Bình Phước: Điều được mùa nhưng mất giá, nông dân "kém vui"

Thứ Năm, 14/02/2019, 10:39
Theo ghi nhận của phóng viên, vụ điều năm nay chín sớm so với năm ngoái nên ngay sau những ngày nghỉ Tết, nông dân ở tỉnh Bình Phước đã ra quân tranh thủ thu hoạch. Tuy nhiên, các hộ trồng điều kém vui vì so với năm ngoái, điều năm được mùa nhưng giá giảm mạnh.

Cụ thể, tại các địa phương trồng điều nhiều như: Bù Gia Mập, Phước Long, Bù Đăng, Phú Riềng, Đồng Phú, cùng thời điểm này năm ngoái, giá điều tươi ở mức 40.000-45.000 đồng/kg, nhưng hiện chỉ còn 26.000-30.000 đồng/kg.

Ông Bùi Ngọc Thùy, có 6ha điều ở xã Đa Kia, huyện huyện Bù Gia Mập – nói năm nay thời tiết khá thuận lợi nên điều rất sai trái, nhiều diện tích phải dùng cả đến gậy để chống, vả lại điều nay chín sớm hơn, hạt trắng và mẩy hơn những năm trước đây.

Nông dân ở xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước thu hoạch điều.

“Cả 10 năm qua, năm nay tôi mới thấy điều sai trái vậy, 6ha suốt mấy năm qua cũng chỉ đạt 9-10 tấn, còn năm nay chắc chắn sẽ hơn 15 tấn. Vui vì điều sai trái nhưng lại buồn vì giá giảm mạnh quá. Với giá cả hiện nay tôi sẽ phơi khô rồi trữ lại để chờ giá tăng mới bán”.

Tương tự, cách rẫy điều nhà ông Thùy không xa, ông Nguyễn Văn Kháng có 6ha điều giống mới còn sai trái hơn, dự kiến năm nay cũng sẽ cho thu trên 17 tấn.

Cũng theo các hộ trồng điều, năm nay mặc dù giá điều giảm nhưng giá thuê nhân công lượm điều lại tăng, vì hiếm nhân công do đi làm ở các khu công nghiệp. Như thời điểm đầu vụ năm ngoái giá thuê chỉ từ 2.500 – 3.000 đồng/kg, nhưng năm nay tăng 3.500-4.000 đồng/kg, tùy địa hình, điều già hay non… (trung bình 1 người lượm 120-150kg/ngày, thậm chí có người lượm được hơn 200kg/ngày).

Nhiều diện tích điều non 2 năm tuổi, mới cho bói nhưng sai trĩu hạt.

Cũng theo ghi nhận, năm nay một số vườn điều ở Bình Phước gặp những cơn mưa trái mùa nhưng bị ảnh hưởng không đáng kể.

Các loài dịch bệnh gây hại cây điều lớn như: bọ xít, sâu róm, bệnh thán thư, bệnh cháy lá… năm nay hầu như không xuất hiện, do người nông dân đã biết cách phòng ngừa trước mùa vụ.

Trước tình trạng đó, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước khuyến cáo, do giá thấp nên người nông dân khi thu hoạch không nên bán vội mà mang phơi khô trữ lại đợi điều lên giá.

Trong khi đó, ngày 14-2, trao đổi với phóng viên, ông Lê Bông – Giám đốc Công ty cổ phần Thiên Ân Lê Gia, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng – một doanh nghiệp có tiếng về sản xuất chế biến điều nhiều năm qua ở tỉnh Bình Phước – cho biết nguyên nhân dẫn đến giá điều giảm mạnh ở thời điểm đầu vụ hiện nay do thị trường xuất khẩu hạt điều thành phẩm gặp khó khăn về đầu ra và rất chậm, thậm chí các doanh nghiệp sản xuất, chế biến điều hiện đang đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ hạt điều ở thị trường trong nước.

Đặc biệt sản lượng hạt điều nguyên liệu (điều thô) ở thị trường các nước Châu Phi, Ấn Độ, Campuchia của vụ điều năm 2018 còn ứ đọng rất lớn, ước trên 400 ngàn tấn. Trong khi đó, nhiều năm qua các doanh nghiệp trong nước thường xuyên nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ các nước này về sản xuất, chế biến, sau đó mới xuất khẩu.

“Với tình trạng dư thừa nguồn điều thô như hiện nay, dự báo trong thời gian tới giá điều sẽ tiếp tục giảm. Theo quan sát, thời gian qua các doanh nghiệp của Việt Nam đã hạn chế, thậm chí ngừng nhập khẩu hạt điều khô từ các nước Châu Phi, Ấn Độ về sản xuất, chế biến” – ông Bông nói.

Bình Phước là “thủ phủ” điều của cả nước với hơn 175.000ha. Địa phương này hiện có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở chế biến, sản xuất hạt điều, trong đó có 31 doanh nghiệp lớn với tổng công suất khoảng 82.000 tấn/năm, sản phẩm đã được xuất khẩu đến 25 quốc gia, vùng lãnh thổ, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 50.000 lao động.

Nông dân đang sống nhờ kinh tế vườn điều khoảng 75.000 hộ, trong đó phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số. Tháng 5-2018, Bình Phước đã đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm hạt điều có nguồn gốc xuất xứ từ một số khu vực địa lý của tỉnh Bình Phước và có danh tiếng, chất lượng đặc thù do điều kiện tự nhiên và bí quyết sản xuất của người dân quyết định.

Đức Trí

.
.
.