Đặc sản miền Tây phục vụ Tết

Thứ Bảy, 19/01/2019, 07:02
Tết Nguyên đán là dịp để các cơ sở, làng nghề sản xuất đặc sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng sản lượng, giúp tăng thu nhập đáng kể cho người dân.


Ông Nguyễn Trường Chinh, Giám đốc Công ty Chả hoa Năm Thụy (Trà Vinh) cho biết: “Những ngày giáp Tết, sản lượng mà công ty sản xuất tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường. Theo đó, nếu mọi ngày chỉ sản xuất từ 1-2 tấn sản phẩm các loại thì những ngày cuối năm phải tăng công suất để cho ra trên 5 tấn sản phẩm/ngày”.

Làng bánh tráng Thuận Hưng (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) có mặt trên thị trường khoảng 200 năm nay. Bánh tráng tại đây nức tiếng vì có vị đặc trưng của nó. Làng bánh tráng Thuận Hưng sản xuất 4 loại bánh gồm: Mặn (bánh dịu, có pha muối), lạt (bánh giòn), bánh tráng nem (khổ nhỏ) và bánh tráng dừa (loại để nướng, có thêm dừa và mè).

Vào mùa giáp Tết, các lò hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm, gấp chục lần so với ngày thường. Thuận Hưng có hơn 100 hộ dân tham gia làm bánh tráng, trong đó có khoảng một nửa là sản xuất theo thời vụ Tết. Bà Trương Thị Sậm (hộ sản xuất bánh tráng), nói: “Dịp Tết là cơ hội cho gia đình tôi tăng lượng sản xuất bánh tráng. Mỗi ngày 4 người trong nhà tráng gần 4.000 cái bánh lạt, thu nhập mỗi ngày cũng ngót nghét 1 triệu đồng”.

Trong khi đó, làng khô ở thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) cũng đang tất bật không kém. Thời điểm này, đi dọc các tuyến đường ở thị trấn, đâu đâu cũng thấy người dân phơi khô. Theo các chủ vựa khô trên địa bàn cho biết, làng khô đã có từ lâu đời nhưng chẳng ai nhớ từ khi nào.

Đặc biệt, khô thường “hút hàng” vào những dịp Tết do nhu cầu thị trường tăng mạnh. Hiện, giá cá khô giao động từ 60.000 đến 120.000 đồng/kg (tùy loại). Các loại khô được thị trường ưa chuộng như: Khô cá khoai, cá đù, cá mối, cá ba thú, cá ngát… Làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm và đem đến nguồn thu nhập cho nhiều hộ nông nhàn ở địa phương.

Làng khô ở xã Khánh An (huyện An Phú, tỉnh An Giang) cứ đến 14h hàng ngày là nhộn nhịp hẳn lên. Người lo làm cá cho sạch, người phơi cá… Theo nhiều người dân, vào những ngày này, mỗi cơ sở làm khô lớn có cả trăm người làm cá. Người nào siêng thu nhập trung bình 600.000 đồng/ngày. Cá làm xong được đông lạnh và đến 2h sáng đem rửa sạch rồi đổ vào thùng phuy ướp muối. Tám giờ sáng hôm sau, cá được chất lên kệ phơi. Sau một ngày, công nhân gom khô vào sọt, rồi được đưa vào đóng gói. Quy trình cứ thế diễn ra mỗi ngày.

Khô cá sặc bổi tại Khánh An đã nổi tiếng xưa nay. Thị trường chủ yếu là ở TP Hồ Chí Minh, thậm chí là bán cho khách nước ngoài do khô này ít mỡ so với nhiều loại cá khác mà khô cá sặc bổi vận chuyển được xa và để dành ăn được lâu ngày. Theo thống kê, mỗi năm làng khô cung ứng cho thị trường khoảng 3.000 tấn các loại.

Như Anh
.
.
.