Khó tiếp cận nguồn cung thịt lợn

Thứ Tư, 18/12/2019, 08:25
Trong những ngày qua, thịt lợn đã tăng giá phi mã, liên tiếp thiết lập đỉnh giá mới, vượt ngưỡng 90.000 đồng/kg. Giá thịt bán lẻ tại các tại chợ dân sinh dao động từ 160.000 đồng - 200.000 đồng/kg. Thịt lợn sạch giá lên tới 300.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn tăng, kéo theo đó là giá các mặt hàng khác cũng tăng theo. Với tốc độ tăng giá “chóng mặt” như hiện nay, các phương án bình ổn và đề xuất nhập khẩu đã được các bộ, ngành liên quan đề cập tới, tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu của người dân trong khi nguồn cung thiếu hụt lớn đang là bài toán khó trong câu chuyện bình ổn giá.

Tăng nhập khẩu thịt lợn vẫn không bù đắp lượng thiếu hụt

Theo Tổng cục Thống kê, đàn lợn cả nước tháng 11-2019 giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.

Theo Bộ NN&PTNT, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1%. Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018 cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước.

Tính toán của các địa phương cho thấy, tại TP Hồ Chí Minh, lượng thịt lợn bình ổn giá chiếm khoảng 21% tổng nhu cầu của thành phố dịp cuối năm; TP Hà Nội thiếu khoảng 3.500 tấn thịt lợn. Tại Đồng Nai (thủ phủ chăn nuôi lợn lớn của cả nước), tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hiện đã giảm gần 50% so với thời điểm dịch tả lợn châu Phi xuất hiện (tháng 4 năm 2019).

Đáng chú ý, việc tái đàn chưa thể thực hiện do không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại làm nguồn cung giảm mạnh mà ngay cả các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín cũng bị dịch bệnh (CP, Japfa) nên cũng làm ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong dịp cuối năm.

Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hà Nam, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh năm 2019 giảm hơn 20% so với năm 2018. Tuy nhiên, Hà Nam có chợ đầu mối gia súc, gia cầm lớn nhất phía Bắc với lượng lợn qua chợ khoảng 1.000 - 1.200 con/ngày. Số lượng lợn trên được đưa về chợ đầu mối từ các cơ sở chăn nuôi trong và ngoài tỉnh và giúp bảo đảm nhu cầu cho thị trường nội tỉnh và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có nhà máy chế biến thịt lợn với công suất thiết kế 1,4 triệu con/năm cũng sẽ góp phần bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn trên địa bàn tỉnh trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường các địa phương đã có nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn cung thịt lợn. Tuy vậy, nguồn cung thịt lợn trong nước vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy, các doanh nghiệp đã tăng cường nhập khẩu thịt lợn. Các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu hoàn toàn căn cứ vào nhu cầu thực tế để thực hiện việc nhập khẩu và sẽ chịu sự kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm và kiểm dịch của Bộ NN&PTNT.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết, việc nhập khẩu thịt lợn hiện nay gặp không ít khó khăn do hạ tầng logistics (kho lạnh) để dự trữ, bảo quản thịt lợn đông lạnh sau nhập khẩu và nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với mặt hàng thịt lợn đông lạnh vẫn rất khiêm tốn, chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, chế biến.

Theo thông tin Bộ Công Thương biết được thì trong 10 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn đạt 96 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Con số này dù lớn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái song với sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn so với cùng kỳ, theo đúng con số mà Bộ NN&PTNT công bố thì vẫn thiếu hụt khoảng trên dưới 300 nghìn tấn. “Bộ Công Thương khẳng định, quan điểm của Bộ là ủng hộ việc nhập khẩu thịt lợn, nhưng phải theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá là nhập khẩu từ các đối tác có quan hệ thương mại hai chiều với Việt Nam, đáp úng đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh thú y. Đồng thời, nhập khẩu đúng các chủng loại thịt lợn mà người dân có nhu cầu cao trong dịp Tết”, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.

Trước ý kiến cho rằng, với nguồn cung thiếu hụt như vậy thì tại sao Bộ Công Thương không triển khai nhập khẩu thịt lợn về để bù đắp lượng thiếu hụt. Trả lời vấn đề này, ông Trần Duy Đông cho rằng, việc cấp phép nhập khẩu thịt lợn không thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương mà là của Bộ NN&PTNT (Cục Thú y). Thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam cũng phải đáp ứng 2 điều kiện, thứ nhất là chỉ cho phép nhập khẩu từ những nước đã có thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và mẫu chứng nhận kiểm dịch thực phẩm đối với sản phẩm thịt nhập khẩu vào Việt Nam.

Nguồn cung thiếu hụt nhưng người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng thịt mát.

Kiểm tra việc tăng giá gây bất ổn thị trường

Thời gian đầu khi xuất hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, người tiêu dùng chưa có thông tin đầy đủ nên nhu cầu tiêu thụ giảm. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này đã bình thường trở lại và như thường lệ sẽ có xu hướng tăng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán (tăng mạnh nhất trong tháng 1 năm 2020). Do vậy, dự báo nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm giảm nhẹ khoảng 5-10% so với năm 2018 do giá quá đắt nhưng vấn ở mức cao, khoảng 300.000 – 320.000 tấn/tháng. Như vậy, dự báo nhu cầu cho tháng 12 năm 2019 và tháng 1 năm 2020 khoảng 600.000 tấn.

Theo Bộ Công Thương, theo phản ánh của một số nhà phân phối, siêu thị về việc khó tiếp cận nguồn hàng thịt lợn của các nhà sản xuất, trang trại, công ty chăn nuôi (trong đó có Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam) mặc dù các nhà sản xuất này còn nguồn hàng, Bộ Công Thương đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp sản xuất cung ứng đủ và theo đúng cam kết cho các doanh nghiệp phân phối, giảm giá bán nhằm dẫn dắt, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối, nhất là các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường tiếp cận trực tiếp nguồn hàng với giá hợp lý.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đang có kế hoạch thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành (Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và lực lượng Công an, Thú y…) thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó tập trung vào việc kiểm tra tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành điều tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt hình sự tùy theo mức độ.

Về vấn đề bình ổn thị trường đối với mặt hàng thịt lợn, ông Trần Duy Đông cho rằng, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung như hiện nay thì việc điều tiết thị trường sẽ rất khó. Do đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ NN&PTNT đánh giá chính xác nguồn cung hiện tại và dự báo đến Tết Nguyên đán (tháng 1 và tháng 2 năm 2020), cũng như sau Tết Nguyên đán, chủ động việc tái đàn cũng như nhập khẩu đủ nguồn hàng sử dụng trong không chỉ trước, trong mà còn sau Tết Nguyên đán. Bộ NN&PTNT cũng cần chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất ổn định giá bán, cam kết không tăng giá.

Bộ Công Thương đề nghị lực lượng hải quan và biên phòng, trong chức năng nhiệm vụ của mình cần phối hợp với lực lượng QLTT - Bộ Công Thương nhằm kiểm tra, kiểm soát tốt việc mua bán lợn qua các địa bàn khu vực biên giới, tránh lây lan dịch bệnh ở những vùng đã công bố hết dịch.

Lưu Hiệp
.
.
.