18h hôm nay, U21 Việt Nam – U21 Hoàng Anh Gia Lai: Không chỉ là thắng - thua

Thứ Năm, 26/11/2015, 10:17
Nếu như U21 Việt Nam thua trong trận bán kết giải U21 Quốc tế do Báo Thanh Niên tổ chức vào lúc 18h tối nay (sân vận động Thống Nhất), đương nhiên U21 Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và những người yêu mến họ sẽ là những người hạnh phúc nhất và ngược lại.


Đó là suy nghĩ của không ít người khi nhìn theo hướng U21 Việt Nam và U21 HAGL là hai đối thủ. Ít ai nghĩ rằng, nếu gộp hai đội hình ấy lại, thì đó sẽ là tương lai, là chiến thắng của cả nền bóng đá Việt Nam chứ không phải của riêng ai.

Cũng ở giải U21 Quốc tế do Báo Thanh Niên tổ chức vào năm 2014 ở Cần Thơ, U21 Việt Nam khi ấy đã bại trận trước U21 HAGL ở loạt sút luân lưu 11m. Điều cần nhắc lại ở đây không chỉ là chuyện thắng thua trên sân cỏ, mà là câu chuyện trên khán đài. Những người xem trận cầu hôm ấy chắc chưa thể quên được tình tiết, khi các cầu thủ HAGL có bóng và phát động tấn công, thì hàng vạn khán giả trên sân vận động Cần Thơ lại ào lên cổ vũ.

Để rồi họ lại ôm đầu, tiếc nuối khi các cầu thủ HAGL sút hỏng hay bị hậu vệ đối phương cản phá. Ở chiều ngược lại, mỗi khi các cầu thủ U21 Việt Nam có bóng và phản công, là hàng vạn khán giả ấy lại chìm trong tâm trạng bồi hồi, lo lắng và nụ cười chỉ được quay trở lại khi các tiền đạo của U21 Việt Nam đá ra ngoài. Có nghĩa rằng khán giả coi HAGL là đội của họ, và U21 Việt Nam là đối thủ của đội bóng họ yêu thích.

Thế đấy! Chúng ta không thể tranh cãi hay không thể bắt ép bất cứ ai yêu thích một cái gì. Vì sự yêu thích ấy đến từ sự đam mê, sự tự nguyện của họ mà không có yếu tố nào chi phối được. Chúng ta hãy nhìn vào cả một lứa đầu của Học viện HAGL – Arsenal JMG với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn,… những cầu thủ đã làm nức lòng biết bao khán giả Việt Nam ở thời U19, thế hệ đã chơi sòng phẳng với U19 Thái Lan, xa hơn nữa là những trận thắng “hủy diệt” trước U19 Australia.

Người hâm mộ yêu thích HAGL thì ai cũng đã rõ, vậy thì tại sao họ lại quay lưng với ít nhất là U21 Việt Nam. Tôi tin rằng sự suy giảm niềm tin ấy bắt nguồn từ những cơ sở không phải là không có sự thuyết phục cao.

Còn nhớ, khởi đầu cho những thất vọng và mất niềm tin nghiêm trọng vào nền bóng đá Việt Nam là sự kiện chấn động khi các cơ quan chức năng phát hiện ra hành động bán độ của những Văn Quyến, Quốc Vượng vào năm 2005,… những cầu thủ tài năng và được người hâm mộ cả nước đặt rất nhiều kỳ vọng. Và rồi những năm sau này và có thể là cho đến tận ngày nay, các cơ quan chức năng lại liên tiếp phát hiện những vụ tiêu cực của nền bóng đá nước nhà như đã xảy ra ở Câu lạc bộ Ninh Bình; đội bóng Đồng Nai,… với nhiều cầu thủ “dính chàm”.

Hi vọng vào sự đoàn kết giữa các đội bóng của Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng (News.zing.vn)

Thêm vào đó, người hâm mộ và ngay cả giới chuyên môn cũng luôn ít nhất là hoài nghi hay thậm chí có rất nhiều người đã lên tiếng về sự yếu kém của cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm phát triển nền bóng đá nước nhà, đó là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF.

Còn nhớ, thời điểm mà VPF (Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) ra đời năm 2012 và “truốt quyền” điều hành các giải bóng đá của Việt Nam từ tay VFF, đó là sự kiện chấn động trong lĩnh vực thể thao nước nhà. Nhưng sự xuất hiện của VPF vẫn chỉ là phần ngọn của vấn đề bởi vì người chịu trách nhiệm chèo lái con thuyền bóng đá nước nhà vẫn cứ là VFF.

Và từ sau đại hội VII (năm 2013) của VFF với sự xuất hiện của những cái tên “sừng sỏ”, được kỳ vọng là sẽ mang tâm huyết ra để thay đổi nền bóng đá nước nhà như Chủ tịch Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch- ông bầu Đoàn Nguyên Đức,… Tuy nhiên, sau một thời gian, VFF vẫn cũng cứ dậm chân tại chỗ. Người ta mổ xẻ nhiều nguyên nhân. Có người nói rằng, ông Đoàn Nguyên Đức khi vào VFF rồi thì tiếng nói, ý kiến không được lắng nghe nên dần dần nản chí…

Bên cạnh đó, nhiều người tin rằng, cái gọi là Hội đồng Huấn luyện viên Quốc gia dưới sự chỉ đạo của VFF thực chất chỉ là một tổ chức đặt ra cho có. Đáng lẽ đó phải là nơi đề xuất, tham mưu những quyết sách hàng đầu về chuyên môn cho VFF và có tiếng nói quan trọng với các vị Huấn luyện viên trưởng của các đội tuyển Quốc gia.

Nhưng trên thực tế, ví như việc bổ nhiệm Huấn luyện viên đội tuyển Quốc gia là ông Miura hay sau này là những việc làm của ông thầy người Nhật Bản, hầu như không thấy có được sự can thiệp hay ảnh hưởng dù là nhỏ nhất nào của Hội đồng ấy.

Dù chúng ta không thể phủ nhận, đó là tập hợp những huấn luyện viên giỏi nhất của Việt Nam, những người thừa tâm huyết và đủ năng lực đóng góp cho nền bóng đá nước nhà. Vậy nên, thử hỏi, với thực trạng phát triển bóng đá Việt Nam như hiện tại, người hâm mộ không mặn mà với các đội tuyển Quốc gia, thì có gì lạ và đáng trách?

Thêm một vấn đề nữa chúng ta cần bàn đến, đó là sự đố kỵ, sự ganh ghét trong bóng đá. Hãy cứ nhìn vào đối thủ Thái Lan của chúng ta. Đã bao năm rồi, chúng ta nhìn người Thái như những kỳ phùng địch thủ. Có nghĩa là phải thắng họ, quyết tâm hơn họ bằng mọi giá.

Để rồi đến hiện tại, chúng ta vẫn thua người Thái, vẫn chịu khuất phục trước người Thái. Giờ thì người Thái đã có thể vươn ra ngoài khu vực, chơi sòng phẳng với các đối thủ tầm cỡ châu lục, còn chúng ta, vẫn ngụp lặn trong “ao làng” Đông Nam Á với cái tâm thế đố kỵ ấy.

Trở lại trận đấu bán kết vào lúc 18h tối nay giữa U21 Việt Nam và U21 HAGL, trận đấu mà thực chất cũng giống như cuộc tranh giành ảnh hưởng của hai lò đào đạo HAGL và Hà Nội T&T của bầu Hiển khi thành phần đội hình chính của U21 Việt Nam phần lớn là của Hà Nội T&T.

Hi vọng đây không chỉ là sự cạnh tranh, khẳng định tài năng, thương hiệu, uy tín của 2 lò đào tạo mà trên hết, đó là sự chọn lọc ra được một thế hệ U21 tài năng nhất của bóng đá Việt Nam. Những con người ấy chính là tương lai của bóng đá Việt Nam, là những cầu thủ có thể giành được “vàng” ở Seagames, hay xa hơn nữa là các giải đấu giành cho đội tuyển Quốc gia. Đó mới là đích đến mà chúng ta, các cầu thủ, các ông bầu và các vị quan chức bóng đá nên nhắm tới chứ không phải là chuyện thắng thua, chuyện “nồi da nấu thịt” của bóng đá Việt Nam.

Cảnh Vũ
.
.
.