Hàng Việt ra “biển lớn” qua kênh siêu thị
- Nhiều hàng Việt Nam đã trở thành niềm tự hào của người Việt
- Lan tỏa tình yêu hàng Việt Nam tới triệu triệu người Việt
- Đưa hàng Việt đến gần với người lao động, công nhân có thu nhập thấp
- Hàng Việt Nam trước nguy cơ gia tăng các vụ kiện lẩn tránh thuế
Theo Bộ Công Thương, đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu (XK) trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài” đã được Chính phủ phê duyệt nhằm giúp DN tăng quy mô kim ngạch, đa dạng chủng loại hàng hóa XK, phấn đấu đến năm 2020, hàng hóa của Việt Nam sẽ XK trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
“Tham gia đề án trên, thời gian qua các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sở hữu thương hiệu bán lẻ chính như Big C, Lotte Mart, Aeon... đã hỗ trợ các DN Việt Nam đưa hàng hóa sản xuất trong nước vào hệ thống phân phối, đồng thời XK vào hệ thống bán lẻ của các đơn vị này trên toàn cầu với tổng giá trị hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hằng năm lên đến hàng tỷ USD, tập trung vào nhóm chế biến ngành nông lâm thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng...”, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định.
Tại hội nghị đối tác phát triển hàng Việt Nam vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin, ngày 10-10 vừa qua, Bộ Công Thương đã kết thúc chuyến sang Nhật Bản để đàm phán với Tập đoàn Aeon của Nhật Bản về việc tập đoàn này sẽ đưa hàng hóa của Việt Nam qua hệ thống phân phối của họ không chỉ tại Nhật mà còn tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác mà Tập đoàn Aeon có hệ thống siêu thị.
Qua hệ thống siêu thị, vải thiều Bắc Giang, Hải Dương đã đến tay NTD nhiều nước trên thế giới. |
Kết thúc đàm phán, lãnh đạo Aeon cam kết, đến năm 2020 mỗi năm hệ thống của Tập đoàn Aeon sẽ tiêu thụ khoảng 500 triệu USD hàng hóa Việt Nam và đến năm 2025 sẽ tiêu thụ khoảng 1 tỷ USD.
Không chỉ Aeon, Bộ Công Thương cũng đang xúc tiến việc ký kết tiêu thụ hàng hóa Việt Nam qua hệ thống phân phối của Tập đoàn Central Group - Thái Lan đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới.
“Hàng Việt Nam không chỉ có chỗ đứng ngay tại thị trường trong nước, mà chắc chắn sẽ có chỗ đứng ở thị trường nước ngoài qua hệ thống siêu thị của các tập đoàn phân phối lớn trên thế giới, đang hoạt động tại Việt Nam”, ông Thắng khẳng định.
Ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngoài ký kết hợp tác cung ứng các sản phẩm nông sản đặc trưng của Lâm Đồng cho TP Hồ Chí Minh, hàng năm có 20-40 DN ở Lâm Đồng tham gia chương trình kết nối do TP Hồ Chí Minh tổ chức và năm 2016, 2017, DN Lâm Đồng đều có các hợp đồng tiêu thụ, hợp tác, trong đó có các hợp đồng XK”.
Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, xác định siêu thị là kênh phân phối quan trọng của các mặt hàng nông sản đặc sản của tỉnh nên thời gian qua, Sở Công Thương Đồng Tháp đã phối hợp với siêu thị Co.opmart tổ chức kiểm tra, thẩm định các điều kiện sản xuất của các DN, HTX, cơ sở sản xuất để chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong sản xuất, nhằm khắc phục, đáp ứng được các yêu cầu khi đưa hàng vào các hệ thống siêu thị.
Để tiếp tục thực hiện đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam XK trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài”, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến hỗ trợ DN tham gia chuỗi cung ứng trong và ngoài nước như: Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhu cầu hàng hóa;
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài; Thúc đẩy DN FDI tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phân phối tham gia đầu tư sản xuất để XK hàng Việt qua hệ thống phân phối của họ tại nước ngoài... Đặc biệt, nâng cao năng lực các DN sản xuất, XK Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của các hệ thống phân phối nước ngoài.