Bánh mứt kẹo, thực phẩm không rõ nguồn gốc bán công khai
- Đặc sản miền Tây phục vụ Tết
- Hàng hóa phục vụ Tết: Cần kiểm soát mức tăng giá ở thị trường tự do
- Đáp ứng hàng tiêu dùng phục vụ Tết
Thực phẩm chế biến sẵn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc tăng cao. Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), nhưng việc kiểm tra giống như muối bỏ biển nếu chính quyền địa phương không tăng cường kiểm soát nguồn gốc thực phẩm.
Bánh mứt kẹo… không nhãn mác bày bán la liệt
Phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày cuối tuần cực kỳ sôi động khi nhu cầu mua sắm Tết tăng mạnh. Các quầy bánh mứt kẹo bày ra tận vỉa hè để hút khách.
Tại các sạp hàng, chúng tôi bị hoa mắt bởi màu sắc của các loại mứt Tết đựng trong các rổ nhựa không che đậy giữa đường phố đông đúc người qua lại. Nào là mứt táo, mứt mận, mứt dừa, mứt hồng, ô mai các loại nhưng không có nhãn mác, chỉ có giá tiền, bán theo cân, theo lạng. Bánh kẹo bán theo cân cũng được đựng trong các rổ nhựa, người mua tùy ý lựa chọn.
Trong số bánh kẹo này có hàng mang thương hiệu Việt, nhưng hàng ngoại của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia cũng không ít. Bánh kẹo ngoại bán theo cân không có nhãn phụ tiếng Việt, nhìn trên vỏ bao bì không thấy ngày sản xuất, hạn sử dụng.
Chúng tôi hỏi thì được chủ hàng cho biết, hạn sử dụng ghi trên vỏ hộp, do bóc ra bày bán theo cân nên không có, nhưng khách hàng yên tâm là hàng còn "date", đảm bảo. Khách thì tỏ ra ngần ngại, nhưng do bánh kẹo bán theo cân giá thành không cao nên vẫn được một bộ phận người tiêu dùng chọn mua, thậm chí, được người mua buôn vác cả tải.
Nhiều bánh mứt kẹo không rõ nguồn gốc bán trên phố Hàng Buồm. |
Chỉ cách đây không lâu, ngày 10-1, lực lượng chức năng của Hà Nội đã bắt giữ vụ buôn lậu hàng tấn bánh kẹo dành cho trẻ em giả nhãn mác Thái Lan, Hàn Quốc.
Theo khai nhận của người vận chuyển thuê thì số bánh kẹo này có xuất xứ từ Trung Quốc, trong đó có nhiều loại mẫu mã xanh đỏ bắt mắt, nhưng khi mở ra có mùi rất hắc. Bánh kẹo Trung Quốc giả nhãn mác Việt hay một số nước đã xuất hiện từ nhiều năm.
Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ được nhiều vụ vận chuyển bánh kẹo, thực phẩm sản xuất ở Trung Quốc, đưa vào nội địa dán nhãn mác của Việt Nam hay một số nước như Hàn Quốc, Thái Lan…
Đặc biệt là bánh kẹo dành cho trẻ em nhập lậu từ Trung Quốc có màu sắc bắt mắt, mẫu mà giống như đồ chơi nhưng chất lượng thì khó lường vì khi mở ra có mùi rất hắc.
Theo Sở Công Thương Hà Nội thì Tết Nguyên đán năm nay người dân Thủ đô sẽ tiêu thụ khoảng 3.000 tấn bánh kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát. Với một thị trường tiêu thụ lớn như trên, việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc từng mặt hàng là rất khó.
Tăng cường kiểm soát thực phẩm trong thị trường
Đi một số chợ ở quận Tây Hồ (Hà Nội) vào sáng sớm, gia cầm sống vẫn giết mổ vô tư trong chợ nhưng cán bộ kiểm dịch động vật không có ý kiến. Việc kiểm tra nguồn gốc gia cầm, sản phẩm động vật (thịt lợn, thịt bò) có nơi chỉ đưa phiếu thu tiền kiểm dịch, không yêu cầu người bán hàng xuất trình giấy kiểm dịch.
Tết Kỷ Hợi năm nay, Hà Nội dự kiến sẽ tiêu thụ 44.000 tấn thịt lợn, 14.600 tấn thị gà, 12.300 tấn thịt bò, 256 triệu quả trứng gia cầm, 3.500 tấn nông lâm sản khô, nếu không kiểm soát chặt chẽ, thịt bẩn trên không qua kiểm dịch, thịt gia cầm, thịt lợn Trung Quốc nhập lậu sẽ được tiêu thụ trên thị trường.
Theo Cục QLTT Hà Nội, hàng kém chất lượng, vi phạm về ATTP thường xảy ra ở các mặt hàng như: trái cây, rượu, thực phẩm, thực phẩm chế biến, thực phẩm chức năng...
Trong khi đó, thực phẩm “bẩn” vẫn không ngừng đưa từ các tỉnh biên giới về. Công an TP Hà Nội và Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) vừa thu giữ 2,5 tấn nầm lợn còn nguyên nhãn mác của Trung Quốc, nhưng khi mở ra đã bốc mùi hôi thôi.
Theo lời khai của tài xế Đặng Văn Quang (Hưng Yên), anh ta chở thuê số nầm lợn này từ Lạng Sơn về Hà Nội. Lợi nhuận buôn nầm lợn cao gấp 5-6 lần, vì thế đầu nậu thu mua nầm lợn đã bị phân hủy giá rẻ ở biên giới mang về Hà Nội, sau đó cơ sở chế biến dùng chất tẩy trắng làm mất mùi hôi thối để bán cho khách hàng.
Từ ngày 25-12-2018 đến 25-2-2019, Hà Nội thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm. Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, đại lý, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ…
Trong đó tập trung kiểm tra chất lượng ATTP của các nguyên liệu chính và chất phụ gia được cơ sở đưa vào sản xuất, chế biến, kinh doanh. Đặc biệt là kiểm tra tem, nhãn, bao bì với hàng truyền thống và nguồn gốc xuất xứ với hàng nhập ngoại.
Năm 2018, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 1.856 vụ vi phạm ATTP, phạt hành chính 9,128 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm 12,157 tỷ đồng.
Thực hiện Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội”, Cục QLTT đã kiểm soát 277 cửa hàng, xử lý 143 vụ vi phạm, phạt hơn 200 triệu đồng. Riêng mặt hàng rượu đã kiểm tra 820 vụ, xử lý 781 vụ, phạt hơn 2 tỷ đồng.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, các mặt hàng như trái cây, bánh kẹo trong nước sản xuất đã đưa vào phục vụ Tết tăng cao. Thực phẩm là mặt hàng nhạy cảm, liên quan đến sức khỏe con người, số vụ thực phẩm “bẩn” bắt giữ thời gian qua rất lớn, đây là mối lo ngại với thị trường Hà Nội có lượng tiêu thụ lớn nhất miền Bắc.
Thực phẩm nhập lậu nhái nhãn mác, dán lại "date" tuồn vào thị trường Hà Nội là điều khó tránh. Các đoàn kiểm tra ATTP như hiện nay không thể đi hết các chợ lớn, siêu thị, trung tâm thương mại chứ chưa nói tới hơn một nghìn chợ dân sinh, chợ cóc…
Nếu không tăng cường kiểm soát chất lượng, nguồn gốc thực phẩm ngay tại cơ sở các địa phương quản lý thì thực phẩm “bẩn” sẽ lọt vào bữa ăn của người tiêu dùng trong dịp Tết.