Iraq: Sau khủng bố là cuộc chiến chống ma túy

Thứ Năm, 14/03/2019, 10:55
Khi cuộc chiến chống lại các chiến binh thánh chiến kết thúc, chính phủ Iraq phải đối phó với kẻ thù nguy hiểm khác - đó là ma túy.

Trong chưa đầy một thập  niên, Iraq đã chuyển đổi từ một quốc gia vận chuyển ma túy bất hợp pháp thành khu vực tiêu dùng và nhà sản xuất. Ngành công nghiệp dường như mở rộng khi tòa án Iraq xử lý khoảng 30 vụ liên quan đến ma túy mỗi ngày. 

Ngoài các điều kiện xã hội xấu đi do thất nghiệp và nghèo đói ngày càng tăng, một số yếu tố đã dẫn đến sự leo thang này - theo các thẩm phán và thành viên quốc hội Iraq. Các yếu tố đó là tham nhũng trong chính quyền, sự yếu kém của bộ máy an ninh và không có trung tâm cai nghiện cho người nghiện ma túy. 

Tình hình đã thay đổi mạnh mẽ. Sau cuộc xâm lược của Mỹ năm 2003, bộ máy an ninh sụp đổ và biên giới Iraq ở mọi hướng bắt đầu mở rộng cửa cho việc buôn bán tất cả các loại ma túy, được vận chuyển đến các nước vùng Vịnh bằng các phương pháp khác nhau. 

Giữa năm 2017, cơ quan hải quan Kuwait phá vỡ một mạng lưới buôn người vận chuyển ma túy đến Kuwait bằng cách sử dụng túi buộc vào chân của những con chim bồ câu. Tháng 12-2018, chính quyền Kuwait chặn một máy bay không người lái (drone) vận chuyển ma túy đến từ Iraq. Ma túy đến từ Iran từng được buôn bán qua sa mạc ở tỉnh Muthanna phía tây nam Iraq tới nước láng giềng Arab Saudi. 

Crystal methamphetamine, chất gây nghiện gây tổn hại nội tạng cho người dùng là loại phổ biến nhất được tìm thấy ở Iraq. Các loại ma túy khác được bán ở Iraq bao gồm hashish (loại thuốc làm từ nhựa cây cần sa), thuốc phiện và thuốc viên captagon (fenethylline) có tác dụng giảm bớt sự ức chế thần kinh mang lại cho người sử dụng cảm giác phấn chấn. 

Giao dịch ma túy mở rộng ở Iraq đến mức một số người buôn bán ma túy có quan hệ với các cartel ma túy quốc tế ở Nam Mỹ và Đông Âu. Iraq đang trên bờ vực biến thành một trung tâm ma túy không chỉ ở Trung Đông mà trên thế giới - theo nhận định từ Zam Zamly, thành viên hàng đầu phong trào chính trị Sadr nằm dưới sự lãnh đạo của Moqtada al-Sadr, thủ lĩnh người Shiite. 

Zamly không cường điệu bởi vì các lượng lớn ma túy thường xuyên bị thu giữ ở biên giới Iraq. Mạng lưới vận chuyển ma túy cả trong và ngoài Iraq rất phức tạp, liên quan đến một số lượng lớn các quốc gia. Những kẻ buôn người ở Syria xuất khẩu ma túy - được sản xuất ngay trên lãnh thổ nước này, cũng như từ Lebanon - sang Iraq. 

Iran là quốc gia góp phần to lớn không kém cho vấn đề ma túy ở Iraq. Người Iran xuất sắp xếp vận chuyển ma túy Afghanistan đến miền nam Iraq, đặc biệt là thành phố cảng Basra của nước này. Ma túy từ hầu hết các quốc gia này đều tập trung về Iraq trước khi buôn lậu sang các nước vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ, và từ đó tìm đường đến các thị trường trong khu vực và thế giới. 

Đằng sau môi trường thương mại mở rộng này là một mạng lưới rộng lớn các cá nhân có mối liên hệ chặt chẽ với các chính trị gia, cộng đồng địa phương và các phe phái vũ trang ở Iraq. 

Đầu năm 2018, lực lượng an ninh Iraq bắt giữ 3 tên buôn lậu ma túy lớn ở Baghdad và điều đáng nói là một trong số đó chính là Loay al-Yasry - con trai thống đốc tỉnh Najaf. Hoạt động cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa buôn bán ma túy và môi trường chính trị ở Iraq.

Số ma túy bị tịch thu được tiêu hủy.

Vấn đề ma túy ở Iraq không chỉ giới hạn ở việc buôn lậu. Lực lượng an ninh Iraq thỉnh thoảng phát hiện các phòng thí nghiệm methamphetamine nhỏ ở miền trung và miền nam nước này. Tuy nhiên, không có số liệu thống kê được công bố về số lượng phòng thí nghiệm và khối lượng họ sản xuất. 

Một nguồn tin của Bộ Nội vụ Iraq cho biết những phòng thí nghiệm này thường được thiết lập trong hộ gia đình và hầu hết trong số đó tập trung ở Al-Basra và Baghdad. Các chuyên gia sản xuất kém khiến methamphetamine gây tử vong cho người dùng. 

Ở các tỉnh Misan, Diwaniya và Sulaymaniyah, nông dân bị bắt gặp sản xuất thuốc phiện và hashish để bán tại các chợ địa phương. Quốc hội Iraq cố gắng kiềm chế nạn buôn bán ma túy phát triển tràn lan bằng một đạo luật được thông qua vào năm 2017 quy định hành vi phạm sử dụng ma túy từ một trọng tội thành tội nhẹ trong khi vẫn duy trì hình phạt khắc nghiệt đối với bon buôn ma túy. 

Các chuyên gia Iraq nhận định 2 thách thức lớn là ngành công nghiệp ma túy và chương trình điều trị cai nghiện. Một số vụ tự tử gần đây ở miền Nam Iraq bị đổ lỗi cho việc sử dụng ma túy, nhưng không có trung tâm phục hồi chức năng trong khu vực. 

Một ủy ban được thành lập để nghiên cứu những lý do cơ bản dẫn đến sự sử dụng tràn lan ma túy và ngành công nghiệp ma túy ở Iraq. Ủy ban phát hiện ra rằng các chính phủ liên tiếp của Iraq đã không giải quyết được các lý do cốt lõi của việc sử dụng ma túy. 

Nói cách khác, nghèo đói và thất nghiệp trên diện rộng đã ảnh hưởng sâu sắc nhất đến những người từ 16 đến 35 tuổi. Ủy ban cũng phát hiện những kẻ buôn bán ma túy nhắm vào các khu vực bị đói nghèo, thất nghiệp, bất an và bất ổn xã hội. Việc cấm uống đồ uống có cồn ở các tỉnh miền trung và miền nam Iraq cũng được cho là đã góp phần vào việc sử dụng ma túy ngày càng tăng.

Diên San
.
.
.