Ai sẽ lĩnh ấn tiên phong trận chung kết lượt về Việt Nam-Malaysia?

Thứ Sáu, 14/12/2018, 16:36

Chưa bao giờ ông Park Hang-seo để người khác đoán nổi ý đồ của mình, khi ông luôn có những phương án nhân sự phù hợp với riêng từng trận. Và câu hỏi ai sẽ đá trung phong ở chung kết lượt về đang được dư luận quan tâm nhiều nhất, tranh luận nhiều nhất lúc này.



Trận hòa 2-2 ở Bukit Jalil, Hà Đức Chinh đã chơi tốt trong vai trò một tiền đạo phòng ngự, với nhiệm vụ chính là tạo khoảng trống, gây áp lực trực diện lên hàng thủ cũng như tiền vệ phòng ngự của đội bạn. Nhưng chỉ vì những pha bỏ lỡ đáng tiếc, có lẽ xuất phát từ tâm lý nôn nóng muốn lập công của mình, mà Hà Đức Chinh đã không có một trận tốt trọn vẹn. Và sau đó, những lùm xùm trên mạng xã hội (mà nhiều người đang ngờ rằng do đơn vị đại diện của Chinh thực hiện) đã khiến Chinh trở thành tâm điểm của dư luận và dẫn tới hồ nghi rằng khả năng anh không được có mặt trong đội hình xuất phát ở trận lượt về tại Mỹ Đình.

Vậy thì ai sẽ là trung phong của ĐTVN ở Mỹ Đình tối 15-12 đây? HLV Park Hang-seo sẽ sử dụng ai trong 3 cái tên Hà Đức Chinh, Anh Đức và Tiến Linh? Hay thậm chí, ông có thể dùng một cá nhân khác trong vai tiền đạo ảo để khiến tất cả khán giả đều phải bất ngờ? Thực tế, đó là một câu hỏi rất khó trả lời.

Hà Đức Chinh ở trận lượt đi - Ảnh: LT 

Nói gì thì nói, không một HLV bóng đá nào muốn thay đổi một công thức đang phát huy tác dụng. Mỗi lần thay đổi của ông Park Hang-seo cũng đều có nguyên do của nó cả. Ông không thay đổi hàng thủ, vì đó đang là công thức hữu hiệu lúc này. Nhưng ông thay đổi những khu vực khác, như hàng tiền vệ, tuyến tấn công, vì lý do ông chưa nhìn thấy ở đó sự ổn định mang lại hiệu quả mà ông mong muốn. Nói thẳng, ông cảm thấy chưa hài lòng và thay đổi của ông là để hướng tới sự hoàn thiện. Bao giờ hoàn thiện, ông sẽ không thay đổi nữa.

Như vậy, phương án Hà Đức Chinh rõ ràng chưa phải là phương án hoàn thiện khi Chinh đảm đương rất tốt nhiệm vụ “phòng ngự” trong khái niệm tiền đạo phòng ngự (defensive forward). Còn ở nhiệm vụ của một tiền đạo, tức là tận dụng tốt cơ hội để ghi bàn, Chinh chưa thực hiện được. Và đó có thể là lý do để ông Park Hang-seo sẽ muốn thay đổi lần nữa ở hàng công.

Ngoài ra, còn một lý do nữa khiến ông Park có thể thực hiện một thay đổi trên hàng công. Đó chính là ông không hề muốn đối thủ đọc được 1 bài đã quen mà ĐTVN đã đưa ra. Trước mỗi đối thủ, ông Park thường lựa chọn phương án thích hợp thay vì để một đối sách cố định có khả năng bị “bắt vở”. Hà Đức Chinh đã là phương án tạo bất ngờ cho Tan Cheng-Hoe ở Bukit Jalil. Và khả năng Park Hang-seo dùng lại phương án cũ này là không cao, dù thực sự, để chọn một cầu thủ có khả năng tạo áp lực tốt lên hàng phòng ngự đối phương, biết di chuyển thông minh tạo cơ hội cho tuyến hai và có sức mạnh tì đè, tốc độ để cạnh tranh với các hậu vệ to khỏe của Malaysia, Hà Đức Chinh chính là cái tên phù hợp nhất.

Hà Đức Chinh luôn khiến hàng thủ Malaysia phải vất vả ở lượt đi - Ảnh: LT 

Việt Nam đã gặp Malaysia 2 lần ở giải lần này. Ở vòng bảng, ông Park Hang-seo đã sử dụng Anh Đức, và Anh Đức đã ghi bàn. Nhưng thế trận ở vòng bảng cũng khác với thế trận ở bán kết lượt đi. Và bán kết lượt về cũng sẽ lại là một thế trận khác, khi Malaysia không còn gì để mất và Tan Cheng-Hoe sẽ lại bày ra một cuộc cờ mới mà ông Park sẽ phải là người giải thế.

Nhưng cho dù là cuộc cờ nào đi nữa, Malaysia sẽ không từ bỏ triết lý kiểm soát bóng và phát triển bóng từ tuyến dưới của mình. Đó đã là thói quen gắn bó của họ kể từ khi Tan Cheng-Hoe lên nắm ghế HLV trưởng. Điểm có thể khác so với trận lượt đi nhiều khả năng sẽ là việc Malaysia chủ động tăng tốc từ rất sớm, nhằm buộc Việt Nam bị cuốn vào nhịp độ của họ và từ đó bộc lộ sai lầm.

Trước một đối thủ như thế, việc ĐTVN phải chơi tạo áp lực từ tuyến trên (high pressure) có thể sẽ là chọn lựa của Park Hang-seo. Và trong các cầu thủ tạo áp lực tốt lên hàng thủ đối phương hiện nay, Park Hang-seo có Quang Hải, Văn Đức, Hà Đức Chinh và Anh Đức. Tiến Linh mạnh hơn về không gian hoạt động , khả năng tranh chấp trên không và khả năng xử lý bóng ở không gian hẹp. Liệu có chăng sẽ có một bất ngờ là Tiến Linh vào sân và chơi một cách chơi hoàn toàn khác với chính mình từ xưa tới nay, tức là liên tục di chuyển để áp chế không gian kiểm soát bóng của các hậu vệ cũng như tiền vệ phòng ngự đối thủ? Nếu cầu thủ của Bình Dương làm được điều đó ở trận chung kết lượt về thì quả thực HLV Park Hang-seo đúng nghĩa là một phù thủy sân cỏ khi có thể cải biến một cầu thủ của mình chỉ trong một thời gian ngắn.

Hà Đức Chinh chỉ cần cải thiện khả năng dứt điểm là đủ - Ảnh: LT 

Nhưng hãy nhớ, đây là trận chung kết lượt về, trận quyết định tất cả và tính an toàn là trên hết. Bởi vậy, nhiều khi, trong cái tĩnh lại ẩn chứa nhiều đáp số tích cực hơn là cái động. Và cái tĩnh ấy có thể là việc Park Hang-seo không thay đổi gì so với lượt đi, tiếp tục một thế trận khoa học và chầm chậm tiến tới chiến thắng. Đơn giản, đối thủ đang nghĩ ông Park sẽ thay đổi, sẽ xoay chuyển nhân sự và phỏng đoán phương án của ông để đối phó thì ông lại không thực hiện bất kỳ thay đổi nào. 

Nếu Hà Đức Chinh tiếp tục được ra sân, đó sẽ là một quyết định đúng đắn về chuyên môn. Và ở tình thế ấy, khả năng Hà Đức Chinh ghi được bàn thắng là không hề nhỏ. Sau trận lượt đi, rất nhiều người thầy cũ của Hà Đức Chinh đã động viên, dặn dò Chinh, đại ý là cần bình thản hơn, kiên nhẫn hơn. Và nếu Chinh kiên nhẫn, bình thản, anh hoàn toàn có khả năng bùng nổ để làm vỡ oà cầu trường. Nên nhớ, Chinh đã như cái lò xo, nén đến độ tận cùng rồi, và bây giờ là lúc cái lò xo ấy bung ra hết lực của mình.



Hà Quang Minh
.
.
.