Nghịch lý tại thủ phủ chăn nuôi của cả nước:

Giá lợn thịt tăng cao, người chăn nuôi vẫn chịu thiệt

Thứ Sáu, 20/12/2019, 08:45
Nghịch lý hiếm có đang xảy ra tại Đồng Nai – địa phương được xem là “thủ phủ chăn nuôi” của cả nước, thời gian gần đây là khi giá thịt lợn càng tăng cao, liên tục lập kỷ lục thì giá gà lại đang giảm sâu tận đáy tính trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Chỉ trong thời gian ngắn, giá lợn hơi tại Đồng Nai đang được thương lái thu mua với giá dao dộng từ 75.000-78.000 đồng/kg, cao hơn mức đỉnh điểm của năm 2011 từ 8.000-9.000 đồng/kg tiếp tục được đẩy lên từng ngày, hiện giá lợn hơi xuất chuồng đã được đẩy lên mức trên dưới 90.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi lãi gấp đôi so với giá thành sản xuất. Nhưng có một thực tế đáng buồn, đó là đa số hộ chăn nuôi đã không còn lợn để bán.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá lợn hơi đang lập kỷ lục của ngành chăn nuôi từ trước đến nay và đây không phải là giá ảo mà là giá thực tế bởi lượng lợn thịt hiện còn lại rất ít. Số lợn đang nuôi tại trang trại nhỏ lẻ trong dân ở Đồng Nai gần như không còn. Hiện tổng đàn lợn của người dân trên địa bàn đã giảm khoảng 80% so với thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra. Do đó, để gom hàng, các thương lái buộc phải đẩy giá thu mua lên cao hơn giá của các công ty chăn nuôi.

Dù giá lợn hơi xuất chuồng rất cao, nhưng việc tái đàn lợn sau đại dịch cũng chưa được người dân mạnh dạn đầu tư trở lại. Bà Võ Thị Tần, một hộ chăn nuôi tại xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất cho hay, dịch tả lợn châu Phi đã khiến hộ của bà phải tiêu hủy hơn 600 con lợn, đến nay vẫn chưa dám tái đàn. Những trại chăn nuôi của các hộ còn trụ lại được hiện cũng chỉ ở mức trên dưới 200 con, nhưng trọng lượng còn nhỏ, chưa đến kỳ xuất chuồng nên đa số không có lợn thịt để bán thời điểm này. Ước tính, số lượng lợn thịt Tết năm nay ở Đồng Nai cung cấp ra thị trường chỉ còn đạt khoảng 253.000 tấn, bằng 60% so với Tết năm ngoái.

Thời điểm giá lợn thịt tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi bị trống chuồng hoặc chưa đến kỳ xuất bán.

Để không xảy ra khủng hoảng thiếu thịt lợn sau Tết, tỉnh Đồng Nai đang tập trung nhiều giải pháp để tăng đàn lợn. Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, ông Huỳnh Thành Vinh cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai đã họp bàn với các doanh nghiệp và chủ trang trại về việc tăng đàn. Theo đó, đối với các cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh thú y hay nằm trong vùng dịch sẽ tuyệt đối không cho tái đàn. Còn đối với các doanh nghiệp, trang trại lớn đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh thú y, địa phương khuyến khích tăng đàn ngay thời điểm này.

Trái ngược với hiện tượng giá lợn thịt tăng từng ngày, hiện giá xuất gà trắng tại Đồng Nai cũng mới chỉ dừng lại ở mức 25.000 đồng/kg; gà lông màu khoảng 35.000 đồng/kg. Mức giá này người chăn nuôi đang cầm chắc phần lỗ nhưng vẫn phải “cắn răng” bán ra vì gà đã đến kỳ xuất bán.

Trang trại gà gần 8.000 con của ông Nguyễn Văn Khánh ở huyện Trảng Bom xuất bán chỉ có giá từ 18.000-22.000 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất là 24.000 đồng/kg nên ông Khánh đã phải gánh lỗ hơn gần 200 triệu đồng kể cả nhân công và tiền điện nước. Tương tự, hộ anh Nguyễn Văn Năm ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc có tổng đàn gà gần 4.000 con cũng chịu khoản lỗ lên tới gần 100 triệu đồng do phải xuất bán gà với giá quá thấp.

Nhiều hộ chăn nuôi gà khác tại Đồng Nai cũng đã phải xuất bán gà thịt với giá giảm chạm đáy, thấp nhất trong  nhiều năm qua. Nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng đáng buồn này là sau dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển đổi sang các loại vật nuôi như gà, vịt, dê, bò... để tránh thiệt hại về kinh tế. Tuy nhiên, việc người dân tận dụng chuồng nuôi lợn ồ ạt chuyển qua nuôi gà trong khi đầu ra không ổn định dẫn tới nguồn cung vượt cầu, khiến giá giảm xuống mức chạm đáy.

Thống kê của Sở NN&PTNT Đồng Nai cho thấy, trên địa bàn tỉnh này hiện có khoảng 24 triệu con gà, tăng 3 triệu con so với trước thời điểm xảy ra đại dịch tả lợn châu Phi. Nguyên nhân khách quan là do trong thời gian qua lượng thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam nhiều khiến nguồn cung tăng cao. Trong khi giá thành chăn nuôi trong nước không thể so sánh và cạnh tranh được với gà nhập khẩu khiến giá gà trong nước sụt giảm sâu.

Điều lo ngại nữa là thời điểm này, nhiều  hộ nuôi gà thả vườn trên địa bàn Đồng Nai đã tăng đàn, tái đàn để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2020. Thực trạng này càng khiến cho nguồn cung thịt gà có nguy cơ vượt cầu dẫn đến tình trạng giá gà còn giảm sâu trong thời gian tới.

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai, chủ trương của Bộ NN & PTNT là phát triển một số vật nuôi khác bù lấp sau dịch tả lợn châu Phi vừa qua. Song với tốc độ tăng đàn và số lượng các hộ dân ồ ạt tham gia vào nuôi gà, cung sẽ vượt cầu và chắc chắn ảnh hưởng đến giá bán gà thịt. Do đó người dân cần cân nhắc kỹ, việc tăng đàn cần phải gắn trong chuỗi liên kết, có đầu ra ổn định mới mong không bị thua lỗ.

“Ăn theo” tình trạng khan hiếm giá lợn hơi tại nguồn, những ngày gần đây giá thịt thành phẩm bày bán tại nhiều chợ truyền thống, nhất là các chợ nhỏ ở địa bàn có lượng tiêu thụ rất lớn là TP Hồ Chí Minh, tiểu thương liên tục đẩy giá bán lẻ tăng từng ngày một cách vô tội vạ. Tuy vậy, hầu như không có sự can thiệp nào về giá bán lẻ từ cơ quan chức năng hay BQL các chợ.

Giá thịt lợn tăng liên tục thời gian gần đây đã khiến các cơ sở chế biến thực phẩm từ thịt lợn và các quán ăn đẩy giá sản phẩm và thực đơn tăng theo. Giá bán lẻ các sản phẩm thịt lợn tăng quá cao đã khiến người tiêu dùng e dè, giảm sức mua với loại thực phẩm này khi lượng thịt lợn cung cấp từ các chợ đầu mối thực phẩm lớn của TP Hồ Chí Minh đã giảm liên tục thời gian gần đây.

Nhưng dù giá lợn thịt tăng, giá gà giảm thì người chịu thiệt thòi đầu tiên vẫn là các hộ chăn nuôi. Do đó, đã đến lúc cơ quan có trách nhiệm cần tăng cường kiểm soát giá với mặt hàng này để tránh tình trạng người dân quay lưng lại với thịt lợn.

Bảo Sơn
.
.
.