Lãi suất cho vay khó giảm?

Thứ Bảy, 24/12/2016, 11:06
Thị trường ngân hàng tháng 12 ghi nhận diễn biến trái chiều khi một số nhà băng điều chỉnh tăng - giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn khác nhau.

Kể từ đầu tháng 12, VietCapitalBank chính thức áp dụng biểu lãi suất mới. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1-5 tháng bị điều chỉnh giảm 0,05%. Tương tự, Sacombank cũng thông báo giảm 0,1% đối với kỳ hạn 2 và 3 tháng, lần lượt ở mức 4,9% và 5,2%/năm; Agribank cũng đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn và tiền gửi thanh toán từ 0,5%/năm xuống 0,3%/năm…

Đây được ghi nhận là tín hiệu lạ đối với thị trường vì trước đây, các ngân hàng luôn phải tăng lãi suất huy động ngắn hạn cuối năm để thu hút nguồn tiền đáo hạn của khách hàng. Song, cái sự lạ này cũng không trở thành xu hướng phổ biến, khi mới đây, một loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động ở cả các kỳ ngắn cũng như dài hạn. 

Theo đó, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) hôm 15-12 đã chính thức áp biểu lãi suất huy động mới với mức tăng 0,1-0,2%: lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng lên 4,6% một năm, 3 tháng lên 5% mỗi năm và 6 tháng là 5,6%. 

NHNN điều hành lãi suất ổn định trong năm 2017.

Trước đó, Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đã nâng biểu lãi suất tiền gửi thêm 0,2-0,4% ở một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 5,3% tăng lên 5,5% một năm, 6 tháng hiện là 6,5% mỗi năm (trước là 6,1%)... 

Hiện nay, mức lãi cao nhất của ngân hàng này là 7,7% với kỳ hạn từ 24 đến 60 tháng. Hay mới đây nhất, từ ngày 21-12, VPBank công bố mức lãi suất huy động mới nhất theo hướng điều chỉnh tăng vài kỳ hạn. 

Trong đó, kỳ hạn 1 tháng lên 5,2%, tăng 0,3%; kỳ hạn 12 và 13 tháng cùng lên 6,9% mỗi năm, tăng 0,4% so với mức cũ. Ngoài ra, một loạt ngân hàng khác cũng tăng lãi suất tiền đồng thêm 0,1-0,3% mỗi năm cho một số kỳ hạn ngắn như TPBank, Techcombank...

Không phải chỉ trên thị trường 1 (thị trường giao dịch giữa ngân hàng với công chúng), mà ngay cả trên thị trường 2 (thị trường giao dịch giữa các ngân hàng), lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng lên mặt bằng mới. 

Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng tuần qua tiếp tục xu hướng tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây ở cả ba loại kỳ hạn: lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 1,25%, đạt mức 5,1%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng 1,17%, lên mức 5,11%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 0,95% đạt mức 5,07%/năm. 

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 11-2016 đạt mức 15,8%, trong khi tăng trưởng huy động là 15,2%. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, việc tín dụng tăng tốc mạnh trong tháng vừa qua là diễn biến không bất ngờ do nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế thường tăng cao vào dịp cuối năm.

Điều này đã khiến cho thanh khoản hệ thống ngân hàng bớt dư thừa hơn so với thời điểm quý III, qua đó trực tiếp đẩy lãi suất liên ngân hàng lên một mặt bằng mới. “Chúng tôi cho rằng lãi suất liên ngân hàng từ nay đến Tết âm lịch sẽ duy trì ở mức tương đối cao, dao động từ 4,5-5%/năm”, tổ chức này dự báo.

Lãi suất huy động tăng, nỗi lo lãi suất cho vay tăng cũng trở lại. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng năm 2016 có đánh giá: Các điều kiện để giảm lãi suất VND đang bớt thuận lợi. 

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng mục tiêu giảm lãi suất mà Việt Nam đề ra có nhiều khả năng sẽ bị thu hẹp lại. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước sẽ khó huy động được ở mức lãi suất thấp như vừa qua, khi đó, các ngân hàng thương mại càng khó để giảm lãi suất.

Lệ Thúy
.
.
.