Nhìn từ chấn thương kinh hoàng của Đỗ Hùng Dũng:

Bóng đá Nghệ An - hai mảng màu sáng tối

Thứ Năm, 25/03/2021, 08:24
Chỉ vài giờ sau khi Phan Văn Đức vẽ hai đường cong tuyệt đỉnh trên nền trời sân Hòa Xuân đem về chiến thắng cho Sông Lam Nghệ An trước SHB Đà Nẵng, tại sân Thống Nhất, một cầu thủ xứ Nghệ khác lại được nhắc đến với một hành động hoàn toàn trái ngược. Ngô Hoàng Thịnh, với cú tắc bóng khiến tất cả những người chứng kiến đều phải lạnh gáy rợn người, đã làm gãy đôi “ống đồng” của Đỗ Hùng Dũng.


Khi bạo lực là “đặc sản”

Hoàng Thịnh thêm một lần nữa làm cho những định kiến về cầu thủ lò Sông Lam Nghệ An được dịp “sống dậy”. Trong vòng vài tiếng sau khi Hùng Dũng gặp chấn thương kinh hoàng, rất nhiều người đã nhắc lại những “chiến tích” lẫy lừng của các cầu thủ xứ Nghệ trong quá khứ. Từ Hữu Thắng, Huy Hoàng, Trần Đình Đồng, Quế Ngọc Hải, Sầm Ngọc Đức… những cú tắc bóng khủng khiếp và đáng sợ nhất trong lịch sử V.League được lật giở, và thật đáng buồn khi nó luôn được nhớ tới như một thứ đặc sản của lò đào tạo cầu thủ trứ danh hàng đầu Việt Nam.

Thật trớ trêu và nghịch lý khi cũng chính những lò đào tạo ấy đã cho ra đời những ngôi sao tấn công xuất sắc bậc nhất cho bóng đá Việt Nam. Từ Văn Sỹ Hùng đến Văn Quyến rồi Công Vinh và giờ là Phan Văn Đức, họ được nhớ đến với lối đá đẹp mắt, giàu tính cống hiến và trở thành thần tượng của hàng triệu CĐV.

Hai mảng màu sáng – tối ấy song hành với nhau, tựa như thiên thần và ác quỷ, như ánh sáng và bóng tối. Trong cùng vòng đấu, cùng một ngày, những bàn thắng tuyệt đẹp của Phan Văn Đức đặt cạnh bên cú tắc bóng rùng rợn của Ngô Hoàng Thịnh là một mâu thuẫn kỳ lạ mà không ai lý giải nổi.

Đỗ Hoàng Thịnh sau cú tắc bóng khiến Hùng Dũng gãy chân.

Sông Lam Nghệ An từ lâu đã được biết đến với lối chơi rất rắn, luôn khiến các đối thủ của họ phải chùn chân. Không chỉ có các cầu thủ đội một mà tại các giải đấu trẻ, các lứa trẻ của đại diện xứ Nghệ cũng nhiều lần để lại những ấn tượng xấu bởi lối đá quá rát và dễ gây nên chấn thương cho các đối thủ. Khi một sự việc lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ, đó không hoàn toàn là chuyện ngẫu nhiên.

Ngay cả với quan điểm bóng đá là một trò chơi đối kháng, mạnh mẽ với lượng adrenaline rần rật trong huyết quản dễ khiến các cầu thủ trở nên máu lửa và đôi khi có thể mất đi sự kiểm soát, dẫn đến chuyện va chạm hay bị thương trên sân là một lẽ tất nhiên; thì vẫn cần phải rạch ròi giữa một chiến binh sân cỏ và một “thợ săn ống đồng”, giữa quyết liệt và bạo lực, giữa một hành động vô ý với hành vi phi thể thao có chủ đích.

Cú vào bóng hai chân của Hoàng Thịnh với Hùng Dũng làm người xem nhớ lại những tình huống tương tự của Nguyễn Huy Hoàng, Trần Đình Đồng, Sầm Ngọc Đức, Quế Ngọc Hải cùng những chấn thương nghiêm trọng mà họ gây ra cho các nạn nhân. Với những ai chứng kiến, “triệt hạ” là từ ngữ chính xác nhất để lột tả những tình huống như thế. Và khi nó cứ xuất hiện ở những lứa cầu thủ khác nhau nhưng với những yếu tố giống nhau, hoàn toàn có thể khẳng định những cầu thủ Nghệ An đã được đào tạo bài bản thứ “kỹ năng triệt hạ” ấy.

Thói quen ăn vào huyết quản

Trong cuốn sách “Những kẻ xuất chúng” được xuất bản năm 2008, tác giả Malcolm Gladwell khẳng định “10.000 giờ là con số kỳ diệu của sự vĩ đại”. Ông cho rằng 10.000 giờ “luyện tập có chủ đích” là cần thiết để trở thành bậc thầy đẳng cấp thế giới trong mọi lĩnh vực. Kết luận của Gladwell dựa trên một nghiên cứu năm 1993, trong đó nói rằng những sinh viên vĩ cầm giỏi nhất tại một học viện âm nhạc ở Berlin đã luyện tập trung bình 10.000 giờ khi họ chưa đến 20 tuổi.

Còn rất nhiều tranh cãi xung quanh “quy tắc 10.000 giờ” của Gladwell, nhưng ở một góc nhìn đơn giản, kết luận đó cũng chẳng khác gì câu “trăm hay không bằng tay quen” của người Việt Nam. Khi một người luyện tập một lĩnh vực gì đó đến mức nhuần nhuyễn thuần thục, phản xạ có điều kiện sẽ dần dần trở thành phản xạ của bản năng, giúp họ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó. 10.000 giờ chỉ là một dạng ước lượng hữu hình của nguyên tắc đó.

Ngô Hoàng Thịnh có lẽ trong thâm tâm không hề muốn Đỗ Hùng Dũng chấn thương nặng như thế. Bản thân Thịnh cũng từng dính những chấn thương đáng tiếc ngay trước hai kỳ SEA Games liên tiếp 2013 và 2015, để rồi mãi mãi giấc mơ dự SEA Games trở thành dang dở. Anh có lẽ hiểu rõ cảm giác của người chấn thương phải rời xa sân cỏ. Nhưng trong khoảnh khắc khi Hùng Dũng lao đến và Hoàng Thịnh tung chân ra, với cầu thủ xứ Nghệ có lẽ chỉ thuần là một phản xạ từ bản năng sau một quá trình “trui rèn” từ khi còn là một cầu thủ trẻ.

Bi kịch đã xảy ra. Hoàng Thịnh đáng phải nhận sự chỉ trích, nhưng nguồn cơn sâu xa của cú vào bóng thô bạo ấy mới là thứ đáng phải bàn tới. Bởi nó đại diện cho một thời kỳ mà bóng đá Việt Nam tưởng chừng đã đi qua, nhưng hậu quả của nó vẫn còn rơi rớt lại và thỉnh thoảng lại xảy ra tại V.League, để lại những cú sốc lớn và nỗi ám ảnh day dứt không chỉ cho cả “thủ phạm” và “nạn nhân” mà còn cho những người yêu thứ bóng đá văn minh, cống hiến.

Không phải ai để ý rằng trong một “nỗ lực” để “trả thù” cho Hùng Dũng, đồng đội Trần Văn Kiên, một cầu thủ gốc Nghệ An và trưởng thành từ lò vệ tinh VST đặt trụ sở ở Cửa Lò, cũng đã có một tình huống vào bóng bằng hai chân với thủ môn Thanh Thắng của CLB TP Hồ Chí Minh. Khi một thói quen đã ăn sâu vào huyết quản, quá trình “lọc máu” thật sự cần rất nhiều thời gian.

Đơn Ca
.
.
.