Bóng đá Nghệ An và nỗi đau... bóng vàng

Thứ Năm, 09/04/2009, 09:50
Sau khi đoạt "bóng vàng", Phạm Văn Quyến chết chìm trong một vụ án bóng đá khiến cho người ta vừa căm hận vừa đau đớn. Còn Dương Hồng Sơn sau khi “nhận bóng” lại gây tai tiếng bởi chuyện "xúi giục" một cầu thủ của đội khác đánh những đồng đội của mình vì những bất hòa cá nhân. Từ "bóng vàng" đến "bóng vàng", từ xứ Nghệ đến xứ Nghệ, tại sao lại có những câu chuyện rất đau lòng này?

QBV Việt Nam năm 2003 Phạm Văn Quyến trưởng thành từ lò bóng đá Nghệ An và gắn chặt với thương hiệu bóng đá Nghệ An. QBV Việt Nam năm 2008 Dương Hồng Sơn tuy đang khoác áo T&T Hà Nội nhưng cũng chính là một đứa con trưởng thành từ cái nôi xứ Nghệ.

Sau khi đoạt "bóng vàng", Phạm Văn Quyến chết chìm trong một vụ án bóng đá khiến cho người ta vừa căm hận vừa đau đớn. Sau khi đoạt "bóng vàng", Dưong Hồng Sơn lại gây tai tiếng bởi chuyện "xúi giục" một cầu thủ của đội khác đánh những đồng đội của mình vì những bất hòa cá nhân. Từ "bóng vàng" đến "bóng vàng", từ xứ Nghệ đến xứ Nghệ, tại sao lại có những câu chuyện rất đau lòng này?

Văn Quyến - Hồng Sơn - "chết" vì môi trường "nhiễm khuẩn"?

Năm 2000-2001 là quãng thời gian mà bóng đá xứ Nghệ xưng hùng xưng bá với 2 chức VĐQG liên tiếp. Thế nhưng sau này, khi những bí mật dần dần được làm sáng tỏ thì người ta mới giật mình nhận ra: Chức vô địch QG năm 2001 có “mùi” trầm trọng. Cùng với cái chức vô địch "sặc mùi" đó đương nhiên là những trận đấu theo kiểu trả - vay, vay - trả. Và những trận đấu kiểu như thế, vô hình trung đã làm hư các cầu thủ, vì với nó họ bị quay vào một guồng quay gian dối. Và trong một guồng quay như thế, nhân cách của họ phát triển một cách lành lặn mới là chuyện lạ.

Ở một phương diện khác, ai cũng biết là bắt đầu từ thời kỳ đó, những mâu thuẫn đầu tiên của bộ ba Nguyễn Hoàng Thụ (Giám đốc Sở TDTT) - Nguyễn Hồng Thanh (Trưởng đoàn bóng đá SLNA) và Nguyễn Thành Vinh (HLV trưởng SLNA) đã bắt đầu xuất hiện. Cứ như thế, những mâu thuẫn này lớn dần lên, để rồi bùng nổ vào quãng thời gian 2004 - 2005, thời điểm mà cả 3 đều phải người trước, người sau rời xứ Nghệ.

Trong suốt cái quá trình mâu thuẫn nói trên, cầu thủ SLNA ít nhiều bị lôi kéo theo kiểu "quân anh - quân tôi - quân chúng nó". Điển hình cho sự lôi kéo này chính là "cú đánh chỏ thế kỷ" mà Dương Hồng Sơn giáng vào mặt Huỳnh Nhật Thanh của Thể Công trong một trận đấu tại Cúp QG, để rồi đội nhà bị nhận 11m và thua trận.

Hồi ấy, người ta cho rằng Hồng Sơn cùng một vài "kiêu binh" khác cố tình làm đội nhà thua trận, để lật nhào cái ghế HLV trưởng của ông Nguyễn Thành Vinh. Rõ ràng là, những sự lôi kéo nói trên lại một lần nữa tác động xấu vào quá trình phát triển nhân cách của các cầu thủ.

Tuy nhiên, đấy mới chỉ là cái ngọn của một vấn đề. Nếu nhìn từ cái gốc, hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi: Những Văn Quyến, Quốc Vượng, Hồng Sơn đã bước vào nghề bóng đá như thế nào, để rồi bị "tự hủy hoại" ra sao?  

11, 12 tuổi, chắc chắn là những Quyến, Vượng, Sơn cũng mang một đôi chân và một tâm hồn trong trẻo như bao nhiêu đứa trẻ trong trẻo khác. Lớn lên một chút, Quyến, Vượng, Sơn được khoác áo các đội U lớn hơn. Và chúng tôi biết chắc rằng ở những đội U như thế, họ được sống bên cạnh những bậc đàn anh với nhiều trò tệ nạn và bị lây nhiễm.

Nhìn lại cả một quá trình từ thời bước chân vào bóng đá năng khiếu, đến các lứa U và đến cả đội 1, có thể khẳng định các cầu thủ Nghệ An phải tắm mình trong một thứ môi trường văn hóa bị “nhiễm khuẩn” trầm trọng. Và môi trường nào thì tính cách ấy. Thế nên người ta không lạ với việc các cầu thủ Nghệ An hết người này tới người kia dính scandal. 

Hiển nhiên, quá trình hình thành nhân cách một con người bao giờ cũng đến từ hai yếu tố: Chủ thể và khách thể. Môi trường bóng đá Nghệ An bị ô nhiễm, nhưng có phải tất cả các cầu thủ lớn lên trong môi trường ô nhiễm ấy đều hư hỏng? Rõ ràng câu trả lời là "không" - và khi trả lời như vậy người ta thường lấy trường hợp Lê Công Vinh làm ví dụ. 

Ở một phương diện nào đó, hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi: Phải chăng các cầu thủ xứ Nghệ, điển hình là những Văn Quyến, Quốc Vượng, Hồng Sơn đã và đang phải trả giá cực đắt cho việc đã dấn thân và đã lớn lên ở một thứ môi trường “nhiễm khuẩn”? Nhìn nhận như thế người ta hẳn sẽ rất đồng cảm với mẹ Niềm của Quyến khi bà mẹ này đã hơn một lần thốt lên: "Ước gì nó không theo bóng đá. Ước gì nó mãi là đứa trẻ chăn trâu…"

Trịnh Phan Phan
.
.
.