500 tấn vải thiều Lục Ngạn có mặt tại chuỗi bán lẻ Saigon Co.op

Thứ Hai, 03/06/2019, 13:21

Ngày 3-6, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) tiếp tục tổ chức xúc tiến cam kết bao tiêu trái vải thiều tươi được khai thác trực tiếp tại Lục Ngạn (Bắc Giang). Đây là sự kiện tiếp nối hoạt động của Saigon Co.op khi tham gia “Diễn đàn Kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và Quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản tỉnh Bắc Giang năm 2019” do UBND tỉnh này tổ chức.


Ngoài cam kết sản lượng tiêu thụ vải, Saigon Co.op sẽ chủ động giảm lợi nhuận để giá bán chỉ bao gồm giá thu mua trực tiếp cộng thêm chi phí vận chuyển, từ đó đảm bảo tối đa quyền lợi của người nông dân. 

Song song đó, sản phẩm trái vải thiều tươi thu mua trực tiếp từ thủ phủ vải thiều Lục Ngạn được Saigon Co.op vận chuyển bằng xe chuyên dụng và phân phối tập trung tại hơn 700 điểm bán của Saigon Co.op để giúp khách hàng cả nước, đặc biệt là từ khu vực miền Trung đến mũi Cà Mau, có thể thưởng thức vải chính gốc nguyên vị, tươi ngon với mức giá tốt nhất.

Vải thiều Lục Ngạn đưa vào hệ thống siêu thị Saigon Co.op

 Ngoài ra, nhằm thúc đẩy lượng tiêu thụ, vải thiều Lục Ngạn sẽ được đưa vào danh sách các mặt hàng trong “Lễ hội trái cây Việt” được triển khai trong tháng 6 – 7/2019 tại hơn 700 điểm bán của Saigon Co.op, với nhiều hoạt động trưng bày, giảm giá, ăn thử… Bên cạnh đó, thông qua mạng lưới hợp tác xã, Saigon Co.op sẽ xúc tiến việc xuất khẩu đưa vải thiều ra thị trường quốc tế, đặc biệt là tại Singapore.

NTD lựa chọn vải thiều

Ông Phạm Trung Kiên – Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề Saigon Co.op đặt lên hàng đầu, chính vì vậy 100% sản phẩm trái vải đợt này đều đạt tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap, hoặc có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Tùy theo sức mua mà Saigon Co.op sẽ tiếp tục tăng cường nhập hàng, dự kiến sức tiêu thụ từ 500 tấn đến 700 tấn trong mùa vụ này, tăng 25% so với cùng kỳ.

 Không chỉ dừng lại ở việc xúc tiến bao tiêu vải thiều, Saigon Co.op còn đăng ký tham gia nhiều chương trình khác của tỉnh; chủ động kết nối các vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm các mô hình nông nghiệp giúp nông dân ổn định đầu ra, không còn trăn trở với cụm từ “giải cứu”, yên tâm sản xuất để tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, giá cả hợp lý nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng trên cả nước.


Thúy Hà
.
.
.