xuất khẩu được vay vốn”, ông Hưởng phân tích.

Thực tế trong thời gian qua, trần lãi suất huy động USD áp 0%/năm, khiến các khoản tiền gửi ngoại tệ được chuyển về dạng không kỳ hạn, tiền gửi thanh toán. Các ngân hàng cũng vì thế mà bị ảnh hưởng, phải “lách” trần huy động, hay tìm cách vay từ nước ngoài. Việc nâng lãi suất lên trên 0% sẽ tạo động lực kéo nguồn ngoại tệ nhàn rỗi về các nhà băng, giúp các DN có cơ hội tiếp cận vốn ngoại tệ. Theo các chuyên gia, NHNN nên xem xét nâng lãi suất huy động lên mức 0,2-0,25%/năm, thay vì mức 0%/năm hiện nay.

Lệ Thúy
.
.
.